.

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương và những sáng tác về đề tài Bác Hồ

Chủ Nhật, 15/05/2016, 09:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Một ngày đầu tháng 5 năm 2016, trong không khí hướng về kỷ niệm 126 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ (19-5-1890 - 19-5-2016), chúng tôi đã có buổi trò chuyện với nhạc sĩ Hoàng Sông Hương và nghe nhạc sĩ kể lại niềm vinh dự được gặp Bác Hồ.

Dễ cũng đã hơn 50 năm trôi qua nhưng hình ảnh Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc vẫn không bao giờ phai mờ trong trái tim những người nghệ sĩ quê hương Quảng Bình, Hoàng Sông Hương là một trong số đó. Bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, mái tóc đã bạc, nhưng những kỷ niệm về Bác như vẫn còn nguyên vẹn trong lòng nhạc sĩ. Nhạc sĩ nhớ lại: “Đó là năm 1966, tôi cùng nhạc sĩ Quách Mộng Lân, chị Nam Kỷ, nhiều anh chị em nghệ sĩ trong Đoàn văn công Quảng Bình được vinh dự ra Thủ đô Hà Nội gặp Bác Hồ. Không thể diễn tả hết được niềm hạnh phúc của chúng tôi vào giây phút trọng đại đó. Riêng bản thân tôi, vào năm 1957, từng được trong đoàn thiếu nhi Đồng Hới tặng hoa cho Bác Hồ. Nhưng lần thứ hai được gặp Bác, niềm vui khôn xiết, tôi không còn là thiếu nhi nữa mà đã là một nghệ sĩ tuổi 23 phơi phới. Tôi đã có tác phẩm đầu tay “Tiếng hát đò đưa”, sáng tác về đề tài Mẹ Suốt. Vui mừng vì được Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn văn công Quảng Bình. Cùng chụp ảnh với đoàn còn có các đồng chí trong Bộ Chính trị.

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với Đoàn văn công Quảng Bình năm 1966.         Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với Đoàn văn công Quảng Bình năm 1966. Ảnh: Tư liệu

Viết về đề tài Bác Hồ quả là không dễ. Bởi trước nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sáng tác thành công về đề tài lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với tình cảm kính yêu Bác vô hạn, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã trăn trở tìm cho mình hướng khai thác đề tài mới, không bị lặp lại. Với tình cảm kính yêu Bác vô hạn, trong quá trình sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã đưa đến cho công chúng nhiều tác phẩm viết về Bác rất có giá trị. Bài hát “Huế thương nhớ Người” sáng tác vào năm 1983 có lẽ là bài hát đầu tiên nhạc sĩ Hoàng Sông Hương sáng tác về đề tài Bác Hồ. Lời bài hát sâu lắng chất dân ca đằm thắm. Tác giả bài hát đã thể hiện lại những năm tháng thiếu thời Bác Hồ học ở Trường Quốc học Huế: “Từ Dương Nỗ giấc mơ say cứu nước. Đến Ba Đình vọng lời Bác tuyên ngôn. Ở thủ đô Bác mong vô thăm Huế; Để dòng Hương lắng trong ra mong Người...”. Tiếp đó vào khoảng năm 1988, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã ra mắt tác phẩm: “Tình Người hương lúa”. Đây được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương về đề tài Bác Hồ. Bài hát ra đời, ngay lập tức được công chúng yêu thích âm nhạc đánh giá cao. Lời bài hát giản dị mộc mạc. Tứ bài hát có nhiều nét mới khi diễn tả tình cảm của lãnh tụ Hồ Chí Minh với nông dân. Bài hát sau đó đã được hát trên các phương tiện thông tin đại chúng của cả nước như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, nhiều ca sĩ thể hiện thành công bài hát và đã được nhiều huy chương vàng ở các hội diễn toàn quốc.

Gần đây một bài hát để lại dấu ấn sâu sắc cho nhạc sĩ Hoàng Sông Hương khi viết về đề tài Bác Hồ là tác phẩm “Lời Người vọng mãi” sáng tác năm 2010. Bài hát được nhạc sĩ sáng tác sau những ấp ủ lớn dựa trên câu nói nổi tiếng của Bác: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Để chuyển tải một câu nói của lãnh tụ thiên tài bằng một bài hát thật không dễ chút nào, nhưng với tài năng của mình, nhạc sĩ đã biết sử dụng làn điệu tiết tấu phù hợp dễ thuộc. Bài hát đã được công chúng yêu âm nhạc đánh giá cao. Bài hát đã khắc họa thành công hình tượng vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh qua nét nhạc mang tính khái quát, chính luận cao.  Chỉ  sau hai năm ra mắt, bài hát “Lời Người vang vọng ” đã nhận được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2012.

Sáng tác về đề tài Bác Hồ, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương luôn cố gắng tìm tòi trong cách thể hiện để đề tài thêm hấp dẫn phong phú. Ngoài những vấn đề mang tính chính trị cao, một đề tài mà được nhạc sĩ thể nghiệm là Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình. Điều thú vị nữa là khi sáng tác bài hát “Người Arem ơn Bác” nhạc sĩ đã cho dịch sang tiếng  Arem vừa dễ nhớ dễ thuộc. Một ca sĩ người dân tộc Arem tên là Thùy Lân, nguyên là học sinh Trường Dân tộc nội trú Quảng Bình đã biểu diễn thành công bài hát trong các kỳ hội diễn các trường dân tộc nội trú toàn quốc vào những năm 90 của thế kỷ trước.

Hy vọng với những dự định mới, với niềm say mê sáng tạo cùng tình cảm yêu thương kính trọng Bác Hồ, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương sẽ có thêm những tác phẩm mới viết về đề tài Bác Hồ.

Phan Hòa