.

Sách giải trí cho thiếu nhi, đôi điều suy ngẫm

Thứ Sáu, 29/04/2016, 10:30 [GMT+7]
(QBĐT) - Đọc sách là thói quen tốt của mỗi người, nhất là các em thiếu nhi. Một cuốn sách hay chứa đựng trong đó rất nhiều điều bổ ích, góp phần quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển tư duy và hoàn thiện nhân cách. Vì vậy việc tìm hiểu, lựa chọn những cuốn sách tốt phù hợp với độ tuổi cho các em đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh.
 
Truyện tranh ngoại chiếm ưu thế
 
Dạo quanh các cửa hiệu bán sách trên địa bàn tỉnh và các thư viện trường học, một điều dễ nhận thấy là sách phục vụ cho độ tuổi thiếu nhi khá phong phú. Tuy nhiên số sách được nhiều em lựa chọn mua, hoặc mượn đọc đa số là truyện tranh hiện đại nước ngoài chủ yếu của Nhật Bản như Siêu quậy Teppi, Thám tử Conan, Doraemon... Trong khi những loại truyện khác như truyện cổ tích, truyện ngắn và cả truyện tranh Việt Nam lại không được nhiều em lựa chọn. Tìm hiểu về nhu cầu đọc sách của các em, chúng tôi được biết, hầu hết các em trong độ tuổi thiếu nhi đều thích đọc sách, xem đây là một trong những kênh giải trí sau mỗi giờ học. Và truyện tranh luôn là lựa chọn số 1 của các em. Sở dĩ như vậy là vì truyện tranh ít chữ, lại sử dụng ngôn ngữ dí dỏm, dễ hiểu, có hình ảnh minh họa... nên gần với tâm lý, tính cách của các em hơn. Cũng phải nói thêm rằng, truyện tranh nước ngoài có hình thức bắt mắt hơn hẳn truyện tranh Việt Nam. Nhiều tác phẩm kinh điển của văn học thế giới như “Những người khốn khổ”, Nhà thờ Đức bà Pari (Victor Hugo) hay các danh nhân, danh tác thế giới như Lep Tônxtôi với “Phục sinh”, W. Shakespeare với “Romeo và Juliet”, “Hăm lét”, Emily Bronte với “Đồi gió hú”, Jonathan Swift với “Gulivơ duký”, Saclơ Đickenx với “Ôlivơ Tuýt” hay Nobel, Isaac Newton... (Nhà xuất bản Kim Đồng) có nội dung được cắt gọt cho phù hợp với độ tuổi học sinh và thể hiện bằng hình thức truyện tranh nên rất được các em yêu thích. Tại các nhà sách lớn trên địa bàn thành phố Đồng Hới như nhà sách Thời Đại, nhà sách Nguyễn Văn Cừ, cửa hiệu sách tại các siêu thị Co.opmart, Hiếu Hằng... hằng ngày đón rất nhiều phụ huynh và học sinh đến mua sách. Và ở hạng mục sách giải trí thì truyện tranh nước ngoài luôn thu hút sự quan tâm của các em. 
Truyện tranh chiếm ưu thế tại các cửa hiệu sách trên địa bàn tỉnh.
Truyện tranh chiếm ưu thế tại các cửa hiệu sách trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những quyển truyện tranh hay, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của các em với đầy đủ giá trị thẩm mỹ và chức năng giáo dục thông qua tấm lòng nhân hậu, sự dũng cảm của các nhân vật thì vẫn còn một số truyện tranh có nội dung thiếu lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi học sinh như đề cập đến những câu chuyện tình yêu tuổi ô mai hay những trò đấm đá trả thù... Có thể thấy, sách viết cho trẻ em hiện nay nhiều nhưng rất khó có thể kiếm được những tác phẩm đặc sắc, kiểu như "Dế mèn phiêu lưu kí" của Tô Hoài, "Ðất rừng phương Nam" của Ðoàn Giỏi, "Quê nội" của Võ Quảng, "Cái tết của Mèo con" của Nguyễn Ðình Thi, "Góc sân và khoảng trời" của Trần Ðăng Khoa... như trước kia. Và đáng buồn hơn là những tác phẩm vốn một thời là sách gối đầu giường của các cô cậu học trò thì bây giờ không được các em yêu thích, lựa chọn. Số truyện tranh Việt Nam có sức hút đối với các em chỉ đếm được trên đầu ngón tay như Cậu bé rồng, Cô Tiên Xanh, Tâm hồn cao thượng, Trạng Quỳnh... trong khi đó truyện tranh nước ngoài lại chiếm ưu thế đối với thiếu nhi. 
 
Văn hóa đọc cho thiếu nhi, cần sự định hướng của người lớn.
 
Nói về nhu cầu đọc sách của học sinh, chị Phạm Thúy Hằng, giáo viên Trường THCS Quảng Thuận cho hay: Đa số các em đều thích đọc truyện tranh nước ngoài, không chỉ học sinh tiểu học mà học sinh THCS cũng say sưa với các loại truyện tranh. Nếu như trước đây hầu hết truyện tranh đều có nội dung tốt phù hợp với học sinh thì ngày nay không ít truyện tranh và cả phim hoạt hình có nội dung thiếu lành mạnh  hay đơn thuần chỉ là những câu chuyện “vô thưởng vô phạt”. Nhu cầu đọc của các em rất đa dạng, nhưng cái chính là gia đình, nhà trường và xã hội cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng nhu cầu của các em để nâng cao chất lượng đọc. 
 
Đã có một thời, các thế hệ thiếu nhi Việt Nam từng say mê với thế giới thần tiên, huyền thoại qua các câu truyện cổ tích được lưu giữ từ bao đời... Ở đó, tuổi thơ chúng ta bắt gặp những câu chuyện thường mở đầu bằng chữ “ngày xửa ngày xưa” với Tấm Cám, Thạch Sanh, Sọ Dừa, Cây khế, Sự tích trầu cau... Thế giới thần tiên trong các câu chuyện trên phù hợp tâm tư, tình cảm lứa tuổi thiếu nhi, nuôi dưỡng lòng nhân ái, bao dung cùng niềm tin về cuộc sống tốt đẹp. Lớn lên một chút, thế hệ chúng ta lại thích thú với “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, “Hòn đất” của Anh Đức, hay “Truyện cổ Andecxen”...  Thế nhưng, không ít trẻ em ngày nay dường như không hề biết đến các câu chuyện cổ hay những tác phẩm văn học kể trên mà thay vào đó là những bộ truyện tranh hiện đại. Cũng phải nói thêm rằng, do trong bối cảnh hiện nay, khi mà các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ thì văn hoá nghe - nhìn có phần chiếm ưu thế hơn văn hoá đọc, trong khi trẻ thơ lại thích những thứ mang đậm tính trực quan, sinh động, có hình ảnh hơn là các trang viết dày câu chữ. Do vậy, các em chọn truyện tranh, loại truyện rất ít chữ, có hình ảnh minh họa, hình thức đẹp. Và như thế, những câu chuyện giàu tính văn chương, nghệ thuật theo đó dần bị lãng quên. Vì vậy vai trò của người lớn trong việc định hướng văn hóa đọc cho các em là hết sức quan trọng. 
 
Những năm gần đây, các địa phương, trong đó có tỉnh ta rất chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động nhân Ngày Sách Việt Nam (21-4),  trọng tâm bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 4 hàng năm. Đây cũng là dịp, các sở, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh phát động phong trào văn hóa đọc thông qua việc tổ chức triển lãm, trưng bày, giới thiệu, bán sách giá ưu đãi, phục vụ đọc miễn phí tại chỗ; tọa đàm về sách, giới thiệu, tôn vinh một số tủ sách có giá trị như tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách quê hương... Bên cạnh đó, các trường học cũng tổ chức “Ngày hội đọc sách” theo từng chủ đề, phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường, tổ chức các câu lạc bộ về sách với những hoạt động ngoại khóa nhằm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, sinh viên; đồng thời phát động phong trào thu gom sách, ủng hộ sách vở hỗ trợ cho các trường học vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn... Và thiết nghĩ, nếu những hoạt động kể trên được chú trọng thường xuyên, tăng cường hơn nữa vai trò của gia đình, nhà trường trong việc  giúp các em chọn sách- hướng cho em đến với những cuốn sách gieo hạt giống cho tâm hồn thì sẽ khơi dậy trong các em niềm đam mê đọc sách. Vì sách là nguồn cung cấp tri thức vô tận, là người bạn đồng hành thân thiết nhất đối với cuộc sống của mỗi người.
 
Nhật Văn