.

Thạch thảo

Thứ Bảy, 19/03/2016, 15:15 [GMT+7]

(QBĐT) - “Một mớ hành ta
Một mớ ngò tây
Tập tàng một mớ
Mỗi thứ dăm cây
Rau xanh như chị

Chị như rau gầy...

Là cái sự đa cảm ẩn náu trong tôi bỗng động cựa khi những câu thơ của Th.H. bỗng ngân lên trong một buổi chiều áp tết mưa lay phay và gió, lạnh. Chiều rồi, chim bay về núi, chợ đã vãn sao mẹ còn ngồi bên mẹt rau tập tàng, tay lại nắm khư khư một dúm cây gì trông như rau mà không phải rau, cây giống mà không phải cây giống. Đã hơn một lần tôi lướt qua những chân dung như vậy, lòng tự an ủi: Làm sao lo được cho hòa bình cả thế giới bằng khoản lương còm của mình, để nhiều tháng sau nữa cứ bị ám ảnh dày vò. Và lần này thì quán tính xe cũng đã kéo tôi trượt qua. Không được, sao bà này ốm ốm, xanh xanh giống... ai. Vẫn trên yên xe khá trịch thượng:

- Rau chi nơi tay rứa mệ?

- Khôông phải rau mô con! Cây bông ni đẹp lắm, hồi hắn nở mệ chộ, chừ mệ nhổ đi bán mà khôông ai biết cả.

- Hoa màu chi, mệ nhớ không?

- Màu... như cái áo của con đó.

Màu tím tươi, đẹp rồi.

- Rứa mệ bán bao nhiêu?

- Hai bó hai nghìn.

Trời đất! Tôi đưa mệ năm nghìn. Mệ mừng lẩy bẩy tìm tiền lẻ thối lui. Tôi vội: “Thôi thôi, khỏi trả lại”. Mệ: “Có đây rồi, con!” Người già dễ tự ái, tôi phải cầm lại ba nghìn đồng mà thấy trong cổ như thiếu nước bọt.

Sương muối, từng cái cây nhỏ yếu ớt cứ xỉu dần trong chậu. Thôi, chưa đáng một mớ rau muống, mua được cho người già là vui rồi. Bẵng đi qua hết tháng giêng. Một ngày, lại đúng ngày quốc tế phụ nữ, đi làm về thấy hai cây nở hoa màu đỏ tím trong chậu. Trong bữa cơm tôi ngỏ lời đồng tình với “ông xã” về chuyện mua hoa về trồng vừa quà kỷ niệm vừa lưu lại cho mùa sau. Chồng tôi ngơ ngác. Cả hai bỏ đũa chạy ra: Là cây trong mớ “không phải rau, không phải cây giống” của người mẹ già gầy gò xanh xao hôm ấy.

- Hoa gì đây anh?

- Ủa, em mua em trồng mà sao hỏi anh?...

Phải mất một tuần bia giải khát để các bạn đồng nghiệp đến làm chuyên gia. Thì ra, đã hai chục năm nay, bài thơ từng gây scandan một thời mà “nhân vật chính” bây giờ mới mục sở thị:

Anh tặng em một bông hoa thạch thảo
Chiều trung du chưa tím thế bao giờ...”

Hoa còn có tên Violet, tiếng Pháp là “tím”. Tím đồng cảm với thủy chung. Tác giả hai câu thơ trên đã phải khốn khổ vì những “điệu vũ Lambada” bất đắc dĩ của “Sư tử Hà Đông” khi dám đề tặng một phụ nữ xinh đẹp trong cơ quan.

Vâng, là những cây hoa thạch thảo tươi tắn ngỡ ngàng đón những làn mưa xuân tưới tắm và nở hoa. Hẳn người mẹ già nghèo khó đã nhìn thấy một lần hoa nở nên mang về chợ may ra có người hiểu, mua, trồng. Cảm ơn mệ, cảm ơn cuộc đời, hay tự bằng lòng với mình đã dừng xe trong buổi chiều muộn áp tết mưa lay phay, và gió, lạnh, người đàn bà già nua gầy guộc vẫn kiên nhẫn ngồi bên cái mẹt: “Một mớ hành ta/ Một mớ ngò tây...” và trong tay lại có nắm cây nhỏ. Ôi, sao mẹ không để chung cái mớ cây nhỏ vào mẹt rau? Và nếu thế thì cả vợ chồng tôi đã không có cái hạnh phúc cùng được ngắm màu tím đậm đà mà tươi tắn của những bông hoa thạch thảo. Bây giờ thì tôi đã nhớ ra người đàn bà già nua gầy guộc ấy giống ai rồi. Và tôi còn nhớ những câu kết trong bài thơ  “Người bán rau tập tàng” đã dẫn:

Dăm ngàn bạc lẻ
Chợ tan lúc nào
Bước thấp bước cao
Chị về sắm tết.

Những ngày qua, tôi đã hơn một lần ra chợ tha thẩn hỏi tìm lại mệ nhưng tuyệt nhiên không thấy nữa.

Nguyễn Thế Tường