.

Giữ hồn dân tộc bằng văn nghệ dân gian

Thứ Tư, 16/03/2016, 08:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình-vùng đất có bề dày về văn hóa, lịch sử, là xứ sở của những câu dân ca mang đậm dấu ấn vùng, miền ở khắp các địa phương trong tỉnh. Trải qua thời gian, không ít loại hình văn nghệ dân gian dần bị mai một. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại đang trở thành nỗi trăn trở của những người làm công tác văn hóa, những nghệ nhân-người nắm giữ “tinh hoa văn hóa” ở các làng quê.

Vùng đất của những câu dân ca

Mỗi dân tộc, mỗi vùng, miền, địa phương đều có những làn điệu dân ca đặc trưng thể hiện dưới hình thức văn nghệ dân gian đậm đà bản sắc văn hoá được nâng niu, lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Làn điệu hò khoan Lệ Thủy nổi tiếng với lối hát đối đáp mộc mạc, dung dị, nhưng có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người nghe. Cũng như các thể loại văn nghệ dân gian khác, hò khoan phản ánh mọi mặt trong đời sống của người Lệ Thủy. Với lối hát có sự kết nối giữa các câu thành một chuỗi đối đáp liên hoàn (thường là giữa nam và nữ) tạo nên nét riêng thú vị. Ví dụ như những câu hát sau: Nữ: Em hỏi anh con chi không chân nó đi khắp rừng, khắp rú. Con chi không vú nó nuôi chín mười con. Nam: Con rắn không chân nó đi khắp rừng khắp rú. Con gà không vú nó nuôi chín, mười con... Lời hay, ý đẹp, giai điệu mượt mà đã tạo nên đặc trưng cho hò khoan Lệ Thủy.

Ai lên Minh Hóa quê mình, chè xanh mật ngọt thắm tình nước non". Những câu ca trên thay cho lời mời gọi khách thập phương đến với Minh Hóa, vùng đất đẹp như một bức tranh giữa núi rừng trùng điệp. Và đặc biệt nơi đây còn là xứ sở của những câu dân ca làm say đắm lòng người. Không chỉ níu chân du khách bằng "chè xanh, mật ngọt" mà người ta còn nhớ Minh Hóa bởi các làn điệu dân ca độc đáo như hát sắc bùa, đúm, ví, hò thuốc...

Các thể loại dân ca ở Minh Hóa được thể hiện theo từng điều kiện, từng bối cảnh khác nhau như hát sắc bùa thường được tổ chức vào dịp Tết hò thuốc cá (tức hò thuốc) được cất lên mỗi dịp hội Rằm tháng Ba... Hò thuốc có nhịp điệu linh hoạt, khẩn trương theo nhịp chày giã thuốc. Khi hò thường có người hò cái và người hò con. Hò cái hát vế xướng, hò con hát vế xô, vế xô bao giờ cũng bằng câu "Hôi lên là hôi lên", còn vế xướng chứa đựng nội dung của cuộc hát. Phần hò và xô vẫn được diễn xuất như khi hò trong lao động chỉ khác động tác giã tèng được thay bằng nhịp vỗ tay của mọi người trong cuộc vui. Người Minh Hóa còn sử dụng một hình thức hát giao duyên phổ biến đó là đúm và hát ví. Ngoài ra, ở Minh Hóa còn phổ biến làn điệu hát ru mang đậm bản sắc dân tộc và nhiều hình thức sinh hoạt dân gian độc đáo khác. Các giá trị đó luôn được gìn giữ, lưu truyền, là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Các nghệ nhân đang truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ ở Câu lạc bộ ca trù Đông Dương.
Các nghệ nhân đang truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ ở Câu lạc bộ ca trù Đông Dương.

Các xã Cảnh Dương, Quảng Phương (Quảng Trạch), phường Quảng Thuận, Quảng Xuân (thị xã Ba Đồn) và nhiều tên đất, tên làng khác đều gắn với những hình thức văn nghệ dân gian đặc trưng. Hát ru ở Cảnh Dương “lạ” ở chỗ lời ru bắt đầu bằng giai điệu khá nhộn Bôồng bôổng bôồng bôồng hò hẻ hò he...chứ không phải là à ơi, ầu ơ... như những vùng quê khác. Và nữa, giai điệu hát ru ở Cảnh Dương có tiết tấu khá nhanh và theo như các cụ cao niên trong làng thì do đặc điểm là xã biển quanh năm nghe tiếng sóng vỗ bờ nên lời ru cần mạnh hơn để át tiếng sóng vỗ nhằm hướng trẻ tập trung vào lời ru để đi vào giấc ngủ.

Về làng Đông Dương, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, nghe ca trù (còn gọi là hát ả đào-loại hình âm nhạc vừa mang tính dân gian, vừa mang tính bác học) do nghệ nhân là những người nông dân mộc mạc thể hiện mới thấy hết niềm đam mê nghệ thuật truyền thống dân tộc của người dân nơi đây. Từ bao đời nay, ca trù đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi dịp hội làng, hay các lễ trọng của làng, xã. Ngoài ra, còn có nhiều làn điệu dân ca khác đang tồn tại trên đất Quảng Bình như hát Kiều ở xã Quảng Kim (Quảng Trạch), hò làm nón ở phường Quảng Thuận (Ba Đồn), hát tuồng bội ở làng Khương Hà (Bố Trạch)... cũng mang những đặc trưng của quê hương, xứ sở. Tất cả tạo nên bức tranh văn hóa nhiều sắc màu của tỉnh, làm phong phú thêm đời sống của người dân ở các địa phương.

Chuyện về những người gìn giữ "hồn quê"

Họ đến từ các vùng quê khác nhau nhưng có chung niềm đam mê nghệ thuật truyền thống của làng. Họ đã dày công sưu tầm, biên soạn, gìn giữ và phổ biến các câu hò, điệu hát để rồi làm sống lại nhiều giá trị văn hóa từng bị lãng quên trong cuộc sống hiện đại. Đó là các nghệ nhân dân gian, những người nắm giữ tinh hoa văn hóa của làng và truyền lửa niềm đam mê cho các thế hệ sau.

Trăn trở trước nguy cơ mai một làn điệu hát Kiều, một loại hình văn nghệ dân gian nổi tiếng một thời của xã Quảng Kim (Quảng Trạch), cụ Đặng Văn Đôn, người rất mê truyện Kiều nên cũng mê luôn cả thể loại hát Kiều.

Nhận thức được việc cần phải gìn giữ và bảo tồn văn hóa di sản quê hương, việc truyền dạy các thể loại dân ca được các địa phương hết sức chú trọng. Ở Lệ Thủy, các trường học đều quan tâm đến việc dạy các làn điệu hò khoan cho học sinh và hình thành nhiều câu lạc bộ đàn hát dân ca ở các địa phương. Không để mai một, thất truyền những làn điệu dân ca ngọt ngào của quê hương, huyện Minh Hóa đã thành lập được Câu lạc bộ đàn và hát dân ca với sự góp mặt của các thành viên có năng khiếu văn nghệ và am hiểu nghệ thuật truyền thống.

Có thời gian dài, điệu hát ca trù ở làng Đông Dương lắng xuống. Từ năm 2000 đến nay, ca trù được phục hồi và phát triển bởi những người tâm huyết như các ông, bà Lê Tấn Đạt, Hồ Xuân Thể, Phạm Xuân Hộ và đặc biệt là cố nghệ nhân Phạm Thị Thứu... Mọi người trong Câu lạc bộ ca trù làng Đông Dương vẫn không thể quên được hình ảnh của cụ bà Phạm Thị Thứu với giọng hát đậm chất ca trù và sự nỗ lực của cụ trong việc sưu tầm các làn điệu cổ để truyền dạy cho những người có cùng niềm đam mê. Trải qua thời gian, câu lạc bộ đã có sự phát triển không ngừng với việc đào tạo ra nhiều đào nương mới, trong đó có cả thế hệ trẻ. Người thường đứng lớp đào tạo cho các thành viên trong câu lạc bộ là nghệ nhân dân gian là Hồ Xuân Thể-tên tuổi của ông gắn với cây đàn đáy  làm nên những giai điệu đẹp cho bộ môn nghệ thuật này.

Và những trăn trở

Hiện nay, việc truyền thụ văn hóa truyền thống ở các đia phương chủ yếu nhờ vào các nghệ nhân dân gian và đa số họ đều ở thuộc lớp người cao tuổi, một số nghệ nhân đang ở độ tuổi “xưa nay hiếm”. Họ đến với nghệ thuật truyền thống bằng niềm đam mê song chưa có được sự đãi ngộ đúng mức để động viên khích lệ, lại thêm tuổi cao, sức yếu nên hoạt động truyền dạy, phổ biến dân ca nhạc cổ ở các địa phương còn bộc lộ nhiều hạn chế. Vấn đề trẻ hóa nghệ nhân là nỗi trăn trở lớn nhất của những người làm công tác nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ cũng như các nghệ nhân dân gian trên các làng quê. Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Nướu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống xã Nhân Trạch tâm sự: “Chúng tôi thực sự lo lắng khi thế hệ trẻ ngày nay chưa hiểu hết được cái hay, cái độc đáo của hát khoan, chèo cạn Nhân Trạch cũng như các loại hình văn nghệ dân gian khác nên chưa mặn mà trong học hỏi tiếp thu...” Bên cạnh đó, việc thiếu kinh phí để duy trì hoạt động cũng như để đầu tư trang phục, đạo cụ... cũng là khó khăn không nhỏ của các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ hiện nay.

Trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại, những giá trị văn hoá truyền thống cần phải được chú trọng giữ gìn và phát huy. Một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay ở các địa phương là công tác sưu tầm, nghiên cứu lĩnh vực văn hoá, văn nghệ dân gian chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Và chỉ khi có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, sự đầu tư đúng mức thì mới có thể làm thay đổi diện mạo văn nghệ dân gian để các làn điệu dân ca, dân vũ và các loại hình văn hóa phi vật thể khác tồn tại, phát huy giá trị trong cuộc sống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của quê hương.

Nhật Văn