.

Nghệ sĩ làng

Thứ Hai, 21/03/2016, 09:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Say mê câu hò điệu hát của quê hương, nhiều năm qua, ông vẫn âm thầm sáng tác, sưu tầm những làn điệu hò biển, vốn là đặc trưng văn hóa của làng biển-nơi ông sinh sống. Ông thường tìm đến âm nhạc, gửi gắm vào đó bao nỗi niềm và luôn đau đáu trong lòng nỗi trăn trở làm sao để những giá trị văn hóa xưa cũ không bị thất truyền theo thời gian. Ông là Nguyễn Song Hỷ ở xã Quang Phú (Đồng Hới)-người được bà con làng biển yêu mến gọi là nghệ sĩ làng bởi giọng hát hay, tay đàn giỏi và am hiểu nhiều loại hình văn nghệ dân gian.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống văn nghệ, bố và mẹ của ông đều là những hạt nhân văn nghệ của làng Phú Hội xưa (xã Quang Phú nay) với những làn điệu hò khoan, chèo cạn, múa bông rất đặc trưng của văn hóa làng biển. Ông lớn lên bằng lời ru là những câu dân ca làng biển, nên từ nhỏ những câu hò, điệu hát của quê hương đã ngấm sâu vào máu thịt của ông.

12 tuổi, ông bắt đầu làm quen với các loại nhạc cụ dân tộc và bằng niềm say mê học hỏi, ông đã sử dụng được nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn nhị, đàn tranh, đàn tì bà, đàn nguyệt, đàn tam, sáo, kèn loa, kèn bóp, mõ, trống... Lớn lên, cũng như bao thanh niên khác, ông lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc và những câu hò, điệu hát của làng lại đồng hành theo ông kể cả những lúc gian khổ, hiểm nguy, động viên ông vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Sau khi nhập ngũ trở về, ông  học thêm về nhạc lý và sáng tác tại Trường nghệ thuật Quân đội (nay là Trường đại học Văn hóa - Nghệ thuật quân đội).

Những lúc rảnh rỗi ông Nguyễn Song Hỷ lại ngân nga các làn điệu hò khoan do chính mình soạn lời và đệm nhạc.
Những lúc rảnh rỗi ông Nguyễn Song Hỷ lại ngân nga các làn điệu hò khoan do chính mình soạn lời và đệm nhạc.

Từng đảm nhận nhiệm vụ Phó trưởng đoàn văn công 22B Quân khu 4, ông đã mang những câu dân ca của làng đến với nhiều vùng đất khác nhau và đi đâu cũng được bà con cổ vũ, khen ngợi. Ông thường ngân nga những câu hát dân ca đầy niềm tin và sự tự hào về xứ sở mình như: Quảng Bình quê ta ơ... Đất anh hùng rạng rỡ ngàn hoa. Khắp núi rừng vang dội lời ca. Hoa đua nở hoa tưng bừng chiến thắng... ơ hơ... ngát hương đồng...

Hằng năm, vào ngày 28-3, xã Quang Phú thường tổ chức chương trình kỷ niệm ngày truyền thống của xã và đó cũng là dịp bà con trong xã được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc của các diễn viên không chuyên trong xã do ông Nguyễn Song Hỷ dàn dựng. Những giai điệu hò khoan do ông sáng tác lại được cất lên, ngân dài với những ca từ mộc mạc như: Ô... khoan cất giọng hò khoan cho rộn ràng chào quê mới 28 (mà) tháng 3 là ngày truyền thống của quê hương... Đảng bộ và nhân dân ta nêu cao ngọn cờ cách mạng. Cuộc (mà) chiến tranh giặc Pháp. Bao anh hùng liệt sĩ anh dũng hi sinh.

Không chỉ đam mê các loại hình văn nghệ truyền thống, ông còn lấy dân ca, các làn điệu hát ru để răn dạy con cháu. Điều đáng mừng là các con của ông đều tiếp nối truyền thống văn nghệ của gia đình, ai cũng hát hay, nhất  là các thể loại dân ca và là những gương mặt tiêu biểu trong phong trào văn hóa, văn nghệ của xã. Nhiều năm qua, gia đình ông thường xuyên có mặt tại các chương trình biểu diễn nghệ thuật của xã, thành phố và tỉnh.

Ông còn trực tiếp dàn dựng tiết mục Bài ca truyền thống làng chài văn hóa Quang Phú được phát sóng trên truyền hình Quốc gia trong chương trình Làng Việt (VTV1). Đến nay, ông sáng tác hơn 20 ca khúc, đặc biệt ca khúc Nhổ neo ra khơi đã đạt giải nhất tại một cuộc thi do Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức và là người dàn dựng hàng chục chương trình văn nghệ dân gian lớn nhỏ khác nhau ở xã. Ở tuổi ngoài 70, ông vẫn luôn nhiệt tình sáng tác và đóng góp tiếng hát của mình cho các phong trào văn hóa, văn nghệ địa phương. Ông cũng là người duy nhất ở xã có thể vừa sáng tác, vừa hát dân ca. Những tác phẩm của ông được chép tay từ nhiều năm trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

 Ông Hỷ bên sản phẩm nhạc cụ tự chế của mình.
Ông Hỷ bên sản phẩm nhạc cụ tự chế của mình.

Trong kháng chiến chống Mỹ và các thời kỳ lịch sử, ông Hỷ đều cho ra đời  nhiều ca khúc và có thể coi đó là cuốn hồi kí viết bằng nhạc. Những sáng tác ấy được tạo nên từ tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc và bằng niềm tin về một ngày mai tươi sáng của quê hương-nơi cho ông nguồn cảm hứng để sáng tác nên những ca khúc mang sắc màu cuộc sống của người dân vùng biển.

Ngoài khả năng sáng tác và hát dân ca, ông Nguyễn Song Hỷ còn được biết đến với tài phục chế, chế tạo nhạc cụ dân tộc. Những lúc rảnh rỗi, ông thường tự tay sáng chế ra các loại nhạc cụ như đàn bầu, đàn nhị, kèn bóp.. với chất lượng âm thanh, hình thức tương đương các loại đàn chuyên nghiệp. Ông còn tỉ mỉ cả việc chọn màu sơn, trang trí hoa văn để vừa  bảo đảm cả nội dung lẫn hình thức cho các nhạc cụ và chính các loại nhạc cụ tự chế này đã theo ông trong các buổi biểu diễn văn nghệ và cả trong các cuộc vui đoàn tụ gia đình. Ông chưa từng nghĩ đến việc xem nghệ thuật là nghề để "kiếm cơm" mà chỉ có tình yêu dành cho dân ca nhạc cổ, để rồi tạo nên những cây đàn và hàng loạt ca khúc nhằm làm đẹp cho đời và để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa quê hương trong cuộc sống hiện đại. Ngoài vai trò là một nghệ nhân của làng, ông Nguyễn Song Hỷ từng đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng trong xã như xã đội trưởng, Ủy viên Ban thường vụ xã, Chủ tịch Mặt trận xã, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã... và trong vai trò nào ông cũng luôn nhiệt tình cống hiến, được nhân dân hết mực yêu mến.  

Như con tằm lặng lẽ ươm tơ, người nghệ sĩ làng ấy vẫn miệt mài với việc chế tác nhạc cụ, sáng tác ca khúc để lưu giữ bên mình những giá trị văn hóa xưa cổ của dân tộc. Ông luôn canh cánh bên mình một nỗi lo khi thế hệ trẻ ngày càng xa  dần các giá trị văn hóa truyền thống trong khi việc việc truyền dạy, phổ biến các làn điệu dân ca, dân vũ cho bà con lại rất khó khăn. Âm nhạc dân tộc với ông là một phần của cuộc sống thế nên tuổi càng cao dường như niềm đam mê trong ông càng lớn để rồi làm dày thêm những trang nhật ký bằng âm nhạc thấm đẫm hương quê.

Nhật Văn-Thanh Huyền