.

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với những ca khúc ngọt ngào chất dân ca

Thứ Sáu, 05/02/2016, 08:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi còn nhớ, vào một ngày trời se lạnh cuối tháng 11 năm 1972, khi đơn vị trên đường hành quân vào Nam, được dừng chân gần một tuần tại xã Quảng Tiên - Quảng Trạch, đợi lệnh vào chiến trường miền Nam, tôi đã tìm đến địa điểm sơ tán của Đoàn Văn công Quảng Bình để gặp bằng được Hoàng Sông Hương - tác giả của ca khúc Tiếng hát đò đưa được phổ biến rộng rãi từ những năm đầu giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, qua diễn xuất của ca sĩ Bích Liên trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam mà tôi rất hâm mộ.

Trò chuyện với Hoàng Sông Hương, tôi mới biết, anh xuất thân từ một vùng quê sông nước của thành phố Đồng Hới. Anh sớm đi vào con đường nghệ thuật, năm 1960, khi mới 18 tuổi, anh được tuyển vào Đoàn Văn công Quảng Bình. Anh có năng khiếu về các nhạc cụ dân tộc như nhị, nguyệt, thập lục; sau đó anh học thêm đàn violon, guita,...

Có lẽ cũng chính vì vậy mà chất dân ca đã thấm sâu vào tâm huyết và cảm xúc âm nhạc của anh trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là trong sáng tác ca khúc. Vì thế mà âm nhạc của anh đã vận dụng rất nhuần nhuyễn chất dân ca Bình Trị Thiên ngọt ngào, đằm thắm mà thiết tha, sâu lắng lòng người.

Tài năng âm nhạc của Hoàng Sông Hương được hình thành khá sớm, nên anh cũng đã có những ca khúc đầu tay, sáng tác theo lối phổ nhạc vào lời ca, phát triển theo cảm xúc, tùy hứng một cách ngẫu nhiên, vậy mà lại rất đúng với kỹ thuật sáng tác, cả về khúc thức và hòa thanh: Tiếng hát đò đưa, Những con đò sông nước miền Trung, Hò kéo gỗ của anh là những ca khúc sáng tác theo hướng đó.

Năng lực sáng tạo nghệ thuật của Hoàng Sông Hương càng được phát triển và khẳng định trong giới văn nghệ sĩ Quảng Bình, kể từ sau khi anh đã được học chuyên tu một khóa sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội - năm 1969 (ngày ấy còn sơ tán mãi tận Thái Nguyên).

Từ đó đến nay, Hoàng Sông Hương viết nhiều, đề tài đa dạng và phong phú. Một số ca khúc anh sáng tác sau khi đã được đào tạo cơ bản về sáng tác, được nhiều người biết đến như: Tình ta biển bạc đồng xanh, Nhịp cầu qua phá Tam Giang, Hà Nội - Huế trong ta (Thơ Hải Bằng), Ngọt ngào Hương Giang và Thành Huế chúng mình thương (Thơ Lê Anh Phong)...

Đây là những ca khúc sôi động mãnh liệt, nhưng không ồn ào, mà đằm thắm, trữ tình, giàu chất dân ca sâu lắng với giai điệu ngọt ngào sông nước, man mác những điệu hò miền Trung dễ thương, dễ mến, dễ đi vào lòng người. Cho nên, âm nhạc của Hoàng Sông Hương đã hòa nhập được theo trào lưu âm nhạc đương đại, kết tinh thành những bản tình ca, đặc biệt là đối với tuổi trẻ.

Cùng với việc sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương còn viết nhạc cho sân khấu kịch và chuyển thể dân ca cho các vở Con gà mái xám chân chì, Tín hiệu trái tim, Thoại Khanh - Châu Tuấn... Anh còn soạn nhạc cho độc tấu nhạc cụ dân tộc như: Nhớ quê hương, độc tấu nhị Về sông Hương, độc tấu sáo trúc...

Cuộc đời sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã có một phần gắn liền với cố đô Huế thơ mộng. Tập ca khúc Huế những khúc tình ca - Nhà xuất bản Thuận Hóa - 1995 là tập ca khúc tuyển chọn đầy cảm xúc và tâm huyết đối với Huế mà anh đã sáng tác hầu hết trong thời gian ở Đoàn Văn công Bình Trị Thiên.

Ngày Quảng Bình trở lại địa giới cũ, tháng 7 năm 1989, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương được trở về với thị xã Đồng Hới, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Cảm xúc quê hương sau nhiều năm trở lại, sự đồng điệu với bè bạn, trước cuộc đời đằm thắm, gợi lên trong anh những dòng âm thanh đẹp đẽ, ngọt ngào và trong sáng đã ngân vang lên thành những ca khúc mới có những nét riêng mà công chúng yêu mến âm nhạc nhanh chóng cảm nhận.

Từ Giọng hò quê hương, Lời ru trên sóng, Phố biển tình anh (Thơ Văn Lợi), Tình ca rừng và biển (Thơ Hoàng Vũ Thuật), Tiếng dạ - Tiếng thương, Tình người hương lúa, đến hai bài Huyền thoại trăng Nhật Lệ và Tâm tình với sông Gianh (Thơ Lý Hoài Xuân),... Đây là những ca khúc đạt đến độ chín trong quá trình sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, mà trong đó có những tác phẩm phổ thơ của các nhà thơ quê ở Quảng Bình đã để lại dấu ấn sâu sắc về âm nhạc trong công chúng.

Những năm gần đây, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương vẫn luôn gắn bó với sáng tác âm nhạc. Những ca khúc mới của anh vẫn ra đời đạt chất lượng cao, như các bài Thành phố bình minh (Thơ Xuân Hoàng), Chuyện tình Phong Nha, Nhịp cầu chờ mong và một số ca khúc truyền thống viết cho các địa phương, như: Thị trấn Nông trường Việt Trung, xã Đức Ninh, xã Mỹ Trạch, làng Lý Hòa, làng Long Đại,...

Có lẽ do độ chín của tuổi tác và sáng tạo nghệ thuật mà các sáng tác mới của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã nghiêng về dạng chính ca: Tôi càng yêu đất mẹ Việt Nam, Câu hò non nước Quảng Bình là những tác phẩm như vậy. Đây cũng là hai tác phẩm liên tục trong hai năm 2006 và 2007 anh được nhận Tặng thưởng hàng năm của Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình.

Trong các cuộc thi sáng tác ca khúc và các hội diễn chuyên nghiệp từ trước đến nay, nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã đoạt giải cao. Đó là Tiếng hát đò đưa, tác phẩm đoạt giải B, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng - 1969, đến năm 1971 ca sĩ Nam Kỷ trình bày đoạt Huy chương vàng trong Hội diễn chuyên nghiệp tại Hà Nội. Tác phẩm Tình ta biển bạc đồng xanh - Giải B của Bộ Nông nghiệp vào năm 1976... Tác phẩm Thành Huế chúng mình thương (Thơ Lê Anh Phong) - Giải A - "Bông sen trắng" tại Bình Trị Thiên - 1980, cùng với tác phẩm Giọng hò quê hương là hai tác phẩm đoạt Huy chương vàng tại thành phố Hồ Chí Minh - 1983, do đoàn văn công Quảng Bình trình diễn.

Các tác phẩm Phố biển tình anh (Thơ Văn Lợi) - Giải C của Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam - 1992,  Tình Người hương lúa - Giải C Bộ Nông nghiệp - 1994, Nhớ Ngự Bình - Giải B của tỉnh Thừa Thiên Huế - 1995.

Đặc biệt là tác phẩm Tiếng dạ - Tiếng thương, do ca sĩ Mỹ Lệ - con gái của anh trình bày qua băng nhạc dự thi, đã đoạt giải B, do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng - 1995. Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương là một tác giả âm nhạc, bốn lần liên tục đoạt giải thưởng Văn học nghệ thuật mang tên Lưu Trọng Lư của tỉnh Quảng Bình - Lần thứ nhất (1991 -1995), lần thứ hai (1996-2000), lần thứ ba (2001-2005) và lần thứ tư (2006-2010). Anh cũng vừa nhận được Bằng khen của Bộ Công an cấp cho tác giả có các tác phẩm viết về đề tài Công an nhân dân trong hai năm 2007 và 2008.

Các Liên hoan Âm nhạc khu vực Bắc miền Trung, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đều đoạt giải thưởng. Đặc biệt, năm 2012, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đoạt giải khuyến khích - Giải thưởng hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, với tác phẩm Lời Người vọng mãi, đây là lần đầu tiên nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Về xuất bản, quảng bá tác phẩm, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã cho ra mắt công chúng 3 tập ca khúc trong 2 năm 1995 và 1996: Huế những khúc tình ca, Phố biển tình anh và Tình ca rừng và biển, đây là một kỷ lục về in ấn xuất bản, ít thấy trong giới âm nhạc. Anh còn được Nhà xuất bản Âm nhạc và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp xuất bản trọn bộ sách và băng âm thanh cùng tên: Tuyển chọn ca khúc Hoàng Sông Hương - Tháng 2 năm 1996. Những năm gần đây, có nguồn tài trợ của Chính phủ hỗ trợ cho hội viên văn học nghệ thuật sáng tác, quảng bá tác phẩm, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã ra mắt công chúng VCD Phố biển tình anh, CD và DVD Tình ca quê hương được phát hành rộng rãi trong tỉnh.

Một điều vinh dự đối với các nhạc sĩ sáng tác là nhạc sĩ Hoàng Sông Hương được chọn bốn ca khúc đưa vào chương trình Bài ca đi cùng năm tháng, đó là các tác phẩm Tiếng hát đò đưa, Giọng hò quê hương, Tình ca rừng và biển và  Tình ta biển bạc đồng xanh, mà nhạc sĩ đã sáng tác từ hơn 40 năm trước. Đặc biệt là bài Tình ta biển bạc đồng xanh, cho đến nay rất nhiều ca sĩ trên cả nước sử dụng trong thể loại song ca nam nữ, mà tiêu biểu là ca sĩ Việt Hoàn và Anh Thơ.

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương là một trong hai nhạc sĩ của Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Bình vinh dự được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam" - Năm 2008. Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương cũng đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam xét đề nghị tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật - Năm 2016, trong lĩnh vực âm nhạc.

Có thể nói nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với hơn 50 năm hoạt động và sáng tác âm nhạc, là cả một quá trình miệt mài sáng tạo nghệ thuật đáng trân trọng và khâm phục.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến