.

Nghệ sỹ Đinh Hoàng Xuân: Kể chuyện âm nhạc bằng cây đàn cello

Thứ Tư, 20/01/2016, 08:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong chương trình thơ nhạc “Trở về thương lấy nhau thôi” do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức vừa qua tại thành phố Đồng Hới, giữa những giọng ca da diết với tình khúc Phú Quang, tiếng đàn cello trầm ấm của nghệ sỹ Đinh Hoàng Xuân trở nên thật đặc biệt.

Giữa dàn nhạc dây, hình ảnh Xuân nhắm mắt ngả nghiêng theo từng ngón đàn, đủ biết rằng với Xuân, chuyến trở về quê hương lần này cũng chan chứa nhiều xúc cảm.

20 năm gắn bó cùng âm nhạc, biểu diễn tại hàng trăm sân khấu trong và ngoài nước, nhưng với Đinh Hoàng Xuân, đây là lần đầu tiên chị được đứng trên sân khấu của thành phố biển quê hương. Cảm giác biểu diễn cho người thân và những người yêu mến mình ngay tại quê nhà thật khác lạ, nhất là khi chương trình ấy nhằm quyên góp tiền để ủng hộ cho người dân nghèo Quảng Bình đón Tết. Nên dẫu mới sang Rumani theo học chương trình tiến sỹ chưa tròn tháng, Hoàng Xuân vẫn vội vã trở về. 15 giờ đồng hồ trên máy bay về đến Hà Nội rồi từ Hà Nội chị bắt xe về Đồng Hới chỉ với một mong muốn duy nhất là được có một buổi biểu diễn ấn tượng nhất. Đinh Hoàng Xuân đã cống hiến cho khán giả đêm đó 2 bài, vẻn vẹn trong 10 phút nhưng đó là những phút giây chị được sống với trọn vẹn cảm xúc, nghẹn ngào nhập tâm vào tiếng đàn đầy mê hoặc. Ở dưới hàng ghế khán giả là gia đình, là bao người dân quê hương chị - những người đã gửi gắm ở Xuân tất cả niềm tin yêu và sự kỳ vọng. Do đặc thù của loại hình âm nhạc chị đang theo đuổi nên Xuân không có nhiều điều kiện để biểu diễn ở quê hương nhưng hễ có đêm nhạc từ thiện nào do Hội đồng hương Quảng Bình ở Hà Nội tổ chức, Xuân đều tham gia và tham gia rất nhiệt tình.

Sinh ra trong gia đình không có ai theo con đường nghệ thuật nhưng từ nhỏ, Đinh Hoàng Xuân sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc đặc biệt. Biết được năng khiếu ấy của con, bố mẹ chị đã quyết định cho Xuân theo học chuyên sâu về âm nhạc tại Huế. Chị bảo: Học nhạc rất vất vả. Đầu tiên là học 7 năm sơ cấp, sau đó học 4 năm trung cấp, 5 năm đại học, 2 năm cao học, tổng cộng là 18 năm và sắp tới thêm 4 năm học tiến sỹ ở Châu Âu nữa là 22 năm đi học. Nghệ thuật không phải là cuộc chơi ở lưng chừng mà là cả một đời gắn bó cùng đam mê, cống hiến và phải hy sinh nhiều thứ. 20 năm với nhiều vất vả nhưng chưa một lần chị thấy nản lòng mà như Xuân từng nói: Nếu không có ngọn lửa đam mê luôn cháy thì không thể đi tiếp con đường quá gian nan và dài như thế. Xuân thành thạo nhiều loại nhạc cụ và đã có hơn 10 năm giảng dạy piano nhưng giữa vô vàn những nhạc cụ hiện đại và truyền thống ấy, cây đàn cello có một hấp lực mạnh mẽ với chị. Và rồi, cello trở thành cây đàn định mệnh và sẽ gắn bó cùng Xuân đến suốt cuộc đời.

Nghệ sỹ cello Đinh Hoàng Xuân biểu diễn tại quê nhà.
Nghệ sỹ cello Đinh Hoàng Xuân biểu diễn tại quê nhà.

Cello có âm trầm nên tiếng đàn ấy dễ dàng truyền cảm xúc đến khán giả nhất là khi thể hiện những bản nhạc du dương, tình cảm. Còn nhớ cách đây một năm, MV nhạc “Hướng về Hà Nội” của Đinh Hoàng Xuân đã thực sự làm xúc động nhiều thế hệ người yêu nhạc. Từ bài hát có ca từ và đã gắn bó với nhiều tên tuổi nghệ sỹ lớn để chuyển thành hòa tấu cho cây đàn cello là cả một thách thức đối với những nghệ sỹ trẻ như Xuân. Nhưng nghe “Hướng về Hà Nội” của Đinh Hoàng Xuân, nhiều người ví “như một dòng thác âm nhạc vừa hoành tráng, trầm hùng, vừa êm ái, mạnh mẽ cuốn hút người nghe từ đầu đến cuối”. Thể hiện bằng cây đàn cello được coi là một quyết định khá táo bạo ở thời điểm ấy vì làm sao để một ca khúc bất hủ được chuyển tải bằng một hình thức khác nhưng vẫn bảo đảm được nội dung vốn đã ăn sâu vào tâm hồn bao thế hệ yêu nhạc. Bằng những ngón đàn khéo léo, Xuân đã kể một câu chuyện với chính âm thanh trầm ấm của cây đàn cello. Chị bảo: đó là cách để chị tri ân với Hà Nội - mảnh đất đã nuôi dưỡng tình yêu với cello và làm nên tên tuổi một Đinh Hoàng Xuân hôm nay.

Từ một cô bé miền Trung chập chững đặt chân đến Thủ đô để theo học tiếp hệ cao đẳng âm nhạc, đến giờ, Xuân đã trưởng thành nên thành một nghệ sỹ cello được nhiều người ngưỡng vọng. Những ngón đàn của Xuân đã vững vàng khẳng định vị trí của mình trong chính thị trường âm nhạc vốn rất kén người nghe như nhạc giao hưởng. Là một trong bốn nhạc cụ thuộc bộ dây, cello trầm ấm nhưng cổ điển và khá bác học. Theo đuổi cello nhưng Đinh Hoàng Xuân không chọn cách biểu diễn chung với dàn nhạc giao hưởng mà chị quyết tâm biến cello thành cây đàn solo trên thị trường âm nhạc Việt Nam. Con đường Xuân chọn chông gai và đầy thách thức nhưng một khi đã chọn bước đi trên cuộc hành trình nhiều trở ngại, nữ nghệ sỹ trẻ ấy vẫn quyết tâm đi đến cùng. Đó cũng là cách để chị nâng tầm thẩm mỹ âm nhạc của người yêu nhạc trong nước.

Nhiều người cho rằng chị khá táo bạo khi mạnh dạn làm trẻ hóa và đưa thể loại âm nhạc phương Tây vốn uyên thâm, bác học này đến gần hơn với người thưởng thức. Đó là việc Đinh Hoàng Xuân quyết định “cello hóa” những bản tình ca của Trịnh Công Sơn. Với nhạc Trịnh, hình thức hòa tấu dàn nhạc và độc tấu nhạc cụ đã được nhiều nghệ sĩ piano, saxophone, violon, guitar... thể hiện nhưng với cây đàn cello, có đặc trưng âm thanh trầm ấm, thì đây là lần đầu tiên. Những ca khúc như “Sóng về đâu”, “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Cát bụi”... vốn đã ăn sâu vào tâm hồn của nhiều người mộ điệu thì nay lại tìm đến với khán giả bằng một hình thức mới mẻ và không kém phần sâu sắc. Hoàng Xuân yêu nhạc Trịnh như yêu chính cây đàn cello của mình. Hai thứ tình cảm thiêng liêng ấy cộng hưởng vào nhau để trở thành một niềm đam mê kỳ lạ và cũng tạo nên một sản phẩm âm nhạc có sức hấp dẫn đến kỳ lạ.

Trên sân khấu, Đinh Hoàng Xuân nhẹ nhàng, nữ tính bao nhiêu thì trong chính cuộc sống của mình, Xuân mạnh mẽ và táo bạo bấy nhiêu. Hơn 20 năm – kể từ khi cô bé Đinh Hoàng Xuân quyết định xa gia đình để theo đuổi đam mê thì cũng chừng ấy năm chị tôi rèn bản lĩnh và nghị lực của mình trước cuộc sống và môi trường nghệ thuật vốn quá nhiều cám dỗ. Và mỗi khi tưởng như mình chông chênh và lung lay niềm tin với cuộc sống, chị lại nghĩ đến gia đình. Ở nơi ấy, có người cha, người mẹ và những người anh, người chị luôn yêu thương, tin tưởng Xuân vô điều kiện và sẵn sàng là chỗ dựa để chị vững vàng bước tiếp trên hành trình chông gai phía trước. Trong căn nhà ấm áp tiếng cười ở phường Đồng Phú (Đồng Hới), 20 năm qua, mẹ của Xuân – bà Bùi Thị Phức vẫn lưu giữ mãi những bức ảnh, những giấy khen, bằng khen của cô con gái út. Bà tin rằng dẫu con đường nghệ thuật có nghiệt ngã hay đắng cay, khó nhọc thì con gái bà vẫn vững vàng niềm tin và nghị lực để bước tiếp.

Diệu Hương