.

Khai thác tốt hơn nữa giá trị các di tích

Thứ Năm, 03/12/2015, 08:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ buổi đầu của lịch sử, Quảng Bình đã ghi dấu ấn nhiều sự kiện thăng trầm trong công cuộc mở cõi về phương Nam. Nơi đây còn là cái nôi lịch sử của các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, nhất là trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trong thế kỷ XX. Chính vì thế, trên mảnh đất này đã để lại nhiều di tích lịch sử - văn hóa đặc trưng so với các địa phương trong cả nước.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, đến nay toàn tỉnh có 104 di tích được công nhận, trong đó có 51 di tích cấp quốc gia và 53 di tích cấp tỉnh, gồm đủ cả bốn loại hình, đó là: 96 di tích lịch sử, 3 di tích kiến trúc nghệ thuật, 2 di tích khảo cổ và 3 danh lam thắng cảnh. Trong đó danh thắng Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Nhiều di tích lịch sử cấp Quốc gia thuộc hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại, như các trọng điểm: Cha Lo, Cổng trời, Đèo Mụ Dạ, Bãi Dinh, Đồi 37, La Trọng, Ngầm Khe Ve, Ngầm Rinh, Đèo Đá đẽo; hệ thống các hang động vừa là chứng tích lịch sử trong những năm chiến tranh như hang Thanh Lạng, Tổng kho X47, hang Xăng dầu, hang Chỉ huy, hang Hậu cần của Bộ chỉ huy 559; các điểm di tích trên Đường 20 Quyết thắng như hang Tám Cô, cầu Trạ Ang...  Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có dấu hiệu di tích khá dày, phân bố rộng. Kết quả điều tra, khảo sát của Ban quản lý Di tích tỉnh cho thấy, đến nay toàn tỉnh có đến 230 dấu hiệu di tích và còn nhiều di tích chưa được khảo sát.

Nhà thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh. Ảnh: P.V
Nhà thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh. Ảnh: P.V

Trong những năm qua, bằng nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí của tỉnh, của các địa phương và huy động từ đóng góp xã hội, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã được trùng tu, tôn tạo kịp thời bảo đảm chống xuống cấp. Điều đáng mừng là, nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh cũng đã tích cực tham gia đóng góp để phục hồi, tu bổ di tích. Đến nay, có 64 di tích đã được phục hồi, tu bổ với kinh phí hơn 96 tỷ đồng, trong đó đóng góp của các tổ chức, cá nhân hơn 52 tỷ đồng. Một số di tích được trùng tu, tôn tạo với kinh phí lớn như chùa Hoằng Phúc trên 40 tỷ đồng, đình Thuận Bài trên 4 tỷ đồng, hang Lèn Hà 1,1 tỷ đồng, đình Hòa Ninh 400 triệu đồng... Nhiều di tích sau khi được tu bổ, phục hồi đã trở thành điểm du lịch phục vụ nhu cầu khách tham quan, nghiên cứu như: Cụm di tích Phong Nha - Xuân Sơn, cụm di tích Hoành Sơn Quan - Liễu Hạnh Công chúa, Quảng Bình Quan - Thành Đồng Hới - Tượng đài Mẹ Suốt, cụm di tích Lăng mộ và Nhà thờ Nguyễn Hữu Cảnh, di tích Hang Tám Cô, hang Lèn Hà, núi Thần Đinh...

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, so với quy mô, giá trị các di tích hiện có trên địa bàn thì việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Điều đó thể hiện ở việc phân cấp quản lý một số di tích còn chồng chéo giữa các cấp, các cơ quan chức năng như di tích hang Chùa Bụt, hang Diêm, hang Tiền... (chưa thống nhất quản lý giữa ngành văn hóa và quân sự, do đó chưa được đầu tư khai thác, phát huy giá trị). Một số di tích được khoanh vùng với diện tích quá rộng và chưa được cắm mốc, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ (chỉ có một số di tích ở 3/8 huyện, thành phố, thị xã được cắm mốc chỉ giới). Tình trạng đất di tích, danh thắng bị lấn chiếm, cho thuê vẫn còn xảy ra như thành Đồng Hới, lũy Đào Duy Từ, hồ Bàu Tró (Đồng Hới), danh thắng Đá Nhảy (Bố Trạch)... Một số di tích đang đứng trước nguy cơ xuống cấp như chùa Ngọa Cương, miếu Nam Lãnh (Quảng Trạch), đình Kim Bảng (Minh Hóa)... Việc khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa bước đầu có cố gắng nhưng mới chỉ tập trung ở các danh lam thắng cảnh và một số đền, chùa có tính tâm linh, vì vậy giá trị kinh tế trong khai thác di tích còn rất thấp.

Trong những năm qua, kinh phí được cấp cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích còn quá ít so với nhu cầu, chủ yếu từ ngân sách Trung ương, còn ngân sách các cấp địa phương rất hạn chế. Một số huyện có sự đầu tư, kêu gọi xã hội hóa, tuy nhiên cũng chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu. Mặt khác, việc đầu tư còn dàn trải, thiếu quy mô, chưa đồng bộ để khai thác, phát huy tốt giá trị di tích. Bên cạnh đó, việc tuân thủ các quy định, hướng dẫn về bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích vẫn còn nhiều hạn chế, như chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan trong công tác quy hoạch đất, xây dựng công trình, phát triển văn hóa, du lịch, do đó, một số di tích bị phá vỡ cảnh quan và không gian sau khi các công trình khác được đầu tư xây dựng.

Đối với tỉnh ta, xác định đưa du lịch sớm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thì việc đầu tư tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích cần được quan tâm mạnh hơn, tập trung hơn, làm sao để các di tích trở thành điểm hấp dẫn trong các tua, tuyến tham quan của du khách. Trong khi chưa có điều kiện đầu tư lớn để trùng tu, tôn tạo, trước mắt cần làm tốt công tác quy hoạch, bảo quản để giữ gìn các di tích như khoanh vùng, cắm mốc toàn bộ các di tích, giải quyết dứt điểm các di tích còn bị lấn chiếm, tranh chấp đất. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, kêu gọi, vận động đóng góp của các cá nhân, tổ chức hảo tâm, có cơ chế cho phép đầu tư và khai thác hợp lý. Trong việc đầu tư tôn tạo, phục hồi, cần tuân thủ các quy trình, bảo đảm mặt chuyên môn theo quy định. Đầu tư không nên dàn trải mà cần tập trung hoàn chỉnh, đồng bộ các di tích có khả năng phát huy giá trị để đưa vào khai thác, từ đó từng bước đầu tư các di tích khác...

Thiết nghĩ, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là tài sản vô giá của mỗi địa phương và của cả dân tộc. Di tích có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho các thế hệ trẻ, đồng thời còn là phương tiện để giới thiệu về hình ảnh của đất nước, của các địa phương đến với du khách. Nếu được khai thác, phát huy tốt giá trị, di tích lịch sử - văn hóa sẽ góp phần không nhỏ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của các địa phương nói riêng.

Nguyễn Ánh Tuyên