.

Từ âm nhạc truyền thống đến việc sáng tác ca khúc đương đại

Thứ Sáu, 11/09/2015, 13:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ âm nhạc truyền thống của tỉnh Quảng Bình nói riêng, Bình Trị Thiên nói chung, các nhạc sĩ Quảng Bình, miền Trung và cả nước đã sử dụng để phát triển trong sáng tác âm nhạc đương đại, theo ba phương pháp sau đây:

Phương pháp thứ nhất: Soạn lời mới, hoặc ghép lời thơ mới để hát theo các làn điệu dân ca: Đây là một hiện tượng rất phổ biến; nó gắn liền với đặc điểm truyền khẩu, tính tập thể của nghệ thuật dân gian. Ngay trong thời đại ngày nay, khi đã có bài bản âm nhạc, được ghi âm, in ấn, phát trên các sóng, thu băng, thu đĩa,... thì hiện tượng soạn lời mới theo các làn điệu dân ca không những vẫn thịnh hành, mà thậm chí, quần chúng nhân dân, có lúc, có nơi còn soạn lời mới theo giai điệu các ca khúc mới được sáng tác và đang lưu hành.

Việc soạn lời ca mới, trước hết cần được nghiên cứu trong mối quan hệ với người thưởng thức. Mỗi con người là một thành viên của cộng đồng xã hội, mà truyền thống của cộng đồng xã hội ấy là quá trình lịch sử đã thấm đượm vào trong máu tuỷ của họ. Đó là truyền thống văn hoá, tình cảm, tâm lý; truyền thống ấy vừa có cái chung của cả cộng đồng, lại vừa thể hiện qua cái riêng của từng miền, từng vùng, từng địa phương, cũng do quá trình lịch sử và còn thể hiện qua cái riêng của từng con người cụ thể trong những hoàn cảnh cụ thể với những nét tâm lý, sở thích, thị hiếu của từng cá nhân trong cộng đồng đó. Do đó, muốn soạn lời mới cho các làn điệu dân ca, người soạn lời phải bảo đảm sự thống nhất giữa nhạc và lời đến mức nhuần nhị.

Đây được coi là nguyên tắc chỉ đạo trong việc soạn lời mới cho các làn điệu dân ca. Muốn bảo đảm nguyên tắc đó, trước hết người soạn lời phải nắm được sắc thái tình cảm của làn điệu dân ca cổ truyền mà mình định dựa vào đó để soạn lời mới, vì mỗi làn điệu (chỉ xét riêng phần giai điệu âm nhạc) đều biểu hiện một sắc thái tình cảm nhất định. Dù làn điệu đó có tính chất biến động và rộng mở đến đâu đi nữa thì người soạn lời vẫn phải nắm bắt cho được cái lõi tình cảm của nó. Cần hết sức tránh tình trạng xô bồ, gượng ép, gán ép trong soạn lời.

Như vậy, soạn lời mới cho các làn điệu dân ca cổ truyền không phải chỉ là vấn đề kỹ thuật đơn thuần: theo giai điệu mà đặt lời, theo cao độ mà chọn từ, theo chỗ ngừng nghỉ mà ghép câu,... mà người soạn lời mới cho dân ca phải mang tâm hồn của nhà thơ và tâm hồn của nhạc sĩ. Người soạn lời theo các làn điệu dân ca cần phải giữ lại phong cách của từng làn điệu ngay cả trong lời ca mới. Chúng ta đều biết, mỗi làn điệu dân ca đều có quê hương gốc rễ của nó, mỗi làn điệu dân ca không những chỉ gắn với thời đại lịch sử, mà còn chịu sự quy định trực tiếp và khá rõ rệt của thanh điệu, giọng điệu, cách phát âm của từng địa phương, từng vùng miền nữa.

Ngoài ra, mỗi địa phương còn có phương ngữ, tiếng địa phương. Giữ đúng phong cách của một làn điệu dân ca, trong việc soạn lời cũng không thể không chú ý đến phương ngữ được, vì mỗi từ, mỗi ngữ trong phương ngữ có tác dụng gợi mở những hiện tượng, hay nói cách khác, nó có ý nghĩa như một biểu tượng thanh.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật "Quảng Bình-Vương quốc của hang động". Ảnh: Phan Hòa

Tuy nhiên, trong lời ca, vì yêu cầu phong cách của làn điệu, có thể được phép sử dụng một số từ ngữ theo ngữ âm địa phương, một vài phương ngữ nhằm giúp người nghe mau chóng hơn trong cảm thụ âm nhạc, và do đó, tạo cho bài hát sức truyền cảm mạnh mẽ hơn. Sự cân nhắc mức độ, liều lượng, đúng lúc, đúng chỗ, đấy cũng là tài năng sáng tạo của nhà soạn lời - một nhà thơ.

Một khía cạnh khác của yêu cầu giữ đúng phong cách của làn điệu dân ca trong việc soạn lời mới, đó là tiếng đệm. Trong các làn điệu dân ca thường dùng nhiều đến thủ pháp nguyên âm thay cho lời có nghĩa. Một phạm trù xếp vào loại chung là: xướng nguyên âm, như các nguyên âm ơ, a, i, ư... và có khi xướng thành: ơ hơ, ơi a, ôi a, mà... Hiệu quả là lời có nghĩa chỉ ít thôi, nguyên âm thay vào đó đóng vai trò cân bằng cấu trúc, đồng thời gây mênh mông thêm. Đây là những chỗ ý lời cụ thể nói đủ rồi, phần nhạc không lời (nguyên âm) không nghĩa đảm nhiệm sự diễn tả tiếp theo cho mênh mông, hun hút thêm. Qua đó chúng ta thấy được vai trò không thể thiếu được của tiếng đệm trong việc soạn lời mới cho dân ca.

Cho nên, một điểm cần chú ý nữa là: người soạn lời mới theo các làn điệu dân ca nên biết tôn trọng và giữ lại đúng những tiếng đệm của từng làn điệu, không nên quá tham lam mà ghép lời vào cho đầy đủ theo tất cả các nốt nhạc của làn điệu. Nhiều lời, nhiều từ ở đây sẽ phương hại đến ý, sẽ làm cho giai điệu giảm sút sự gợi mở, sự lung linh trong tâm hồn người nghe.

Phương pháp thứ hai: Sáng tác những ca khúc mang âm hưởng dân ca một vùng hoặc một miền nào đó nhưng không rõ nét một làn điệu cụ thể nào. Nhìn chung những ca khúc này, trong nét giai điệu âm nhạc không thấy rõ âm hưởng của một làn điệu dân ca cụ thể nào của tỉnh Quảng Bình, nhưng khi xướng phần nhạc của ca khúc lên (chưa nói đến lời ca), chúng ta có thể phát hiện ra ngay, ca khúc ấy viết về một vùng miền cụ thể nào đó trên dải đất Quảng Bình, mà không thể lẫn lộn với một vùng miền nào khác.

Xét về âm nhạc của những ca khúc này, chúng ta thấy các tác giả đã sử dụng những thủ pháp chủ yếu sau đây: Trước hết, tác giả dùng nghệ thuật mô phỏng thanh âm và ngữ âm của vùng miền đó. Để làm được điều này, các nhạc sĩ phải nắm vững cử âm của giọng nói các vùng miền, mà đặc biệt là của vùng miền mà mình đang sáng tác, để đưa vào ca khúc ấy, không lẫn lộn với vùng miền nào khác trên cả nước.

Các nhạc sĩ không những phải nắm rất chắc cử âm của giọng nói vùng miền đó mà còn phải biết các quảng âm đặc trưng của các thanh âm, ngữ âm và các thổ âm cũng như các từ địa phương nữa. Có như vậy mới có thể mô phỏng được những thanh âm, ngữ âm, thổ âm và các từ địa phương có trong ca từ của bài hát ở vùng miền đó.

Khi đã sử dụng các thủ pháp nghệ thuật âm nhạc mà cảm thấy chưa rõ nét âm hưởng dân ca vùng miền mình đang viết tác phẩm, thì các nhạc sĩ thường tìm đến các địa danh và thổ ngữ vùng miền đó để vận dụng vào ca từ của bài hát. Và cũng không loại trừ, có khi về âm nhạc đã rõ nét dân ca một vùng miền nào đó rồi, nhưng tác giả vẫn muốn đưa vào một số địa danh tiêu biểu trong ca từ bài hát với mục đích giới thiệu tuyên truyền.

Những ca khúc dạng này, các nhạc sĩ thường dùng âm hưởng dân ca vùng miền đó vào tác phẩm âm nhạc, nhưng không nhất thiết phải sử dụng chất liệu của một làn điệu cụ thể. Tuy vậy, làm sao để khi xướng lên cũng không thể lẫn sang âm hưởng dân ca một vùng miền nào khác được.

Phương pháp thứ ba: Sáng tác những ca khúc vận dụng chất liệu dân ca của một làn điệu cụ thể: Thường những tác phẩm này, các tác giả âm nhạc đã sử dụng một, hoặc nhiều lắm là hai, ba chất liệu âm nhạc từ các làn điệu dân ca cụ thể ấy trong âm nhạc dân gian Quảng Bình để sáng tác. Cho nên khi trình tấu lên, người nghe có thể xác định ngay bài hát đó đã sử dụng chất liệu của làn điệu dân ca nào trong các làn điệu dân ca Quảng Bình.

Với dạng này, các nhà sáng tác âm nhạc phải nghiên cứu để nắm thật vững tiết tấu, giai điệu, không gian diễn xướng, đối tượng trình diễn,... của các làn điệu dân ca Quảng Bình và các làn điệu dân ca hiện còn có ở Quảng Bình để khai thác, vận dụng bằng các thủ pháp nghệ thuật vào sáng tác ca khúc.

Tuy nhiên, cũng không phải trong những ca khúc sáng tác ở dạng này, các tác giả chỉ có sử dụng các thủ pháp nghệ thuật sáng tác như mô phỏng các tuýp nhạc, câu nhạc trong làn điệu dân ca, hoặc dựa vào một tuýp nhạc, câu nhạc, hay một chủ đề âm nhạc trong một làn điệu dân ca nào đó của một vùng miền để cải biên hoặc phát triển thành tác phẩm âm nhạc của mình viết về vùng miền đó. Mặc dù, ở các ca khúc dạng này, yếu tố thanh âm, ngữ âm và cả thổ âm cũng như các địa danh của vùng miền,... có thể là thứ yếu trong việc xác định được ca khúc ấy viết về vùng miền nào, bởi chất liệu mà các nhạc sĩ vận dụng vào sáng tác ca khúc đó đã rất cụ thể. Nhưng nếu thiếu các yếu tố đó thì chắc chắn việc sáng tác ca khúc ấy, khó mà thành công được, trừ những tác phẩm nhạc không lời. Bởi vậy, khi sáng tác ca khúc dạng này, các nhạc sĩ và cả các tác giả lời ca cần phải lựa chọn thật "đắt" các địa danh, các thổ ngữ của vùng miền ấy để đưa vào ca khúc của mình.

Nhiều ca khúc của các nhạc sĩ sáng tác về quê hương, đất nước, con người Quảng Bình đã sử dụng chất liệu dân ca Quảng Bình nói riêng, dân ca Bình Trị Thiên nói chung, như nhạc sĩ Trần Hoàn với "Lời cô gái Lệ Ninh", "Về Đồng Lê", "Đường lên Quy Đạt"; nhạc sĩ Thuận Yến với "Miền Trung nhớ Bác"; nhạc sĩ An Thuyên với "Nhớ về mẹ Suốt"; nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với "Huyền thoại trăng Nhật Lệ", "Tiếng hát đò đưa"; nhạc sĩ Quách Mộng Lân với "Gạo đến Trị Thiên"; nhạc sĩ Dương Viết Chiến với "Tình sông Nhật Lệ", "Vấn vương Minh Hóa quê mình", nhạc sĩ Xuân Đồng với "Đưa em về Kiến Giang", "Quảng Bình trong câu hát", nhạc sĩ Hoàng Thành với "Quảng Bình hôm nay, ngày mai"...

Nhiều ca khúc khác của các nhạc sĩ Khắc Yên, Dương Viết Hoà, Dương Bích Hà và các nhạc sĩ trên cả nước in trong tuyển tâp ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi!" do Chi hội Nhạc sĩ và Hội VHNT tỉnh Quảng Bình ấn hành năm 2004, đã được các ca sĩ trẻ ở Quảng Bình ưa chuộng, trình diễn trong nhiều chương trình hội diễn quần chúng, hội diễn chuyên nghiệp đoạt giải cao và được công chúng mến mộ, đã góp phần vào sự phát triển của hoạt động âm nhạc đương đại trên mảnh đất Quảng Bình trong những năm qua.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến