.

Tiếng lòng với quê hương

Thứ Tư, 16/09/2015, 08:39 [GMT+7]

(Nhân đọc “Phong Nha và những huyền thoại” của nhà thơ Văn Lợi)

Yêu quê hương, đất nước, con người gắn bó với cuộc đời, nhà văn thường gửi gắm tình cảm đó qua những tác phẩm của mình. Nhà thơ Văn Lợi đã gửi gắm tiếng lòng đó của mình qua tác phẩm “Phong Nha và những huyền thoại” do NXB Thuận Hóa ấn hành vào 8-2015.

 

Ảnh bìa sách
Ảnh bìa sách "Phong Nha và những huyền thoại"

Đây là tập sách tập hợp gồm 43 chuyện, dày 207 trang, khổ 13x19cm mà tác giả đã sáng tác dọc chiều dài hơn 20 năm. Trung tuần tháng 7-2015, Phong Nha Kẻ Bàng của Quảng Bình được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới lần thứ 2, cuốn sách càng có giá trị thời sự, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa mà tạo hóa đã ban tặng cho con người Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.

Sinh con, cha mẹ phải đặt tên cho con. Đó là tâm thức hiển nhiên của mọi người. Vậy, thiên nhiên với những vẻ đẹp huyền bí mang danh nọ, tên kia do con người đặt ra phải có một nguồn gốc xuất xứ. Vì lẽ đó mà nhà thơ Văn Lợi đã “may áo” khoác lên những cảnh vật, địa danh, câu ca, thành ngữ... trên quê hương mình, để mọi người hôm nay và đời sau công nhận hoặc hiểu về nó.

Từ động Phong Nha, hang Sơn Đoòng, động Thiên Đường, sông Son, đèo Mồng Gà, Làng Lệ Sơn, đảo La... trên đất Quảng Bình đến cầu Ái Tử trên đất Quảng Trị đến sông Hương trên đất Thừa Thiên Huế, Văn Lợi đã có những “huyền thoại” về nguồn gốc của nó. Có thể nói, với những câu chuyện trong tập sách, Văn Lợi đã làm sống lại văn hóa truyền miệng dân gian.

Ta bắt gặp trong “Sự tích Phong Nha” vị Tiên sư đại pháp thuở hồng hoang vì yêu mến cảnh sắc vùng đất Bố Trạch, Tuyên Hóa ngày nay mà xin Ngọc Hoàng đại đế về hạ giới “đóng đô” ở đây để rao giảng đạo đức cho muôn dân. Khi chết đi, trước lòng tôn kính của các quan đại thần đang sủng ái lời rao giảng, tất cả hóa thành đá, bất tử muôn đời cho đến bây giờ nhờ hóa phép của Ngọc Hoàng.

Ta còn bắt gặp tư tưởng nhân văn trong truyện kể về hang Sơn Đoòng. Có Sơn Đoòng vì do nắm tay Ngọc Hoàng chụp xuống vùng núi hoang vu, mỹ lệ mà cô công chúa út quá mê mẩn đã xuống cư ngụ rồi quên mất ngày thượng kinh, nhằm phạt con. Nhưng rồi vì tình cha con, trước lời khẩn cầu của công chúa, Ngọc Hoàng đã làm phép cho tất cả cảnh vật trong “bàn tay úp xuống” đó của mình sinh động hơn, diễm lệ hơn để cảnh vật, muông thú ở đó sinh sôi nảy nở hấp dẫn hơn từ ngày ấy cho đến bây giờ.

Người đọc cảm động trước hình ảnh vị thần nọ ở thiên đình có lỗi lầm bị Ngọc Hoàng đày xuống hạ giới “lao động” để chuộc lỗi lầm. Công việc của vị thần này được giao là đắp 100 ngọn núi trong 100 ngày để sau đó Ngọc Hoàng xuống làm nơi tấn phong. Dân chúng ủng hộ vị thần xuống lao động để chuộc lỗi lầm trong quá khứ ấy của mình bằng cách góp công, góp sức cùng vị thần để xây đồi, đắp núi. Nhưng ngọn núi thứ 100 bị sụp trong đêm thứ 100 do quỷ vương Dạ Thử bị Ngọc Hoàng đày xuống hạ giới trước đó đem lòng hiềm khích, sai bè lũ nhà chuột đào khoét hang trong lòng đất để báo thù. Hòn núi thứ 100 sụp đổ trước bình minh làm vị thần ấy khóc nức nở. Nước mắt ông chảy xuống thành sông. Khi ông về trời để báo với Ngọc Hoàng thì bàn dân thiên hạ vẫn sống ở đấy và đặt tên làng là Lệ Sơn (nghĩa là nước mắt chảy vì đắp núi bất thành) nơi điểm cuối cùng của 99 hòn núi trong dãy Trường Sơn.

Nhiều tên đất, tên núi, tên sông khác ở Quảng Bình được Văn Lợi cho một “lí lịch” riêng, theo cách tưởng tượng của mình. Qua các chuyện, tác giả đã đề cao tình cảm cao đẹp của con người trong các mối quan hệ. Chủ nghĩa nhân văn là kim chỉ nam xuyên suốt toàn bộ các câu chuyện.

Với đặc điểm là “huyền thoại”, tập truyện của Văn Lợi không những phù hợp tâm lý người lớn mà còn đáp ứng nhu cầu đọc sách của lứa tuổi các em thiếu nhi.

Điều hạn chế của tác phẩm theo chúng tôi nghĩ đó là những tưởng tượng của tác giả còn đơn giản và trùng lặp. Các mô – típ (Ngọc Hoàng ban phép, hóa phép...) trong những trạng thái tình cảm nóng, lạnh được sử dụng hầu hết cho các chuyện kể. Mặt nữa là các chi tiết tạo nên cốt truyện phần lớn là đơn giản. Yếu tố ly kỳ, huyền bí, đan chéo, tạo sự sinh động cần thiết của câu chuyện chưa thực đậm đà. Vì thế, người đọc có thể dễ cảm thấy nhàm chán.

Hồ Ngọc Diệp