.

Cây bút trẻ Trác Diễm: "Tôi muốn mình như cánh chim lạc đàn"

Thứ Sáu, 05/06/2015, 12:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Trò chuyện với Trác Diễm, không ai nghĩ cô mới ở tuổi 27 – cái tuổi đáng lý ra mọi sự trẻ trung vẫn còn mãnh liệt lắm và sự chín chắn mới ở lưng chừng. Nhưng với Diễm lại khác, Diễm nói bằng tất cả sự già dặn và những trải nghiệm rất “đời”. Tác giả của cuốn tiểu thuyết ăn khách “Hồn lau trắng” bảo rằng cô muốn mình như cánh chim lạc đàn, dù có va vấp phải vách núi hay cuồng phong, cũng phải mạnh mẽ để vươn lên phía trước.

22 tuổi, Diễm bắt đầu viết. Tác phẩm đầu tay của cô là cuốn tiểu thuyết Hồn lau trắng dài gần 500 trang. Với một người mới tập tễnh bước vào nghiệp viết lách, nhất là một người “tay ngang” như Diễm, chọn thể loại tiểu thuyết nghe ra có vẻ hơi liều lĩnh. Nhưng sự liều lĩnh đó đã giúp cô hướng dẫn viên du lịch bước những bước vững chắc đầu tiên trên cuộc hành trình mới mẻ: hành trình đến với văn chương.

Còn nhớ cách đây tròn 1 năm – thời điểm Hồn lau trắng ra đời – cuốn tiểu thuyết ấy được bày bán khắp các nhà sách trên toàn quốc và đặc biệt, nó trở thành món quà ý nghĩa trưng bày tại quầy hàng lưu niệm của khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng. Là câu chuyện tình yêu cảm động của cô gái trẻ sinh ra trên mảnh đất di sản nhưng bằng lối viết nhẹ nhàng mà sâu lắng, Trác Diễm đã khéo léo biến vẻ đẹp của vùng rừng núi huyền ảo này thành không gian nghệ thuật của tiểu thuyết Hồn lau trắng, để rồi thôi thúc bước chân ghé lại của những ai chưa một lần đặt chân đến động Phong Nha, động Tiên Sơn. Và cái tên Trác Diễm trở thành nỗi tò mò cho những ai quan tâm đến văn học tỉnh nhà.

 Trác Diễm nhận giải trẻ của Ủy ban liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật toàn quốc
Trác Diễm nhận giải trẻ của Ủy ban liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật toàn quốc

Hồn lau trắng là thành quả của gần 2 năm Diễm manh nha ý tưởng và hì hục viết trong nhiều đêm liền thức trắng. Điều đặc biệt là tất cả 500 trang bản thảo Diễm đều viết bằng... tay. Diễm bảo rằng cô sợ phải ngồi gõ máy tính bởi chính sự cắt, xóa quá dễ dàng sẽ khiến bản thân cẩu thả với từng câu chữ. Và rằng sự khô khan của máy móc đôi khi cũng góp phần làm chết đi cảm xúc trong mình. Bởi với Diễm, “viết là khi cô đơn lên đến tột cùng nên phải để những nỗi cô đơn ấy được giãi bày một cách trọn vẹn nhất”. Thế nên, bút và giấy luôn là những vật bất ly thân. Là một hướng dẫn viên du lịch tại Khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng nên những lúc rảnh rỗi, cô lại ngồi một góc, nhập tâm vào thế giới sáng tạo rồi say mê viết, nhiều lúc viết đến quên ăn, quên ngủ.

Khi văn học Quảng Bình có vẻ như đang “già nua” đi thì sự xuất hiện của Trác Diễm cùng một số cây bút trẻ đã thổi một luồng gió mới vào đời sống văn học vốn quá quen thuộc với những cái tên “đóng đinh” lâu năm trong tâm thức độc giả tỉnh nhà. Đó là một tín hiệu đáng mừng!

“Sinh sau đẻ muộn” nên dù muốn, dù không, những cây viết trẻ như Diễm phải tìm ra được một lối đi riêng, một phong cách văn chương mới lạ. Trong hành trình khá gian nan buổi ban đầu đó, Trác Diễm vừa đi, vừa dò dẫm tìm đường. Nhiều lúc cô tự hỏi, không biết đó có phải là đường không, nhưng như một kẻ độc hành không thể khác, cô đi miết, trong đơn độc, trong cả nỗi sợ hãi, trong cả những áp lực của một người vừa chập chững bước chân vào nghề viết. Diễm bảo, cô muốn mình như một cánh chim lạc đàn, không đi theo một lối mòn người khác đã vạch ra mà phải đủ bản lĩnh bước đi một mình giữa cuộc đời, dù có va vấp vách núi hay gặp phải cuồng phong, cũng phải đủ sức để vươn lên phía trước. Cô chọn cho mình một góc nhìn khác và mải mê cuốn theo nó từ chữ đầu tiên cho đến khi dứt bút đến chữ cuối cùng.

Và rồi, khi bước ra từ cõi mộng của văn chương, đến với hiện thực, Diễm trở về với chính con người thực của mình, cũng yêu và sống hết mình. Cô thích khám phá, muốn trải nghiệm cuộc sống với đủ mọi cung bậc cảm xúc. Vì thế mà năm 20 tuổi, khi bạn bè lựa chọn những thành phố du lịch sôi động, một mình cô xách ba lô lên với Tây Nguyên, tự quăng quật mình trên những cung đường đầy gió bụi để khám phá và trải nghiệm những miền đất mới. Những vùng đất hoang sơ luôn mang đến cho Trác Diễm một hấp lực mạnh mẽ. Vì thế mà sau “Hồn lau trắng”, Diễm đang hoàn thành những khâu cuối cùng để cho ra đời tiểu thuyết “Hồn Ma Coong”, như một lời gọi mời những trải nghiệm chân thực nhất về những vùng đất hoang sơ nhất – nơi con người có thể sống bản năng, hồn nhiên như cây cỏ.

“Nhiều lúc cô đơn đến tận cùng mà càng cô đơn thì càng say sưa viết. Khi cảm xúc đủ chín thì cần phải viết, viết như thể không viết thì sẽ chết vậy”, Diễm trải lòng. Cái “nhu cầu được viết” ấy khiến cô viết bằng tất cả bản năng nên nhân vật của Diễm cũng sống bản năng như thế, bao giờ cũng sống và yêu hết mình. Cô để cho cảm xúc chảy trôi trong vô tận, mặc sức vẫy vùng trong thế giới sáng tạo nhưng dù thả lỏng cảm xúc đến đâu thì câu chữ cũng không vì thế mà cẩu thả, xô lệch. Đọc Hồn lau trắng đủ thấy cây viết trẻ này chăm chút trong từng câu, từng chữ và có một kho ngôn ngữ phong phú, đầy hình ảnh.

Mỗi một nhân vật trong tác phẩm của Diễm được kể như một câu chuyện đời ám ảnh, khiến người đọc nhân vật của cô hiểu về họ hơn ở một góc khuất sâu mà người ngoài không chạm tới và nhiều lúc còn là cảm giác nhức lòng về số phận của chính mình. Thôi Văn trong Hồn lau trắng hay nhân vật chính trong các truyện ngắn Thiên thần trắng, Hoàng hôn đã tắt, Hòn đá bạc, Ngàn năm lau trắng... đều sống và yêu thương hết mình. Tình yêu của họ luôn đi kèm với sự hy sinh. Và dù có chết thì cái chết ấy cũng để cứu vớt một đời sống khác. Bởi cô quan niệm, “chết là trạm dừng cuối cùng để bước qua một thế giới tốt đẹp hơn” nên đọc văn cô, người ta có thể ám ảnh với số phận từng nhân vật nhưng vẫn thấy ấm lòng bởi giá trị Chân – Thiện – Mỹ mà tác phẩm mang đến.  

Bốn năm độc bước trên hành trình văn chương, Trác Diễm đã có một lượng tác phẩm kha khá với một tiểu thuyết, nhiều truyện ngắn, thơ được đăng trên các báo, tạp chí và một cuốn tiểu thuyết nữa sắp sửa xuất bản. Những nỗ lực của Diễm đã được ghi nhận khi Hồn lau trắng được giải trẻ của Ủy ban liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật toàn quốc. Giờ thì Trác Diễm đã quyết định chuyển công tác về Hội VHNT Quảng Bình. Với vị trí hiện tại, cô càng có thời gian dành nhiều cho văn chương, cho những khát khao thầm lặng chỉ cháy bí mật trên trang viết của riêng mình.

Diệu Hương