.

Danh hương Kim Nại

Thứ Năm, 04/06/2015, 08:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình có "bát danh hương": Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa, Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại, gọi tắt là "Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim".

Bát danh hương nổi tiếng từ bao giờ? Và nổi tiếng về lĩnh vực nào? Đó là hai vấn đề mà nhiều thời, có nhiều người bàn luận trên văn đàn và trong dân gian. Cụ Nguyễn Tú viết ở "Phần kết thúc" trong "Địa chí làng Cổ Hiền" như sau: "Cho đến nay, trong nhân dân Quảng Bình truyền tụng về sự kiện "bát danh hương" với nhiều ý kiến khác nhau: Người thì nói bát danh hương là tám làng khoa bảng rạng rỡ nhất của Quảng Bình. Có người lại nói, đó là tám làng văn vật nổi tiếng của Quảng Bình". Trong sách địa chí các danh hương khác: Cảnh Dương, Thổ Ngọa, Văn La, Lệ Sơn các tác giả không ai lý giải 2 câu hỏi trên đây.  

Năm 2013-2014, tôi tham gia biên soạn  "Địa chí làng Kim Nại". Đọc và tra cứu sách tham khảo, tôi nhận thấy bút sách của ông Lương Duy Tâm, người thầy giáo, Phó trưởng Ty Giáo dục đầu tiên của ngành giáo dục cách mạng Quảng Bình biên soạn năm 1937 phải chăng là lời giải đáp chính thức cho hai câu hỏi trên đây.

Trong sách của mình, ông Lương Duy Tâm viết: "Về văn hóa, sách Đại Nam Nhất Thống Chí làm đời Tự Đức có chép: "Các làng Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ  Ngọa, khoa nào cũng có người thi đỗ". Đó là 4 danh hương ở Quảng Trạch mà thời trước người ta hay nói đến. Những nhận định đó có lẽ đúng  vào đầu thời Lê, Trịnh, Nguyễn trước kia. Ở Lệ Sơn tương truyền họ Bùi có một khoa thi đỗ đến 8 ông cống... Ở Quảng Ninh cũng có 4 "danh hương" là Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại"(1). Theo đó, bát danh hương nổi tiếng về khoa bảng là cốt lõi.

Non nước Lệ Sơn - một trong “bát danh hương”.                              Ảnh: T.H
Non nước Lệ Sơn - một trong “bát danh hương”. Ảnh: T.H

Bút sách của ông Lê Duy Tâm nói trên phù hợp với danh hương Kim Nại. Theo gia phả họ Lê Công ở Kim Nại, đỗ khoa bảng thời Lê-Trịnh- có 2 người. Ông Lê Công Quế đỗ đạt cao về Hán học và Phật học năm Kỷ Mùi-1559, rất giỏi về phép thuật nên cả vua Lê và nhà Phật phong hàm "Y THỪA TAM GIÁO DIỆU PHÁP CỨU SINH, TINH THÀNH TẾ THẾ BẢN HUYỀN".  Ông Lê Công Đồng, chắt nội ông Lê Công Quế cũng học giỏi, đỗ đạt nhưng không ra làm quan mà về quê dạy học. Học trò của ông nhiều người đỗ đạt nên  vua Lê phong cho ông hàm "HÀN LÂM VIỆN THỊ GIẢNG HỌC SỸ". Thời các chúa Nguyễn và Tây Sơn (1558-1801) không mở khoa thi Hương thi Đình nhưng nhiều người Kim Nại vẫn theo học trường huyện, trường phủ cho nên Kim Nại vẫn là làng có văn hóa cao.

Từ sau  khi vua Gia Long mở khoa bảng định kỳ, người Kim Nại khao khát học cao biết rộng và đỗ đạt. Có nhiều người coi địa lý chọn đất phát học, bỏ tiền của xây dựng Văn miếu, đình, đền cầu mong cho người làng đỗ đạt. Và mong ước đã trở thành hiện thực.

Thời vua Nguyễn (mở khoa thi từ năm 1820 đến năm 1919), theo sách "Quốc triều Hương khoa lục" của Cao Xuân Dục thì  Kim Nại có 4 người đỗ cử nhân. Huyện Quảng Ninh có 38 vị cử nhân thì Kim Nại có 4 vị, trong đó có 1 vị đỗ tiếp phó bảng, là một trong 2 làng có số lượng đỗ cử nhân cao nhất huyện (bằng Võ Xá) (2). Ông Lê Công Lương, đỗ cử nhân năm 1858, đỗ phó bảng năm 1865. Ông Lê Công Bảng con trai của ông Lê Công Lương đỗ cử nhân khoa Tân Dậu – năm 1861. Ông Lê Công Đàn, em của ông Lê Công Bảng đỗ cử nhân khoa Quý Dậu – năm 1873. Ông Lê Công Tốn cháu gọi ông Lê Công Lương bằng chú, đỗ cử nhân khoa Nhâm Tý- năm 1912. Ông Lê Công Nhiếp  cũng học cao và có tiếng học giỏi (thời kỳ sau năm 1919 triều đình không mở khoa thi Hương thi Đình như trước) được vua Khải Định phong Tổng đốc Hải Dương, sau đó Bảo Đại thăng lên Thượng thư Bộ Lễ, dân làng gọi là cụ Thượng. Các họ Trần, Nguyễn, Phan, Trương...  gia phả lập sau năm 1900, không ghi những người học cao biết rộng của các họ này trước đó, không có bút tích ghi lại. Nhưng trong dân gian làng Kim Nại có kể về một số người các họ này hiếu học có tiếng như nghè Phan, nghè Trương, nghè Trần. Họ Hồ có 2 quan võ cấp tướng thời Tây Sơn. Truyền thống hiếu học và thành danh từ khoa bảng phát triển qua nhiều trăm năm, do đó Kim Nại là làng nổi tiếng về hiếu học, về khoa bảng cả văn và võ.

Kim Nại  là nơi danh sơn và linh địa. Làng ở vào một thế đắc địa "tiền thủy tụ, hậu sơn quy". Trước mặt- phía đông là phá Hạc Hải, nước tụ một vùng rộng rãi bao la. Sau làng- phía tây quy tụ điệp trùng núi đồi cao dần đến Thần Đinh vững chãi. Xa xưa, núi Thần Đinh thuộc địa phận Kim Nại. Chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh có thể có mối nhân duyên tiền định với làng Kim Nại và ông Lê Công Quế "Y THỪA TAM GIÁO DIỆU PHÁP CỨU SINH, TINH THÀNH TẾ THẾ BẢN HUYỀN" từ thời Lê-Trịnh. Phía nam, phía bắc thôn xóm trù phú, ruộng đất bằng phẳng... Một làng quê có núi rừng, đồi, ruộng. Làng có nhiều khe suối nước chảy 4 mùa trên đồi núi đi qua làng rồi tụ về bàu sâu bàu cạn phía đông trước mặt làng. Cũng vì thế làng có 3 giếng nước thủy sinh; là nơi có đường thượng đạo đi qua từ thế kỷ 15, sau này là quốc lộ 15 và đường Hồ Chí Minh đi suốt Bắc-Nam đất nước, năm 1932 lại có thêm đường sắt Bắc-Nam chạy qua làng.

Năm 1945, Kim Nại có 87 hộ, 900 nhân khẩu. Năm 2014, Kim Nại có 330 hộ, 1.190 nhân khẩu sống trong làng, có 250 hộ, 970 nhân khẩu định cư, sinh sống ở 5 huyện, thị trong tỉnh và 30 tỉnh khác trong nước.

Từ ngày có Đảng, dân làng Kim Nại theo Đảng làm cách mạng, đánh Pháp, đuổi Nhật, đánh Mỹ xâm lược, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Các thế hệ người Kim Nại tiếp tục học tập nâng cao trình độ mọi mặt, rèn luyện tài đức. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2014 Kim Nại có 2 phó giáo sư, tiến sỹ, 18 thạc sỹ, 186 người đỗ cử nhân. Bình quân 10 người Kim Nại (kể cả ở trong làng và trên mọi miền Tổ quốc) có 1 người có bằng cử nhân trở lên. Nhiều người được Đảng cử, dân bầu làm cán bộ Đảng, chính quyền, quân đội, nghiên cứu khoa học, văn hóa, giáo dục các cấp, các ngành, công tác và làm ăn sinh sống trên mọi miền Tổ quốc. Số hộ và nhân khẩu công tác, học tập và lao động trên mọi miền Tổ quốc hiện nay tương đương với số hộ, số nhân khẩu ở trong thôn. Người Kim Nại ở trong thôn cũng như người Kim Nại ở trên mọi miền Tổ quốc đều phát huy truyền thống quê hương, làm rạng rỡ danh hương Kim Nại mãi mãi.

Cuốn "Địa chí làng Kim Nại" do ông Lê Thái Sơn, người Kim Nại, nguyên Hiệu trưởng Trường cấp II + III Nông trường Việt trung biên soạn 170 trang năm 2007, năm 2014 tôi biên soạn bổ sung thêm đến độ dày 534 trang và làm thủ tục xuất bản, đã ra mắt bạn đọc tháng 2 năm 2015. "Địa chí làng Kim Nại" cung cấp một cách có hệ thống về đặc điểm tự nhiên, thiên  nhiên, diễn trình lịch sử, những sự kiện lịch sử, những con người tiêu biểu của làng, phản ảnh những giá trị tinh thần, truyền thống lịch sử, văn hóa của cộng đồng dân cư Kim Nại trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, chiến đấu chống ngoại xâm, xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội. Thông qua diễn trình lịch sử, cuốn sách đánh giá và ghi nhận vai trò lịch sử của các thế hệ dân cư và  dòng họ làng Kim Nại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

(1) Trang 211, Sách "Địa lý- lịch sử Quảng Bình", của ông Lương Duy Tâm, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình xuất bản năm 1998.

(2) Trong sách "Quảng Bình nước non và lịch sử" của ông Nguyễn Tú chỉ tổng kê huyện Quảng Ninh có 34 vị đỗ cử nhân, 4 vị đỗ cử nhân người làng Kim Nại là Lê Công Lương, Lê Công Bảng, Lê Công Đàn và Lê Công Tốn. Từ năm 1998, sách "Quảng Bình nước non và lịch sử" xuất bản đến nay, ai cũng căn cứ vào đó mà không nghiên cứu thêm; đến nay nhiều học giả không biết Kim Nại có 4 vị đỗ cử nhân.

Nguyễn Viết Mạch
(Số 20, đường Nguyễn Trãi, phường Hải Đình, thành phố Đồng Hới)