.

Đạt nhân

Thứ Sáu, 17/04/2015, 16:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Kế thừa / học đòi thú chơi văn hoá tao nhã của cha ông để lại, cứ mỗi độ tết đến xuân về, tôi thường tìm đến các bậc chân nho xin một bức thư pháp chữ Hán treo nơi trang trọng trong nhà và cả ở cơ quan. Những chữ Hán: Tâm, Phúc, Nhẫn, Lộc... vẫn mãi sâu sắc về ý nghĩa, đẹp về tạo hình, nhưng đã quá quen thuộc, nên tuỳ “chủ đề” từng năm, tôi tìm chọn thêm những chữ khác để gửi gắm tâm trạng và nuôi dưỡng mơ ước: Hòa (和), Đồng (同), Trí (知)... Những chữ thánh hiền này thường được thể hiện bay bổng trên giấy hoặc lụa hồng điều ấm áp, mang đến cho những người thân trong gia đình, cho cộng đồng trong cơ quan sự cộng cảm nhất định như một mong ước và từ đó nảy sinh sự ngầm giao ước thực hiện một “chủ đề” rất thiện chí, thiện ngôn, được thể hiện một cách thiện mỹ dành cho suốt một năm trời.

Bây giờ đã qua thời khắc của một năm mới âm lịch, nhưng tôi lại có trong tay một “chất liệu” mới: vỏ quả trứng đà điểu, bèn nghĩ đến việc thể hiện vào đây một chữ thánh hiền để tặng con trai đang độ trưởng thành, nhằm gửi gắm tình cảm và kỳ vọng của mình thì thật là độc đáo vậy thay. Có nhiều chữ Hán có ý nghĩa, để thể hiện trên chất liệu mới này, tôi chọn chữ ĐẠT (達) , vì các lý do sau đây:

1. Về ý nghĩa: đây là chữ có nghĩa tốt đẹp mà cổ nhân gọi là "thiện tự", chỉ sự thông suốt, thời vận hanh thông, thành đạt... Chính vì vậy chữ ĐẠT khi kết hợp với các chữ khác thường cho nghĩa tốt: đạt đạo (con đường thông suốt), đạt giáo (lời giảng rõ thấu), đạt ngôn (lời nói thông đạt), đạt nhân/đạt sỹ (người hiểu biết, thông đạt), đạt thức (người có trí tuệ sáng suốt), đạt tôn (người đáng tôn kính trong thiên hạ), đạt quan (quan lại hiển đạt, được tôn quý)... Mạnh Tử từng nói: Đạt tắc kiêm thiên hạ (lúc hiển đạt thì đem điều thiện cảm hóa mọi người). Chữ  Đạt  thư pháp tôi muốn thể hiện lên vỏ trứng là chữ Đạt nằm trong "văn cảnh" này của Mạnh Tử.

2. Về tạo hình: Chữ Đạt thể hiện theo theo thư pháp giống như chiếc thuyền buồm với thế "nhất phàm phong thuận" (thuận buồm xuôi gió), hùng dũng vươn ra đại dương, rất đẹp và cũng rất hiển đạt.

3. Để vươn tới Đạt đòi hỏi phải cố gắng tu thân tích đức toàn diện. Nhưng, để giữ được sự thành đạt chân chính bền vững cũng phải cần đến sự nỗ lực cá nhân không ngưng nghỉ, thậm chí phải suốt đời. Chính vì vậy, thể hiện chữ Đạt lên vỏ trứng dễ vỡ âu, cũng là để nhắc nhở sự mong manh giữa THÀNH ĐẠT/THẤT BẠI để khỏi phải tự mãn vậy ru!.  

Để thực hiện ý định, tôi tìm đến ông Hoàng Gia Hy, nhà thư pháp có tiếng ở TP. Đồng Hới và có thể là ở Quảng Bình. Bậc chân nho người thôn Đức Trường, phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới, nơi có ngôi chùa Phổ Minh lâu đời nổi tiếng. Thời trai trẻ, ông làm kế toán cho HTX nông nghiệp bậc cao ngay tại quê hương mình. Ông thọ học và sở đắc thành thạo chữ Hán từ thân phụ ông, một thầy đồ chữ Hán có tiếng ở làng.

Nhìn chiếc vỏ trứng, ông có chút ái ngại vì lâu nay ông chỉ thể hiện thư pháp trên các loại chất liệu truyền thống: giấy, lụa, gỗ và “xưa” hơn nữa là trên giấy xuyến chỉ, mỏng như giấy quyến vấn thuốc hút mà thôi; tuy nhiên, ông vẫn vui vẻ chấp nhận thử thách. Bậc chân nho chậm rãi pha mực, chọn  trong hộp hai chiếc bút lông (mao bút) cỡ trung và tiểu để thể hiện hai cỡ chữ to nhỏ khác nhau cho "bức" thư pháp trên vỏ trứng. Ông nhẹ nhàng cầm mao bút  theo cách người viết thư pháp thường phải ghi nhớ: chỉ thực, chưởng hư,  nghĩa là đầu ngón tay áp vào bút, còn lòng bàn tay thì trống rỗng. Nhìn nghiêng, ngón cái và ngón trỏ tạo thành mắt phượng. Tuy nhiên do viết lên vỏ trứng rất khó, nên ông đã biến thể cách cầm bút đi đôi chút mới mong thực hiện chính xác được.

 Nhà thư pháp Hoàng Gia Hy
Nhà thư pháp Hoàng Gia Hy

Chỉ trong chốc lát ông Hoàng Gia Hy đã hoàn thành  “bức” thư pháp chữ đạt  theo lối khải thư, kể cả phần văn cảnh lẫn lạc khoản trên một chất liệu thật mới lạ: vỏ trứng đà điểu. Theo bậc chân nho, chữ Đạt  (達) , nếu viết nhún thấp bộ sước  (辵) bên trái xuống, kéo dài nét mác của nó ra sẽ giống một thân thuyền có đầu rồng. Đồng thời chữ thổ (土) và chữ dương (羊) chồng nhau ở bên phải chẳng khác một cánh buồm no gió đang đẩy thuyền lao lên phía trước. Về mặt tạo hình như vậy là rất đẹp và ý nghĩa cũng thật thâm sâu vậy.  "Bức" thư pháp chữ Đạt, thủ bút của ông Hoàng Gia Hy đã có riêng một vị trí xứng đáng tại kệ trang trí ở nhà tôi.

Ông Hoàng Gia Hy đã từng đạt hai giải khuyến khích toàn quốc về thể hiện câu đối trong hai năm liền (2008, 2009) do Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch và Bộ Công thương tổ chức. Ông là Phó chủ nhiệm câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh Quảng Bình, thư ký Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Bình. Hằng năm, vào dịp Tết nguyên đán, ông cùng các thành viên Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh tổ chức cho chữ thư pháp tại các tụ điểm văn hóa, thu hút nhiều người đến xin chữ đầu năm, tạo nét đẹp đáng trân trọng trong dịp Tết cổ truyền dân tộc.

Về mặt thể hiện thư pháp chữ Hán ở tỉnh ta, có thể nói hiện nay ông Hoàng Gia Hy là một Đạt nhân.

Trần Hùng