.

Chong đèn nhớ lại

Thứ Sáu, 10/04/2015, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, tôi hồi tưởng lại một kỷ niệm thời bao cấp để nhớ  một thời hậu chiến gian khó mà chúng ta  từng chịu đựng và đã tìm cách vượt qua đầy dũng mãnh. Ảnh minh hoạ được thực hiện từ các hiện vật gốc trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội.

Những năm cuối cùng của thời kỳ bao cấp.Trong tâm khảm nhiều người hẳn còn lưu lại dấu vết về nỗi truân chuyên của việc xếp hàng mua sắm các nhu yếu phẩm thiết yếu bằng sổ và tem phiếu.  Tôi là người có thâm niên kha khá trong công việc này. Suốt cả thời gian dài đặt gạch xếp hàng mua sắm xuất sắc ấy, tôi chỉ gặp có mỗi một phiền lụy, nhỏ thôi, và phiền lụy ấy, theo thời gian đã trở thành  kỷ niệm không thể tàn phai trong ký ức.

Tác giả xếp hàng “mua” lương thực (mô hình bảo tàng cửa hàng bán lương thực theo định lượng được phân phối)
Tác giả xếp hàng “mua” lương thực (mô hình bảo tàng cửa hàng bán lương thực theo định lượng được phân phối)

Hôm ấy tôi đi mua củi đun, tiêu chuẩn hàng tháng của gia đình. Mưa phùn. Sân kho củi lõng bõng nước, bê bết bùn. Người mua được củi chằng, buộc, kéo, đẩy, hoan hỉ. Người chưa mua được bu quanh ô cửa sổ có chắn song sắt, nghển nhìn vào bàn viết phiếu, chờ đợi đến lượt mình, hồi hộp.

Tôi đã mua được phần củi của mình. Những bó củi xộc xệch nằm chất đống lên nhau. Tôi nêm đóng lại cho chặt chẽ, tất cả, trong đó có bó cuối cùng, vì thiếu củi nên khác thường so với những bó khác.

Sổ và tem phiếu mua hàng công nghệ phẩm, thực phẩm, lương thực  theo tiêu chuẩn được phân phối.
Tôi đang lúi húi làm thì có một giọng nữ vang lên, từ phía sau: "Mấy chục ký đó chú?” –“Sáu mươi bảy ký!” –“Củi đẹp hí! Chắc hí!”. Đó là một phụ nữ trạc bốn mươi tuổi, vẻ mặt phúc hậu, nhu mì. Chị nhìn khá lâu vào đống củi của tôi, lẩm nhẩm, vẻ ao ước. Tôi lần lượt chất từng bó củi lên xe đẩy và cột buộc một cách khá chật vật. Một ông già khách hàng đứng cạnh, tự nguyện đến giúp đỡ tôi. Khi tôi buộc mối dây cuối cùng thì có một thanh niên vất lịch bịch vài bó củi của anh ta vừa cân xong xuống phía sau lưng tôi.

Một lát sau, người thanh niên này la lên: “Ai lấy của tôi một bó củi nhỉ? Bốn bó sao bây giờ lại còn ba?”. Tôi cũng không cả quay lại, vì biết chắc là câu chuyện ấy không liên quan gì đến mình. Hỏi mãi không ai trả lời, người thanh niên đến thẳng chỗ tôi: “Anh có nhầm của tôi một bó củi  không?” –“Không!” – “Ở đây có anh và tôi củi để gần nhau, không biết anh có nhầm?”  Câu hỏi đó đã làm tôi tự ái, nhưng tôi vẫn giữ được bình tĩnh: “Không biết. Khi tôi buộc xong củi của mình thì mới thấy anh vất củi của anh xuống mà. Có bác này, đang giúp tôi làm chứng".  Ông già làm chứng im lặng! Ông bối rối nhìn vào đâu đó, xa xôi, như câu chuyện không hề dính líu gì đến mình.

Thấy có đôi co, mọi người đổ dồn đến, trong đó có người phụ nữ  trạc bốn mươi tuổi ban  nãy. Tôi nhìn chị, tự tin. Chị nói: "Răng? Củi phải không? Của chú ni (chị chỉ vào tôi) mười lăm bó. Khi tui hỏi chú ni (tôi), chú ấy nói là sáu mươi bảy ký và tui có đếm được mười lăm bó. Chừ đếm lại coi có đúng không!”. Đếm lại. Toàn bộ số củi trên xe tôi đúng mười lăm bó. Người thanh niên mất củi chững lại. Những người hiếu kỳ giãn ra. Tuy vậy, một lát sau anh ta lại trào lên quyết tâm của mình: “Chắc chắn là anh nhầm lẫn của tôi một bó rồi. Ở đây chỉ có tôi và anh..”.

Sự thật là phía trước, rất gần, là đống củi của cửa hàng. Bên tay phải tôi cũng có vài người có củi. Ngoài ra người mua củi rất đông, đi lại khá lộn xộn. Tự mình, tôi biết, là mình không hề nhầm lẫn củi của anh ta, Vì trên thực tế không có cơ hội để mà nhầm. Đó là sự thật. Hơn ai hết tôi biết rõ sự thật này. Người thanh niên mất củi bỗng có một hành động quyết liệt, lột phăng bó củi vơi, khác thường của tôi và khẳng định đó là của anh ta. Đến nước này thì tôi không còn giữ được bình tĩnh nữa: “Không được! Anh hãy bỏ bó củi đó xuống! Một bó củi không đáng giá bao nhiêu. Nếu anh mất, tôi có thể biếu anh một bó vì anh ít, tôi nhiều. Nhưng đây là vấn đề giữa trung thực với gian lận. Khi anh chưa đến, chị này đã đếm của tôi được mười lăm bó. Có phải không chị?”.

Ruột bút bi hết mực không thể vứt đi mà bơm lại mực để dùng tiếp.
Ruột bút bi hết mực không thể vứt đi mà bơm lại mực để dùng tiếp.

Tôi, một lần nữa, tự tin chỉ vào chị, chứng nhân của mình, một khuôn mặt nhu mì và phúc hậu. Nhưng than ôi, đến lượt mình, người làm chứng tự nguyện thứ hai này cũng bối rối rút lui nốt: “Không biết. Lúc nãy nghe chú nói rứa, tui đếm không biết đúng hay sai..”. Tôi nhớ là chị cúi mặt xuống khi nói câu này. Tiếng một ai đó vọt ra từ đám đông, trung dung: “Anh ấy thì mất củi thật. Còn anh này thì không phải là người gian. Coi xem lại nó có lẫn đâu đó không thôi". Vì biết chắc là không hề có sự nhầm lẫn nào ở đây cả, mặt khác để cho mọi người biết hai năm rõ mười, tôi quyết định: “Thôi được. Bây giờ mà cứ đôi co thì cũng không biết ai đúng, ai sai, vì có ai làm chứng đâu. Nếu anh muốn, thì vui lòng dỡ chỗ củi này của tôi xuống, cân lại xem có đúng sáu mươi bảy cân không. Nếu đúng anh giúp tôi buộc lại như cũ". Người thanh niên mất củi thực hiện ngay. Có lẽ anh ta đang rất bực tức, một sự bực tức chính đáng. Không tức sao được, mới đó có đây bỗng dưng anh mất không bó củi một cách khó hiểu.

Một điều hoàn toàn bất ngờ cho tôi là cán cân lúc này “tươi” ngược hẳn lên! Thậm chí ngay khi người ta đã bớt ra bó củi khác thường của tôi rồi, cán cân vẫn còn tươi! Tôi không hiểu được chuyện gì đã xảy ra. Không hề có sự nhầm lẫn nào, cũng như tôi không hề gian lận của anh ta. Với người khác tôi có thể lừa dối, nhưng với chính mình thì tôi không thể. Lừa dối ngay cả bản ngã của mình thì còn đâu nơi ẩn nấp, giữa cuộc đời này? Hay là sau tôi có hàng chục người nữa được cân củi, chấn động mạnh làm cho cân mất chính xác? Hay là trong quá trình nêm đóng, những bó củi của tôi dầm trong nước mưa, ngấm bùn, làm nặng cân thêm lên? Ôi, tiếc thay, đó chỉ là những lập luận không nhân chứng...

Người thanh niên mặc nhiên lấy đi bó củi lỏng lẻo của tôi, đúng là của tôi, trước sự phân vân của mọi người và cả của những nhân chứng. Đám đông còn an ủi tôi rằng, đây chỉ là một sự nhầm lẫn!

Xe đạp đeo biển đăng ký như xe gắn máy thời nay.

Tôi chỉ còn biết cúi xuống xếp những bó củi còn lại của mình lên xe, trong cô độc.

Đêm chong đèn ngồi nhớ lại, từng câu chuyện ngày xưa... Một câu chuyện ngày xưa của nhạc sỹ tài danh Trịnh Công Sơn đã trở thành tuyệt phẩm Huyền thoại mẹ, tượng đài hào hùng từ cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Nương bóng ông, tôi cũng ngồi nhớ lại câu chuyện ngày xưa cụ thể cỏn con của mình. Tôi nhớ câu chuyện này bởi tất cả họ và tôi đều là những chứng nhân, đều thuộc về một thời hậu chiến, thời mà chúng tôi, chúng ta đã cùng có những chiến công để tự hào, đồng thời cũng không thiếu những  khoảnh khắc gian khó để cùng nhau dũng mãnh vượt qua... Nỗi nhớ tô điểm thêm những chiến công, những thành công mà chúng ta giành được để có ngày hôm nay.

Trần Hùng