.

Quê nhà

Thứ Sáu, 06/02/2015, 18:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Về đến đầu làng, mùi mạ non chợt ùa vào lồng ngực. Và những nụ cười chân chất của người làng, những lời chào hỏi này con này o này cháu mới về rồi hẹn hò tối qua chơi, chợt khiến ngày giá rét ấm hơn bao giờ...

Lâu rồi không gặp con Mực, con Lu, nhưng chưa vào đến ngõ, bọn cún đã ùa ra quấn lấy chân người xa hít lấy hít để. Chừng ấy ngày xa đủ để ngỡ ngàng nhìn con Mực giờ đã phổng phao trai tráng, con Lu đã kịp làm mẹ với một bầy con lóc nhóc vây quanh. Sân nhà đầy nắng, bọn trẻ chạy ra chạy vào, vẫn bé lũn cũn chứ chẳng lớn nhanh như những chú cún của mình. Loáng cái cả đám con nít đã ríu rít lùa nhau ra đồng. Đôi chân đi giày đỏ rực rỡ của trẻ về từ phố thị háo hức lon ton cùng những anh chị em họ chân đi dép lê thoăn thoắt trên đường làng...

Những ngôi nhà quê cũ kỹ như trăm năm vẫn vậy. Và suốt bốn mùa xuân hạ thu đông chẳng bao giờ khép cửa, tựa như lúc nào cũng sẵn sàng đón người xa trở về. Căn bếp ám khói ấm cả mùa đông bởi mùi than âm ỉ để bọn trẻ con bất cứ lúc nào thấy đói sẽ vùi củ khoai, bắp ngô vào đấy và yên lòng đợi mẹ về sau buổi làm cỏ lúa đồng xa...

Thương chị, người luôn chăm làm cỏ lúa đồng xa. Chị thẹn thùng, tui không biết đi xe đạp, lấy chồng cách làng, lâu lâu thương cha nhớ mẹ phải lội bộ băng đồng về thăm, mất hơn nửa buổi. Những ngày mùa bận rộn chẳng dám về thăm bởi đường xa ngái mà ở nhà còn trâu bò, heo gà và cả con Lu mới đẻ, còn ngoài đồng cỏ lúa chen nhau. Ngày xưa chưa có điện thoại, chị tranh thủ đi làm cỏ lúa để ngó về nhà mình, thấy dải khói mềm mại bay lên gần gốc thị cổ thụ, chị yên lòng mẹ cha vẫn khỏe. Mà kể cả bây giờ có điện thoại, chị vẫn thích ngắm nhìn dải khói mỏng manh bay lên từ phía làng mình, hình dung cha đang đun ấm nước sôi, còn mẹ tất bật đi ra đi vào cho lợn gà ăn. Có những ngày đợi mãi không nhìn thấy làn khói mỏng manh quen thuộc, lòng dạ chị bồn chồn rồi bỏ dở buổi làm cỏ lúa, tất tả băng đồng về quê...

 

Trẻ quê và bạn
Trẻ quê và bạn

Về quê, chợt thấy những bài học kỹ năng sống cho trẻ nơi phố thị tốn cả mớ tiền bỗng trở nên vô nghĩa. Trẻ con ở quê không có thói quen nắm tay người lớn khi đi đâu đó. Thay vì thế, chúng tung tăng chân sáo trên đường làng. Buổi tối đi ra khỏi nhà biết cầm đèn pin và dắt theo con Lu con Mực, vừa đi vừa thủ thỉ chuyện trò. Dù ở quê bọn trẻ vẫn thường được những bà già kể chuyện ma đêm này qua đêm khác, những con ma dường như vẫn rình rập đâu đó quanh bụi tre bụi hóp nhưng vẫn chẳng thể khiến bọn trẻ sợ hãi. Bên bếp lửa, chúng mang những con ma ấy ra dọa trẻ con phố thị sợ chết khiếp rồi bảo khi nào về phố thì dắt theo con Vện mới vừa đầy tháng, đi đâu sợ ma thì mang nó theo, Vện sẽ đánh hơi thấy con ma và đuổi nó đi...

Những ngày ở quê, ngoài âm thanh của còi tàu và xình xịch những chuyến tàu qua lại, dường như chỉ còn lao xao tiếng người, lích chích tiếng chim trong khóm chè, cây cam, cây bưởi... Có những buổi sáng cả nhà đi hết ra đồng, chỉ còn con Lu con Mực ra vào sưởi nắng. Xế trưa mấy chị em Bé Hai, Bé Ba, Bé Tư dắt nhau đi học về tự phân công quét nhà, nấu cơm, cho bò ăn, thoăn thoắt đảm đang y như mẹ...

Buổi trưa ở quê là cả một không gian cổ tích với cào cào, chim chóc và cỏ cây. Mùa gặt, đường làng vàng rơm rạ, thơm mùi lúa mới. Trẻ quê không biết ngủ trưa, tối ăn cơm muộn, học bài xong thì chị em ôm nhau ngủ để khi bình minh chưa tỏ, ông bà đã gọi dậy ăn khoai, ăn sắn rồi đứa cầm chổi quét nhà, đứa cho gà, cho cún ăn xong dắt díu nhau đến lớp. Đường đến trường lắm khi đầy mưa gió nhưng hoa dại vẫn đua nhau nở, chim ướt cánh vẫn líu lo vang trời...

Rời quê, bỗng nhớ ngơ ngẩn cảnh những bà già hàng xóm tóc bạc phơ bỏm bẻm nhai trầu, kể chuyện ma suốt những đêm dài. Nhớ lũ trẻ vật lộn với lũ cún con và cười khanh khách trước hiên nhà. Nhớ chị ngồi bên bờ giếng, dưới ánh nắng vàng cuối mùa đông, tỉ mẩn giặt sạch những cành hoa vải. Bình hoa cũ mèm bỗng chốc sạch bong, rực rỡ và tươi mới. Dù sân nhà nở đầy bông trang, bông thọ và cả mai, đào, nhưng trong mỗi căn nhà thường vẫn có bình hoa vải được gột sạch vào cuối mùa đông và đặt trang trọng lên bàn đón mùa xuân mới...

Xuân về, chắc chị sẽ được chồng đón đưa thăm mẹ cha, không còn phải tranh thủ đi làm cỏ lúa đồng xa và ngắm dải khói mong manh bay lên từ ngôi nhà của mẹ...

Diệp Đồng