.

Đọc "Tình biển" của Trương Vĩnh Hạnh

Thứ Năm, 11/12/2014, 09:08 [GMT+7]
Bìa cuốn sách
Bìa cuốn sách “Tình biển”.

(QBĐT) - "Tình biển"* là tập thơ thứ 3 của Trương Vĩnh Hạnh. Phần lớn thơ trong Tình biển được viết rải rác trong những năm gần đây. Trong khi không ít những người làm thơ hiện nay đang cố gắng thay đổi cách viết cho kịp với xu hướng đổi mới thì Trương Vĩnh Hạnh vẫn lặng lẽ viết theo cái cách mà anh từng lựa chọn cho mình ở những tập thơ trước. Vẫn cái chất giọng đằm địa ấy, vẫn các thể thơ lục bát, năm chữ, bảy chữ, tự do ấy, vẫn những vần điệu ấy, vẫn những đề tài quen thuộc ấy nhưng sau bao nhiêu từng trải bây giờ thơ anh lắng đọng hơn, suy tư hơn, biến hóa hơn.

Tình là gốc của thơ. Thơ không phải là trò làm xiếc chữ nghĩa để lòe thiên hạ. Thơ cũng không phải là những triết lý khô khan, càng không phải là trò đánh đố độc giả. Trong Tình biển người đọc chia sẻ tình cảm của Trương Vĩnh Hạnh đối với Đảng, với Bác Hồ, với những chiến sĩ đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.

Về thăm lại chiến trường xưa, anh nghẹn ngào:       

Cùng đồng đội, thắp nén hương
cầu nguyện
Nơi suối vàng ấp ủ những lời ru
Cốt chân nhang tỏ bao điều thương cảm
Cả rừng chiều nức nở tiếng thu...!

                                        (Trở lại Trường Sơn)

Đã mấy chục năm trời trôi qua mà vết thương chiến tranh vẫn còn “nhói buốt” trái tim của bao người mẹ Việt Nam “mòn mỏi đợi chờ” những đứa con thương yêu của mình:

Đồng đội tôi ơi! Ai mất ai còn?
Ai thành đạt, ai chưa tìm ra hài cốt?
Đất nước đau thương chiến chinh nhói buốt
Tim Mẹ quặn thắt, mòn mỏi đợi chờ!...

(Trưa Trường Sơn)

Những câu hỏi dồn dập cứ xoáy vào tâm can người đọc.

Trương Vĩnh Hạnh suy ngẫm:
Có những con đường huyền thoại cho thơ
Là đường Hồ Chí Minh lịch sử
Đường biển mùa xuân, đường
Trường Sơn giữ lửa
Triệu triệu năm sau vẫn khắc tạc
con đường

                       (Con đường huyền thoại)

Không chỉ thời chiến mà trong thời bình những chiến sĩ vẫn tiếp tục hy sinh một cách thầm lặng. Họ có mặt nơi biên giới xa xôi, nơi tiền tiêu hải đảo ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc, canh giữ cuộc sống yên bình cho nhân dân:

Đảo vững trụ, trùng khơi
Cho dù bao sóng dữ
Ngắm vầng trăng quan họ
“Đất nước trọn niềm tin”.

                        (Vầng trăng lính đảo)

Không chỉ viết về người chiến sĩ, Trương Vĩnh Hạnh còn viết về những người thân trong gia đình. Hình ảnh người cha kính yêu khắc sâu vào tâm trí của anh:

Đi quá nửa đời người trở lại
Vẫn bóng hình cha xé mùa đông lật ải
Nghe điệu cày vọng thời gian
Thấp thoáng
Chân trần
Ngập trong phù sa lam lũ.

                       (Tiếng vạc Đồng Cày)

Bài thơ Tiếng vạc Đồng Cày theo tôi là một bài thơ hay. Cách ngắt nhịp, xuống dòng với những câu thơ dài ngắn đan xen tạo nên một âm điệu đặc biệt. “Bóng hình cha xé mùa đông lật ải” là một cách nói mới lạ. Nếu không am hiểu và cảm thông với công việc nặng nhọc của cha, anh không thể viết được những câu thơ nặng trĩu suy tư như thế.

Trương Vĩnh Hạnh có những câu viết về mẹ cũng khá xúc động:

Mẹ còn nhặt nắng cau thưa
Xem con chọi dế, bóng trưa hiên nhà?
Củ khoai chấm dút tương cà
Một đời áo vá - Mẹ là mẹ tôi!

                                (Nhớ mẹ)
Và:
Con về muộn
Mẹ giấu buồn trong đất

                                   (Mẹ ơi)

“Nhặt nắng cau thưa” hay  “Mẹ giấu buồn trong đất” là những cách nói hết sức sáng tạo. Trong Tình biển không hiếm những cách nói mới lạ như thế. Chẳng hạn hình ảnh so sánh sau đây:

Núi suy tư như những vị sư già
Sương lãng đãng, mặt trời thường
đến muộn

                             (Trưa Trường Sơn)

Chẳng hạn sự liên tưởng sau đây:

Linh hồn biển hóa Vọng Phu cát trắng
Con sóng mềm vuốt nhẹ dấu chân đi.

                                              (Tình biển)

“Trên cánh đồng thơ” vô tận với bao nhiêu ngã ba, ngã bảy,  mỗi người tự tìm cho mình một hướng đi, một cách thể hiện. Nhưng cái đích cuối là phải phấn đấu viết được những câu thơ, bài thơ hay, vượt qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian. Đó là điều mà không phải bất cứ người nào cũng làm được. Chung quy lại vẫn là hai chữ tài và tình. Trương Vĩnh Hạnh hết sức trân trọng những nhà thơ dấn thân, cố gắng tạo ra cho mình một giọng thơ mới, một cách nói mới như trường hợp Hoàng Vũ Thuật: 

Trên cánh đồng thơ!
Anh là người xung trận
Như người lính kênh đá lên giữa
nghìn trùng vô tận
Cho trái tim -  biển -  mãi hát tình ca.

                                   (Trên cánh đồng thơ)

Phải chăng đó cũng chính là khát vọng của Trương Vĩnh Hạnh?

Mai Văn Hoan

----------------------------------------------------------------------------------
* Tình biển  (thơ Trương Vĩnh Hạnh), NXB Thuận Hóa 2014.