.

TP Đồng Hới: Những gam màu sáng về đời sống văn hóa

Thứ Ba, 12/08/2014, 07:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Để sự nghiệp phát triển văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội, thời gian tới, thành phố đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa“ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chỉ thị 18, 19, 20 của Tỉnh ủy.

Xây dựng con người mới

Nhận thức rõ xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, những năm qua, Phòng Văn hóa thông tin thành phố Đồng Hới đã tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật, nói chuyện truyền thống, sinh hoạt câu lạc bộ... xây dựng nội dung, kế hoạch hành động từ thành phố đến cơ sở, không ngừng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng chăm lo xây dựng con người Việt Nam mới, phấn đấu có 5 đức tính tốt đẹp mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã đề ra.

Trong đó, nội dung trọng tâm là giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao về nhận thức chính trị tư tưởng, rèn luyện giữ gìn đạo đức, lối sống; khơi dậy truyền thống yêu nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân đối với đất nước, với xã hội và cộng đồng.

Nhiệm vụ trên được thành phố triển khai với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua việc học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác trên các lĩnh vực, từng tổ chức Đảng, cơ quan, trường học, đoàn thể đã có sự liên hệ, xây dựng các chuẩn mực đạo đức phù hợp với cơ quan, đơn vị mình, từng đảng viên, cán bộ có đăng ký rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.

Đặc biệt, thành phố Đồng Hới đã ban hành Nghị quyết 04 về xây dựng văn minh đô thị trong đó có tiêu chuẩn xây dựng con người Đồng Hới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển toàn diện về trí tuệ, văn minh, thanh lịch với các tiêu chí cơ bản cụ thể: yêu quê hương đất nước, có lòng nhân ái, thân thiện hiếu khách, có ý chí tự lực tự cường, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, có tri thức, sức khỏe, ham học hỏi ham hiểu biết, có khả năng tiếp cận với nền khoa học tiên tiến của thế giới, có lối sống lành mạnh, trong sáng, giản dị, sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật.

Từ trong phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực từ lao động sản xuất, giúp nhau giảm nghèo, tận tụy phục vụ nhân dân theo chức trách được giao; ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, quan liêu...

Môi trường văn hóa lành mạnh

Không chỉ tập trung xây dựng con người Đồng Hới trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cũng là vấn đề vô cùng quan trọng, nó phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của thành phố.

Một tiết mục văn nghệ trong Tuần Văn hoá-Du lịch Đồng Hới.
Một tiết mục văn nghệ trong Tuần Văn hoá-Du lịch Đồng Hới.

Thời gian qua, Phòng Văn hóa thông tin thành phố đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhiều kế hoạch, công văn chỉ đạo xã, phường, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh phong trào đi vào chiều sâu, đưa lại hiệu quả thiết thực trong việc xây dựng môi trường văn hóa, trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Nhờ đó, những hủ tục mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội dần thu hẹp, hạn chế và tiến tới xóa bỏ; ngày càng có nhiều gia đình ấm no, hạnh phúc, nhiều cơ quan đơn vị văn hóa.

Thực tiễn cho thấy, qua việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, chất lượng cuộc sống hầu hết các gia đình được nâng lên, đạo đức gia đình được coi trọng hơn; ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi và bài trừ các tệ nạn xã hội.

Hàng năm các xã, phường đều tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, động viên khen thưởng kịp thời gần 3.000 gia đình văn hóa tiêu biểu. Tỷ lệ đạt danh hiệu gia đình văn hóa tăng lên qua mỗi năm, nếu như năm 2000 chỉ có 15.000/21.295 hộ đạt gia đình văn hóa (chiếm 70%), thì năm 2013 có tới 24.819/26.894 hộ gia đình văn hóa (chiếm 92,3%). Tỷ lệ thôn, tiểu khu đạt chuẩn văn hóa cũng tăng dần, năm 2000 có 14 thôn, tiểu khu đạt chuẩn làng văn hóa, khu phố văn hóa (đạt 10%), đến năm 2013 có 114/155 thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn (đạt 73,5%).

Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa cũng được duy trì và phát triển. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội ở Đồng Hới đã có nhiều chuyển biến tích cực, làm cho môi trường văn hóa phát triển theo chuẩn mực hợp lý, lành mạnh, tiết kiệm, văn minh.

Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được đẩy mạnh. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đạt nhiều kết quả thiết thực. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các hoạt động và các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình; 25 năm tái lập tỉnh; 60 năm giải phóng Đồng Hới; 10 năm thành lập thành phố Đồng Hới; tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới năm 2014...

Phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ ở khắp các địa phương trên địa bàn thành phố, thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện. Tham gia các giải đấu trong Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VII-2014 như: giải Cờ tướng đạt giải nhì toàn đoàn; tham gia giải Cờ vua Đại hội TDTT tỉnh đạt giải nhất toàn đoàn;... Năm 2013, có 41% số người tập luyện thể thao thường xuyên, 40% số gia đình đạt Gia đình thể thao (tăng 23%)...

Bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc

Thành phố đã chú trọng công tác bảo tồn, khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống địa phương như: lễ hội bơi trải truyền thống, lễ hội chèo cạn múa bông, lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương 10-3, lễ hội cầu ngư (Bảo Ninh), lễ hội xuân thu kỳ yên (Hải Đình, Hải Thành), lễ hội xuống đồng (Lộc Ninh)... Các lễ hội này được tổ chức chu đáo, chặt chẽ theo đúng quy định của Chính phủ.

Đặc biệt, với sự kiện Tuần Văn hóa-Du lịch hàng năm, trong đó có hoạt động liên hoan giai điệu thành phố Hoa hồng đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia với nhiều loại hình văn hóa truyền thống mang đậm nét văn hóa của quê hương và dân tộc. Bên cạnh đó, các điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố luôn được bảo tồn và phát huy giá trị nhằm tuyên truyền giáo dục các thế hệ về tinh thần yêu nước.

Để sự nghiệp phát triển văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội, thời gian tới, thành phố đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa“ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chỉ thị 18, 19, 20 của Tỉnh ủy. Triển khai có hiệu quả các nội dung, tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa phù hợp với tính chất, đặc điểm từng loại hình cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng được xu thế phát triển của thành phố trong tương lai.

Phấn đấu đến năm 2015 có 92%-93% gia đình văn hóa, 75-80% làng, khu phố văn hóa, 92-95% cơ quan, đơn vị văn hóa. Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa thông tin cơ sở, giữ gìn và nâng cao các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống. Tăng cường bảo vệ, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử. Từng bước hiện đại hóa công tác thông tin đại chúng, phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa văn nghệ, phong trào thể dục thể thao truyền thống và quần chúng...

Lê Mai