.

Nhu cầu hưởng thụ thông tin: Rút ngắn khoảng cách nông thôn-thành thị

Thứ Tư, 06/08/2014, 07:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Những bước phát triển nhảy vọt của khoa học công nghệ, kéo theo đó là sự “tấn công” không mệt mỏi của truyền hình, báo điện tử, đã làm báo in ngày càng khó khăn hơn trong việc khẳng định mình. Nhưng, điều đó không có nghĩa báo in sẽ bị triệt tiêu hay biến mất, ngược lại, lớp độc giả trung thành vẫn chưa từ bỏ thói quen đọc báo mỗi ngày và các tờ báo cũng không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức, nội dung để bắt kịp xu hướng. Tuy vậy, trên thực tế, sự mâu thuẫn giữa nhu cầu và khả năng cung cấp, phát hành báo chí ở nông thôn, thành thị vẫn còn tồn tại, và việc tìm ra những giải pháp hợp lý, góp phần để rút ngắn khoảng cách này, cũng không hề đơn giản.

 

Trong khi các điểm đọc báo ở thôn Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh) chủ yếu là báo cũ...
Trong khi các điểm đọc báo ở thôn Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh) chủ yếu là báo cũ...

Thôn Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh) có 4 điểm đọc báo, trải dài từ đầu đến cuối thôn. Cứ tầm khoảng 15-18 giờ, từ các dì, các chú tuổi trung niên cho đến các cụ tuổi cao niên đều tìm đến những chiếc ghế đá dưới bóng cây cổ thụ mát lành để vừa trao đổi, chia sẻ chuyện làng, chuyện nước, vừa đọc báo, bàn luận sôi nổi các đề tài thời sự, nóng hổi. Những cụ nhiều tuổi hơn, mắt kém, còn được các cụ khác đọc giúp, để ai cũng có thể nắm và hiểu được thông tin.

Ông Dương Viết Trung, Chi hội trưởng Chi hội Cựu giáo chức thôn Quảng Xá, chia sẻ điểm đọc báo đầu tiên xuất phát từ chính nhu cầu thực tế của bà con. Thôn có một thư viện kiêm điểm đọc báo, nhưng lại nằm ở tầng 2, do đó chỉ thu hút được lớp trẻ, các bậc trung niên, cao niên khó có thể lên để đọc. Do đó, ý tưởng xây dựng các điểm đọc báo ngay tại đường làng ra đời và rất được bà con ủng hộ.

Thôn duy trì các điểm đọc báo từ 2 năm trở lại đây với hơn 15 đầu báo, tạp chí, đặc biệt, Báo Quảng Bình rất được bà con mong ngóng, để cập nhật các thông tin mới nhất, đầy đủ, đa diện nhất về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. Mỗi ngày, mỗi điểm đọc báo thu hút trên dưới 10 người dân đến tham gia.

Tuy vậy, cái khó nhất của các điểm đọc báo này là nguồn báo. Ông Nguyễn Văn Được, phụ trách một điểm đọc báo ở thôn Quảng Xá cho biết, nguồn báo phải phụ thuộc rất lớn vào sự nhiệt tình của ông Dương Viết Trung. Bởi, với sự xông xáo, nhiệt tình của mình, ông Trung đã đi đến nhiều cơ quan, đơn vị và xin được nguồn hỗ trợ sách báo cho thư viện thôn và các điểm đọc báo.

Bên cạnh đó, một số cá nhân ở xa quê cũng rất tích cực, nhiệt tình gửi báo, tạp chí về Quảng Xá cho bà con cùng đọc. Thế nhưng, do chắp vá mỗi nơi một ít, cho nên, việc cập nhật báo, tạp chí mới trở nên rất khó khăn, thậm chí, nhiều thời điểm, người dân còn đọc báo của những tháng trước hay từ năm ngoái. “Cũ người, mới ta” đang là châm ngôn vui của những người mê đọc báo nơi đây. Mặt khác, những tờ báo có nội dung đáp ứng theo nhu cầu của bà con, như: khoa học đời sống, sức khỏe, an ninh, người cao tuổi... lại rất khan hiếm. Mong muốn của bà con thôn Quảng Xá là được hỗ trợ nguồn báo dồi dào và cập nhật hơn, đặc biệt là những tờ có nội dung mà bà con đang rất quan tâm.

Đối lập với đó, ngay tại TP.Đồng Hới-nơi mọi nhu cầu về báo chí dễ dàng được đáp ứng-thì tình trạng “vắng vẻ” tại các điểm phát hành báo chí lại diễn ra rất thường xuyên, kể cả trong giai đoạn cao điểm như mùa World Cup vừa qua. Chị Nguyễn Thị Thu Ngân, nhân viên tại Bưu cục Đại học Quảng Bình chia sẻ, trước đây, Bưu cục bán đầy đủ các loại báo, tạp chí phong phú, đa dạng. Nhưng, do nhu cầu đọc báo chí của người dân, nhất là của học sinh, sinh viên ngày càng ít đi, số lượng, chủng loại báo chí bày bán sụt giảm.

Hiện nay, Bưu cục chỉ bán hai loại (Hoa Học Trò và Hạnh phúc gia đình) với từ 2-3 tờ/1 loại/1 tuần. Đó

Thì không ít Bưu cục phát hành báo chí tại TP. Đồng Hới-nơi được cập nhật nguồn báo chí thường xuyên-lại vắng vẻ người mua, ít ỏi lượng báo như thế này.
Thì không ít Bưu cục phát hành báo chí tại TP. Đồng Hới-nơi được cập nhật nguồn báo chí thường xuyên-lại vắng vẻ người mua, ít ỏi lượng báo như thế này.

là thực trạng chung của hơn 15 điểm phát hành báo chí (Bưu cục) khác của tỉnh ta. Với 39 đầu báo, tạp chí kinh doanh mà Bưu điện tỉnh quản lý, mỗi Bưu cục lẻ chỉ bán từ 1-5 loại, mỗi loại vài tờ, theo tính chất “thêm hương, thêm hoa” mà thôi. Ngoài ra, các sạp bán báo tư nhân dọc những trục đường chính của thành phố cũng chủ yếu chỉ là hình thức, để thực hiện các công việc kinh doanh khác.

Thực tế trên cho thấy sự chênh lệch lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đọc báo chí của người dân. Trong khi ở khu vực nông thôn, không ít người dân mong muốn có sự hỗ trợ tích cực hơn để tiếp cận với nguồn thông tin đa dạng, cập nhật từ báo chí, thì ngay chính khu vực đô thị, với sự bủa vây của mạng internet, truyền hình, nhu cầu đọc báo in lại ngày càng sụt giảm. Phía Bưu điện tỉnh cho biết, hiện tại, vẫn chưa có một chính sách hỗ trợ nào dành riêng cho các điểm đọc báo ở khu vực nông thôn. Chính vì vậy, cần thiết phải xây dựng một kế hoạch, chiến lược dài hơi để giải quyết sự khác biệt nhu cầu này.

Trong đó, bên cạnh chú trọng các giải pháp kích cầu tiêu thụ kịp thời và hiệu quả tại khu vực đô thị, như: đẩy nhanh thời gian đưa báo chí (đặc biệt là các báo ngày, tin nhanh...), liên kết tổ chức ngày hội báo, xây dựng các điểm bán báo chuyên nghiệp tại những nơi có nhu cầu cao trọng điểm (như: bệnh viện, bến xe, nhà ga...), cần quan tâm hơn nữa đến nhu cầu đọc báo của khu vực nông thôn, tránh tình trạng quá đặt trọng tâm vào điểm bưu điện văn hóa xã, vốn dĩ đang hoạt động ngày càng kém hiệu quả.

Các cơ quan chức năng liên quan cũng cần có động thái quan tâm hơn đối với các điểm đọc báo ở nông thôn hay đô thị và nỗ lực xây dựng mô hình mẫu để nhân rộng. Ngoài ra, việc kết hợp các điểm này với những mục tiêu khác, như tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức... cũng rất hữu ích. Trên hết, một cuộc nghiên cứu, khảo sát có quy mô về nhu cầu, văn hóa đọc báo có lẽ là không thừa.

Mai Nhân