.

Hàng năm triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức ở quy mô quốc gia, ngành và địa phương

Thứ Ba, 14/03/2017, 16:41 [GMT+7]
(QBĐT) - Ngày 14-3, Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá việc đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN chủ trì hội nghị.
 
Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình, đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có đồng chí Trần Văn Tuân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.
toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Năm 2015, Bộ Nội vụ đã chủ trì phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQVN, Hội Cựu chiến binh Việt Nam triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2015 (viết tắt là SIPAS).

Theo đó, có 6 thủ tục hành chính được chọn để triển khai SIPAS 2015 gồm: cấp giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và chứng thực. Đây là những lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính có liên quan mật thiết đến đời sống của người dân, được người dân và xã hội đặc biệt quan tâm.

Tính đến tháng 12-2016, có 4 bộ, ngành và 32 địa phương đã chủ động triển khai và công bố kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trong phạm vi ngành, địa phương. Phần lớn các bộ, ngành và địa phương áp dụng các phương thức như: phát phiếu khảo sát tới người dân, tổ chức; phát phiếu trực tiếp tại một điểm tập trung ở địa phương hoặc tại nhà; qua đường bưu điện, qua tin nhắn; phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại.

Qua kết quả thực hiện SIPAS 2015 do Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương MTTQVN, Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp triển khai đã thu về 11.873/15.120 phiếu khảo sát (chiếm 78,53%). Ở 6 thủ tục được chọn để triển khai, theo khảo sát, mức độ hài lòng về tiếp cận thông tin chiếm 73,7%-86,1%; về giải quyết thủ tục hành chính có 73,7%-89,8% số người hài lòng; về sự phục vụ của công chức có 74,3%-87,2% số người hài lòng. Ở 6 thủ tục, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tỷ lệ hài lòng thấp nhất và giấy đăng ký kết hôn có tỷ lệ hài lòng cao nhất.

Tuy nhiên, quá trình triển khai SIPAS 2015 vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: đối tượng điều tra xã hội học phong phú, đa dạng về nghề nghiệp, tuổi tác, trình độ... làm ảnh hưởng đến chất lượng trả lời khảo sát; người dân, tổ chức chưa có thói quen phản hồi khảo sát hoặc trả lời qua loa; lãnh đạo, công chức ở nhiều cơ quan, địa phương chưa nhận thức tầm quan trọng, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân nên chưa ủng hộ, hỗ trợ tích cực...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình đã ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương về việc triển khai đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thời gian qua, đồng thời chỉ rõ một số hạn chế như: khung pháp lý tiến hành đo lường, xác định chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính còn chưa hoàn thiện, nội dung thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa thống nhất; định mức chi cho cải cách thủ tục hành chính còn thấp...

Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và một số chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, xây dựng, phê duyệt đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước giai đoạn 2016-2020, trong đó chú ý nghiên cứu đề xuất chuẩn hóa các hình thức, công cụ hiệu quả để áp dụng, mở rộng các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực, ngành nghề, địa phương; trên cơ sở đề án đã phê duyệt Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương định kỳ hàng năm triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức ở quy mô quốc gia, ngành, địa phương để phát hiện kịp thời những tồn tại trong chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng phục vụ người dân; đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân thấy được vai trò, tầm quan trọng của đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước...

Đ.N