.

Lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với huyện Lệ Thủy

Thứ Ba, 02/08/2016, 08:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiều 1-8, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với huyện Lệ Thủy về tình hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên-môi trường. Đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và Huyện ủy, UBND huyện Lệ Thủy.

Toabuổi làm việc với huyện Lệ Thủy.
Đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với huyện Lệ Thủy.

Theo báo cáo của huyện Lệ Thủy, sản xuất nông-lâm-thủy sản năm nay tuy gặp một số khó khăn nhưng huyện đã tập trung chỉ đạo nhân dân chủ động sản xuất, gieo trồng đúng thời vụ, sử dụng bộ giống phù hợp. Nhờ vậy, vụ đông xuân tiếp tục được mùa, năng suất lúa bình quân đạt 65,9 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực vụ đông xuân đạt 67,825 tấn, tăng 682 tấn so với cùng kỳ; tỷ lệ đàn bò lai chiếm gần 40% tổng đàn bò và tổng đàn gia súc, gia cầm tăng so với cùng kỳ; đến nay đã trồng được 312 ha/700ha (theo kế hoạch) rừng tập trung, hơn 190.000 cây phân tán các loại; tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn 1,864ha, tăng 15,8% so với cùng kỳ, trong đó diện tích mô hình cá-lúa gần 1.160ha…

Về chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn huyện có 6 xã đạt chuẩn NTM; 5 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 9 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 6 xã đạt từ 5-9 tiêu chí và không có xã đạt dưới 5 tiêu chí. Riêng năm 2016, huyện phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM gồm: Tân Thủy, Dương Thủy và Phú Thủy.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM như: diện tích lúa tái sinh còn cao nên mức độ áp dụng cơ giới hóa đạt thấp; diện tích lúa thực hiện cánh đồng mẫu lớn, canh tác theo phương pháp cải tiến đạt thấp so với tổng diện tích lúa vụ đông xuân; các mô hình sản xuất có hiệu quả mới dừng ở quy mô nhỏ, ít được nhân rộng; các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng còn diễn biến phức tạp; chương trình NTM gặp khó khăn do việc huy động các nguồn vốn; tiến độ xây dựng một số công trình của 3 xã phấn đấu đạt NTM trong năm 2016 còn chậm; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn hạn chế và thiếu kịp thời; đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai giải quyết còn chậm…

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã thảo luận và tham gia một số ý kiến nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM, cụ thể: hạn chế diện tích lúa tái sinh trong thời gian tới; tập trung chuyển đổi mạnh diện tích lúa kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; tăng cường công tác giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số; quản lý diện tích rừng thuộc địa phận giáp ranh giữa tỉnh Quảng Trị và huyện Lệ Thủy…

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh một số vấn đề huyện Lệ Thủy cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới, đó là: tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác; xây dựng các mô hình sản xuất nông trại, gia trại theo hướng công nghiệp, đồng thời quan tâm bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; ưu tiên công tác giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng phát triển bền vững; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM trong năm 2016 nhưng bảo đảm không huy động quá sức dân; khắc phục các hạn chế và giải quyết dứt điểm các tồn đọng về lĩnh vực đất đai trên địa bàn; tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tài nguyên-môi trường.

Riêng đối với các đề xuất, kiến nghị của Lệ Thủy, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan để có giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

N.L