.

Đột phá trong xã hội hóa thể dục thể thao

Thứ Ba, 28/03/2017, 09:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Hoạt động xã hội hóa TDTT được xem là cứu cánh cho bài toán thiếu kinh phí từ nguồn ngân sách dành cho TDTT. Trong thời điểm các địa phương, ban, ngành, đơn vị đang hướng tới mùa đại hội TDTT cơ sở, Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VIII (2017- 2018), vấn đề này càng được quan tâm.

Một thực tế diễn ra ở khá nhiều địa phương trong toàn tỉnh, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa là thiếu kinh phí để tổ chức các giải thể thao phong trào quần chúng. Mức giải thưởng hạn hẹp khó động viên khích lệ VĐV tham gia. Theo nhận xét của các chuyên gia thể thao, tính sơ bộ mỗi năm phải cần tới hàng tỷ đồng mới có thể tổ chức các giải thể thao phong trào cấp tỉnh, trong khi đó kinh phí ngân sách mới đủ giải quyết được 30%. Nếu không phát huy sức mạnh từ xã hội hóa, phong trào TDTT sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, sân bãi, thiết chế dành cho hoạt động TDTT quần chúng đang ở mức khiêm tốn. Nhiều nơi còn bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai khắc nghiệt, mức sống bà con nhân dân còn thấp.

Đáng mừng là vượt lên những khó khăn, thiếu thốn, nhiều địa phương đã năng động sáng tạo, huy động nguồn lực từ xã hội hóa để tổ chức thành công nhiều giải thể thao có tiếng vang lớn. Mỗi địa phương có một giải pháp riêng để tìm ra lời giải cho bài toán thiếu nguồn kinh phí. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Nam Long, Phó Giám đốc Trung tâm TDTT tỉnh cho biết: Hiện nay có rất nhiều sự đổi mới trong nhận thức xã hội hóa thể thao ở tỉnh ta. Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị, ban, ngành, doanh nghiệp đã mặn mà với công tác xã hội hóa TDTT. Vì vậy có một số giải phong trào đã có đơn vị lo tới gần 70 % kinh phí. Có thể kể đến như: Công ty TNHH Phú Ninh đảm nhận phần lớn kinh phí cho một giải quần vợt quy mô cấp tỉnh, Chi nhánh ngân hàng Sacombank duy trì thường xuyên giải Việt dã truyền thống, Công ty TNHH TM và XD Tấn Phát SPORT dành hàng trăm triệu đồng tài trợ cho các giải thể thao phong trào trong tỉnh, gồm cúp vô địch, áo quần, dụng cụ thi đấu thể thao...

Giải đua thuyền truyền thống toàn tỉnh mở rộng 2016 - một giải thể thao mang tính xã hội hóa cao.
Giải đua thuyền truyền thống toàn tỉnh mở rộng 2016 - một giải thể thao mang tính xã hội hóa cao.

Điển hình cho công tác xã hội hóa TDTT cấp huyện là Lệ Thủy với lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Anh Nguyễn Trần Đức, Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Lệ Thủy nhận xét: “Đã trở thành truyền thống, mỗi dịp huyện Lệ Thủy tổ chức lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang, toàn thể cán bộ, nhân dân huyện Lệ Thủy đang sinh sống, công tác trên  khắp mọi miền quê của cả nước, kiều bào ở nước ngoài đều dành cho lễ hội tình cảm đặc biệt. Không ai bảo ai, người dân tự nguyện đóng góp để lễ hội đua thuyền thành công. Nhiều thôn, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa TDTT, bà con huy động được hàng trăm triệu đồng để tổ chức đò bơi, thuyền bơi. Nhờ vậy, những năm tổ chức giải lớn, con số đóng góp cho lễ hội lên tới hàng tỷ đồng. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách, lễ hội đua thuyền truyền thống sẽ rất khó tổ chức”. Xã hội hóa TDTT không chỉ nhìn đơn thuần ở góc độ hỗ trợ kinh phí, đó còn là sự quan tâm, động viên, sự tham gia đông đảo có trách nhiệm của nguồn lực con người, vận động viên, cổ động viên. Đứng về khía cạnh này, hiếm có một giải thể thao nào trong tỉnh ta có thể so sánh với lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy. Đúng như nhà báo Hoài Sơn, bình luận viên thể thao nổi tiếng đã từng nhận xét: “Chứng kiến giải đua thuyền truyền thống của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi thấy ngoài sự hấp dẫn, tưng bừng, còn có sự hoành tráng, tính chuyên nghiệp cao và sự nhiệt tình của đội ngũ cổ động viên”.

Một địa phương khác là thị xã Ba Đồn, trong thời gian gần đây, đã có nhiều tiến bộ trong hoạt động xã hội hóa thể thao. Anh Nguyễn Duy Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm TDTT thị xã Ba Đồn cho biết: “Cấp ủy Đảng, chính quyền thị xã Ba Đồn luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xã hội hóa thể thao. Thực tế cho thấy, trên địa bàn thị xã, chỉ có những địa phương năng động sáng tạo, biết huy động nguồn lực xã hội hóa mới có thể tổ chức được giải thể thao. Các mạnh thường quân tiêu biểu như: Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Bia Hà Nội, Công ty Truyền thông Phú Mạnh cùng nhiều nhà hảo tâm khác. Nhờ vậy, phong trào TDTT quần chúng của thị xã Ba Đồn ngày càng khởi sắc. Dự kiến tại Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VIII sắp diễn ra, thị xã Ba Đồn sẽ tham gia nhiều môn thể thao thành tích cao. Nếu được tỉnh cho phép, thị xã Ba Đồn sẽ đăng cai tổ chức giải bóng đá mini trong chương trình đại hội.

Cúp xe đạp người cao tuổi thành phố Đồng Hới – một mô hình mới về xã hội hóa thể thao.
Cúp xe đạp người cao tuổi thành phố Đồng Hới – một mô hình mới về xã hội hóa thể thao.

Vấn đề xã hội hóa TDTT đang có những bước tiến mới ngay cả ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ngay như huyện Tuyên Hóa, vẫn có những cách làm sáng tạo, huy động sức dân cho các giải thể thao lớn. Tiêu biểu tại giải đua thuyền truyền thống mở rộng năm 2016, huyện Tuyên Hóa đã huy động được hàng trăm triệu đồng lo kinh phí mua sắm thuyền đua, chăm lo bồi dưỡng cho các VĐV tham gia, và có cả nguồn kinh phí để khen thưởng kịp thời khi đoàn VĐV giành được thành tích xuất sắc.

Trong không khí hào hứng sôi nổi, Đại hội TDTT cơ sở đang diễn ra khắp nơi hướng đến Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VIII, năm 2017- 2018, Ban chỉ đạo Đại hội TDTT toàn tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo cụ thể cho các địa phương, đơn vị, ban ngành quán triệt tinh thần: trước đại hội, các địa phương, đơn vị cần phải tiến hành phát động và tổ chức phong trào: “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nhằm huy động các nguồn lực để tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi, bồi dưỡng lực lượng VĐV tham gia thi đấu, tổ chức các hoạt động trong Đại hội TDTT các cấp trên địa bàn toàn tỉnh.

Phan Hòa