.

"Cháy đến kiệt cùng giọt sáp long lanh"

Thứ Sáu, 12/02/2016, 23:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi hỏi: “Nếu viết rằng em từng có một tuổi thơ khó nhọc, từng đi vớt rong, lùa vịt, em có thấy ngại với bạn bè và những người yêu mến mình không?”. Em trả lời nhẹ tênh: “có gì phải ngại hả chị khi mà nhờ có tuổi thơ như thế nên em mới được như ngày hôm nay”.

Cô bé tuổi 15 Ngô Thị Ngọc Quỳnh.
Cô bé tuổi 15 Ngô Thị Ngọc Quỳnh.

Khi có ý định viết về VĐV Bơi lội Ngô Thị Ngọc Quỳnh-cô bé “vượt mặt” kình ngư Ánh Viên ở nội dung bơi ếch 50 m - giải Bơi vô địch Quốc gia năm 2015, tôi khá e dè. Vì với độ tuổi của em, đôi khi những lời ca tụng có thể khiến Quỳnh “ngủ quên trên chiến thắng” mà sự nghiệp thể thao của em mới chỉ bắt đầu.

Nhưng cách nói chuyện già dặn, chính chắn của Quỳnh đủ thấy em có một nghị lực, sự quyết tâm mà ít cô, cậu bé ở tuổi 15 nào có được và khó bề đổi dời. Quỳnh già dặn, Quỳnh sâu sắc, dù nhìn khuôn mặt em vẫn còn ngây thơ, non nớt lắm và vẫn “mít ướt” thường xuyên những lúc nhớ nhà.

Cũng phải, bởi em xa gia đình và bắt đầu cuộc sống từ lập từ năm 11 tuổi. Bốn năm không có người thân ở bên, rồi vào Nam, ra Bắc, sang nước ngoài tập huấn, quãng thời gian ấy đủ sức mài dũa ý chí, sự quyết tâm cho một cô bé cá tính và mạnh mẽ sẵn có như Quỳnh.

Trong câu chuyện một buổi sáng cuối tuần, Quỳnh hồn nhiên chia sẻ với chúng tôi kỷ niệm về những năm tháng tuổi thơ êm đềm bên dòng sông Son. Em bảo, 5 tuổi em đã được ba-vốn là một thợ lặn-tập bơi, tập lặn.

Rồi những ngày sau đó, vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, cô bé đã biết phụ ba mẹ chăn một đàn vịt nhỏ. Em đã bắt đầu thể hiện năng khiếu bơi lội của mình trong những lần bơi ra sông lùa vịt hay lặn sông vớt rong. Học hết lớp 5, cô bé được gọi vào tập huấn ở Trung tâm Thể dục-Thể thao Quảng Bình.

Vậy là cuộc sống của Quỳnh bước sang trang mới. Buổi ban đầu, em còn háo hức lắm khi được đặt chân đến Đồng Hới-vùng đất rộn ràng hơn nhiều so với vùng Trằm Mé (Sơn Trạch, Bố Trạch) quê em. Nhưng niềm vui con trẻ dần thay thế bằng nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ cả con sông Son ngày ngày tắm mát.

Từ vòng tay bao bọc của bố mẹ, giờ đây, Quỳnh phải tự lập trong tất cả mọi sinh hoạt. “Nhiều khi em buồn và nản lắm chị, cứ muốn về nhà với mẹ thôi nhưng nhờ có sự động viên, quan tâm từ các thầy ở Trung tâm nên em cũng tập quen dần”, Quỳnh nhớ lại.

Và rồi, dẫu nỗi nhớ nhà vẫn luôn luôn thường trực, nhưng cô bé lớn lên bên dòng sông Son Ngô Thị Ngọc Quỳnh đã nỗ lực hết mình, chăm chỉ tập luyện với một quyết tâm duy nhất: mang thành tích về cho đoàn thể thao tỉnh nhà. Đến giờ, bảng vàng thành tích của em ngày càng dày thêm với hàng loạt các huy chương “thu hoạch” được từ những giải đấu trong và ngoài nước.

Bộ sưu tập huy chương của Ngọc Quỳnh tại Giải Bơi vô địch Quốc gia.
Bộ sưu tập huy chương của Ngọc Quỳnh tại Giải Bơi vô địch Quốc gia.

Sau hai năm tập luyện ở TP.Đồng Hới, Quỳnh được lãnh đạo môn bơi Quảng Bình quyết định gửi vào TP. Hồ Chí Minh để có điều kiện đào tạo tốt hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, Quỳnh bất ngờ được gọi vào Đội tuyển Quốc gia để chuẩn bị tham dự SEA Games 27.

Dù SEA Games năm đó cô bé Ngọc Quỳnh chưa đạt được huy chương nào nhưng em đã ghi dấu ấn là VĐV trẻ tuổi nhất lịch sử tham dự các kỳ SEA Games của Đoàn thể thao Việt Nam. Với Quỳnh, đó là cơ hội tốt để được cọ xát, được học hỏi kinh nghiệm và được thử sức mình trong một sân chơi lớn. Với nhiều người, đó là niềm ước mơ lớn lao mà không phải ai cũng có thể chạm tay tới.

Và rồi, sự nỗ lực của cô bé đã được đền đáp khi trung tuần tháng 10-2015, tại giải Bơi VĐQG, Ngô Thị Ngọc Quỳnh đã giành HCV nội dung 50m bơi ếch. Thành tích của Ngọc Quỳnh ở nội dung này là 33 giây 55, nhanh hơn Ánh Viên tới 0,07 giây, giúp kình ngư của mảnh đất gió Lào, cát trắng Quảng Bình giành HCV một cách đầy thuyết phục.

Chia sẻ về thành tích này của mình, cô bé khiêm tốn: “Trên đường đua, em luôn nghĩ mình phải cố gắng hết sức có thể để mang huy chương về cho Quảng Bình. Chiến thắng này cũng khiến em bất ngờ vì thực sự em chỉ may mắn thôi chị ạ, chứ chị Ánh Viên vẫn luôn là tấm gương khiến chúng em nể phục và ao ước vươn tới”.

Sau những giải đấu căng thẳng, cô bé Ngô Thị Ngọc Quỳnh lại tiếp tục những ngày tháng vừa tập luyện vừa theo học chương trình bổ túc văn hóa. Hiện Quỳnh đang được Trung tâm Thể dục-Thể thao Quảng Bình gửi tập luyện tại Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu (thành phố Hồ Chí Minh). Một ngày của Quỳnh khá bận rộn với lịch tập luyện và lịch học dày đặc. Mỗi tuần em chỉ được nghỉ một ngày và mỗi năm cũng chỉ về thăm nhà một lần vào dịp Tết Nguyên đán.

Thời gian và khoảng cách luôn thử thách lòng người, với Quỳnh, điều đó càng đúng hơn khi càng nhớ nhà, càng vất vả, cô bé càng có động lực để vươn lên. Vì yêu thích, Quỳnh đã chọn thể thao làm cái nghiệp và theo đuổi nó đến cùng. Với cô bé 15 tuổi này, được bơi lội, được vẫy vùng trên đường đua xanh là niềm đam mê đã ăn sâu vào máu thịt.

 Ngọc Quỳnh (áo đỏ, đeo kính) với các VĐV đang tập luyện tại Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu
Ngọc Quỳnh (áo đỏ, đeo kính) với các VĐV đang tập luyện tại Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu.

Trong câu chuyện của mình, chúng tôi hiểu, cô kình ngư nhỏ tuổi đã và đang nỗ lực, cố gắng nhiều lắm, cũng giống như cái cách mà bố em-ông Ngô Thiên đã từng nói với chúng tôi: “Nhiều lúc cũng nhớ và thương con nhiều, nhất là những khi cháu đau ốm không có gia đình ở bên nhưng chỉ sợ con không yêu thích chứ một khi bé Quỳnh đam mê như thế thì dù vất vả, gia đình vẫn động viên bé cố gắng”. 

Những thành tích mà cô bé Ngô Thị Ngọc Quỳnh đạt được cũng mới chỉ bắt đầu và em còn cả một chặng đường dài phía trước để bước đi. Những trải nghiệm trong bốn năm xa nhà đủ để cho cô bé ấy hiểu rằng nghề thể thao cũng lắm chênh vênh, “lên đỉnh nghiệp, xuống đáy đời” là chuyện bình thường. Hôm nay tỏa sáng trên đỉnh cao của sự nghiệp nhưng nay mai giải nghệ, có thể phải chật vật với cuộc mưu sinh.

Nhưng Quỳnh khẳng định chắc nịch rằng đến khi nào còn được thi đấu thì em còn nỗ lực hết mình vì màu cờ, sắc áo, vì quê hương và vì những ai đã luôn tin tưởng, yêu mến em. Quyết tâm của cô bé VĐV 15 tuổi này khiến chúng tôi nhớ tới một câu thơ: “Ta muốn đốt tim ta thành ngọn lửa/ Cháy đến kiệt cùng giọt sáp long lanh”. Cuộc đời còn dài phía trước. Vẫn tin rằng, một khi cô bé biết nỗ lực và đam mê đến kiệt cùng, thì cuộc đời sẽ không phụ công em.

Diệu Hương