.

Hiệu quả của y học cổ truyền trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Thứ Hai, 21/08/2017, 16:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là một bệnh lý tự miễn điển hình, chủ yếu ở nữ giới, diễn biến mạn tính với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau. Đây là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh về khớp.

Ơ  Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 0,5% trong cộng đồng và chiếm 20% số bệnh nhân nằm điều trị tại các bệnh viện. Bệnh gặp ở khắp nơi trên thế giới, chiếm 0,5-3% dân số toàn cầu, trong đó 70-80% là nữ giới và 60-70% có tuổi trên 30. Bệnh diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề, do đó, cần được điều trị tích cực ngay từ đầu bằng các biện pháp điều trị hữu hiệu để làm ngưng hay làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế tàn phế và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Theo quan niệm của y học cổ truyền (YHCT), VKDT là một trong những căn bệnh thuộc chứng Tý. Tý đồng âm với bí, tức bế tắc, không thông. Tý vừa được dùng để diễn tả biểu hiện của bệnh, như: tình trạng đau, tê, mỏi, nặng, sưng, nhức, buốt... ở da thịt, khớp xương, vừa được dùng để diễn tả tình trạng bệnh sinh là sự bế tắc không thông của kinh lạc, khí huyết. Nguyên nhân chủ yếu do 2 nhóm chính là ngoại cảm và nội thương. Trong đó, nhóm ngoại cảm đơn thuần do 3 thứ tà khí phong, hàn, thấp lẫn lộn đến xâm nhập vào cơ thể. Các tà khí này gây rối loạn sự vận hành khí huyết, làm cho khí huyết bế tắc, lưu thông không điều hòa mà sinh bệnh. Các tà khí này lại bị tắc lưu lại ở kinh lạc hoặc tạng phủ gây sưng, đau, nhức, tê buồn, nặng, mỏi ở một vùng cơ thể hay các khớp xương. Nhóm ngoại cảm phối hợp với nội thương gây bệnh: điều kiện để 3 khí tà phong, hàn, thấp gây bệnh được là cơ thể có vệ khí suy yếu, hoặc có sẵn khí huyết hư, hoặc tuổi già có can thận hư suy.

Châm cứu kết hợp thuốc nam mang lại hiệu quả cao trong điều trị các bệnh lý về xương khớp cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.
Châm cứu kết hợp thuốc nam mang lại hiệu quả cao trong điều trị các bệnh lý về xương khớp cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

Ngoài ra, điều kiện thuận lợi để 3 tà khí xâm nhập gây bệnh cho cả 2 thể loại trên là do sống và làm việc trong môi trường ẩm thấp, ngâm tẩm thường xuyên dưới nước, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, làm việc mệt nhọc lại bị mưa rét thường xuyên nên dễ mắc bệnh.

Sử dụng các bài thuốc Nam và châm cứu trong điều trị bệnh VKDT được minh chứng là rất hiệu quả. Người bệnh có thể sử dụng các bài thuốc sau: cây vương tôn 30 gam, cây máu chó 25 gam, cây dâu rừng 20 gam; hoặc: cây đỏ ngọn 30 gam, cây dâu rừng 18 gam, cây vương tôn 45 gam, cây cỏ xước 12 gam, cây máu chó 20 gam; hay: vương tôn 50 gam, cây dâu rừng 20 gam, cây máu chó 15 gam, tầm gửi cây ngái 20 gam, rễ cỏ đuôi ngựa 15 gam. Cách dùng: ngày một thang sắc uống 2 lần vào lúc 9 giờ và 16 giờ.

Tác dụng của các bài thuốc: khu phong, thanh nhiệt, trừ thấp, tán hàn, kèm hành khí hoạt huyết, tức thuốc có tác dụng làm giảm đau nhức, làm nhỏ chu vi các khớp bị viêm, chống cứng khớp, phục hồi chức năng vận động khớp, tăng cường kiện cơ trong chữa bệnh VKDT. Tùy theo mức độ và giai đoạn của bệnh mà bác sỹ chuyên ngành YHCT khám bệnh và đưa ra phác đồ điều trị theo thời gian nhất định.

Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc Nam, người bệnh cần phải lưu ý cần phải chọn đúng loại cây thuốc, tránh nhầm lẫn tai hại. Các loại cây thuốc này sau khi lấy về phải được hỏa chế theo quy luật âm - dương rồi mới được đem ra sử dụng.

Để đạt được hiệu quả cao trong điều trị, bác sỹ YHCT sẽ cho người bệnh uống thuốc Nam, kết hợp với châm cứu với các hình thức, như: châm cứu tại chỗ ở các huyệt khớp sưng hoặc tại huyệt lân cận các khớp sưng đau. Hoặc châm cứu toàn thân ở các huyệt Hợp cốc, Phong môn, Phong trì, Huyết hải, Túc tam lý, Cách du, Đại chùy...

Ngoài ra, người bệnh cần được thực hiện các biện pháp xoa bóp tại các khớp bằng các thủ thuật ấn, day, lăn, véo các khớp và cơ quanh khớp và tập vận động khớp theo các tư thế cơ năng từng bước, động viên bệnh nhân chịu đựng và tập vận động tăng dần.

Người bệnh cần đến các cơ sở y tế hoặc các phòng chẩn trị Đông y có kinh nghiệm để được các bác sĩ thăm khám điều trị, nhằm tránh các biến chứng do bệnh VKDT gây nên.

Bác sỹ Trần Ngọc Quế
(Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh)