.

Niềm vui trở lại

Thứ Năm, 01/12/2016, 09:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Chúng tôi gặp em tại phòng khám vào một buổi sáng mùa thu se lạnh, hôm ấy em được nghỉ học, đi cùng với người nhà vào nhận thuốc định kỳ tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Em là N.N.Q sinh ra và lớn lên ở Trung Trạch (Bố Trạch). Nhìn khuôn mặt em xinh tươi, nụ cười luôn nở trên môi, không ai có thể biết rằng Q. đã mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS đã 12 năm nay.

Q mồ côi bố lúc em mới lên 5. Tròn 10 tuổi, mẹ cũng bỏ em mà đi. Kể từ đó đến nay, em sống nhờ vào tình yêu thương và sự chăm sóc của người dì. Bố Q. bị nhiễm HIV hồi còn thanh niên. Đó là kết quả của những ngày người đàn ông này đi đào vàng tận Thanh Hóa, rồi rơi vào ăn chơi, tiêm chích ma túy. Một năm sau ngày bố mẹ kết hôn, Q. ra đời trong vỡ òa niềm vui của hai bên gia đình. Năm 2009, bố mất, mẹ em đến trung tâm y tế làm xét nghiệm, mới biết mình bị lây nhiễm HIV từ chồng. Sợ bị phân biệt đối xử, chị đã giấu bệnh rồi tự mình nén chặt nỗi đau vào trong. Mãi đến lúc cơ thể suy giảm miễn dịch nặng, năm 2014, mẹ Q. mới tìm đến Trung tâm phòng, chống HIV tỉnh để được tư vấn và điều trị. Vì sức khỏe quá suy kiệt, người phụ nữ ấy đã ra đi sau 5 tháng điều trị thuốc kháng vi rút (ARV). Đau đớn hơn khi sau ngày mẹ mất, Q. được người dì dẫn đi xét nghiệm thì được biết, bản thân em đã mắc căn bệnh thế kỷ. Đó là nỗi đau quá lớn đối với một đứa trẻ mới lên 10, nhận thức còn quá non nớt về chính căn bệnh quái ác mà mình đang mắc phải.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, người dì của em luôn chan hòa nước mắt. Chị thương cho đứa cháu còn quá ngây thơ đã phải đối diện với bao nghiệt ngã của số phận và thách thức của cuộc đời. Chị nói: “Từ khi bố mẹ lần lượt ra đi, Q. ít nói hẳn. Cháu buồn và khóc nhiều hơn. Chúng tôi gặng hỏi mãi mới biết, thì ra, ở lớp, Q. bị bạn bè bắt nạt, dọa đánh khi biết rằng Q. là con của người nhiễm HIV. Nhất là khi biết cháu cũng bị mắc bệnh, bạn bè không trò chuyện, không cho ngồi cùng và cũng không cho cháu đi chung”. Sau nhiều lần như thế, Q về cứ thắc mắc với dì về căn bệnh HIV. Những câu hỏi dồn dập của em cứ làm trái tim của những người thân yêu nhức nhối: “HIV là gì? Vì sao bố mẹ cháu chết? Cháu bị nhiễm HIV là do bố mẹ cháu phải không? Cháu cũng sẽ chết phải không?”. Biết không thể giấu mãi, chị buộc lòng giải thích cho Q. mọi chuyện, về căn bệnh quái ác đã cướp đi ba mẹ và gieo rắc nỗi đau lên chính bản thân em. Cô bé lên 10 ấy buồn và khóc nhiều lắm!

Thời gian qua đi, nhà trường và thầy cô giáo thương cho hoàn cảnh của em, luôn bảo ban các bạn phải biết chia sẻ, quan tâm đến Q. Không còn những ánh mắt xoi mói, những lời nói ác ý của chúng bạn, Q. bắt đầu hòa nhập trong chính vòng tay yêu thương của thầy cô, bè bạn. Qua thời gian, nỗi đau đã dần lắng lại, giờ đây, em không còn khóc thầm một mình mỗi buổi tan trường về. Cô bé Q. cũng không còn rụt rè, nhụt nhát và sống thu mình lại như thuở trước. “Chúng tôi biết, cháu trở nên vui vẻ, lạc quan như hôm nay thì ngoài sự động viên của gia đình, các cô, chú ở Trung tâm phòng, chống HIV đã chăm sóc, tận tình hỗ trợ cháu trong việc uống thuốc ARV mỗi ngày. Cháu còn được theo dõi sức khỏe, thăm khám định kỳ, nên sức khỏe cháu nay đã khỏe hơn nhiều, không còn đau ốm như trước nữa”, người dì của em nói trong nghẹn ngào niềm vui.

Nhìn nét hồn nhiên, trong sáng trong ánh mắt của cô bé nhiều bất hạnh ấy, không ai nghĩ em đang phải gánh gồng một nỗi đau quá lớn. Vượt qua những mặc cảm, Q. đã vui vẻ trở lại, em đã biết làm thơ. Nỗi nhớ ba mẹ ngập tràn trong những câu thơ em viết. Lần nào đến khám và nhận thuốc, chúng tôi lại được dịp nghe em hát, nghe em đọc thơ. Những câu thơ chứa chan tình cảm và ấm áp niềm tin. Em bảo, em muốn thành ca sỹ, muốn được sáng tác thơ văn để được đi nhiều nơi, được gặp nhiều người và được làm những điều mình mơ ước. Có lẽ, niềm lạc quan, yêu đời bên trong tâm hồn của cô bé ấy mãnh liệt và tràn trề hơn những người bình thường khác. Và em, tựa như chú chim sơn ca bé nhỏ, vẫn bền bỉ hát giữa ngày giông bão.  

Cứ nhìn em, chúng tôi - những người ngày ngày tiếp xúc với bao số phận bất hạnh đang đối diện với căn bệnh thế kỷ lại trăn trở nhiều điều. Q. là một trong những đứa trẻ phải gánh chịu hậu quả tất yếu của căn bệnh HIV/AIDS, khi mẹ em không được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Những đứa trẻ như em cần lắm sự đồng cảm, sự sẻ chia, động viên của cả cộng đồng, để bình yên sẽ mãi bên em!

Lan Hường
(Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh)