.

Tăng cường công tác tuyên truyền trong phòng, chống HIV/AIDS

Thứ Năm, 01/12/2016, 09:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 (từ 10-11 đến 10-12) với chủ đề: “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam” và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1-12, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Anh Đông, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV tỉnh về những nội dung liên quan đến chủ đề này cùng những định hướng của Trung tâm đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

- P.V: Xin bác sĩ cho biết những nét cơ bản về tình hình lây nhiễm HIV và công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh?

- Bs Nguyễn Anh Đông: Những năm gần đây, tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh ta diễn biến khá phức tạp. Đến nay, Quảng Bình đã có 8/8 huyện, thị xã, thành phố, 104/159 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS. Gần 65% số người nhiễm HIV tập trung ở độ tuổi từ 25 – 39 tuổi. Trong đó, số ca lây nhiễm qua đường tình dục chiếm đến 78%. Nhiễm HIV/AIDS được phát hiện trong các trại giam, trại tạm giam có xu hướng gia tăng. Trong 9 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh phát hiện thêm 24 trường hợp nhiễm HIV, 11 bệnh nhân tử vong. Ngày càng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ dịch HIV đang lan rộng ra cộng đồng dân cư. Ở các vùng nông thôn, miền núi, dịch không có xu hướng tăng nhanh, nhưng vẫn chứa đựng các yếu tố nguy cơ làm bùng phát dịch nếu không triển khai các biện pháp can thiệp kịp thời và có hiệu quả.
Trước tình hình đó, Trung tâm Phòng, chống HIV cùng ngành Y tế đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, nhất là hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt chú trọng các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi cho các đối tượng có nguy cơ cao, như: phối hợp Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tư vấn trực tiếp tại cộng đồng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về xét nghiệm HIV, triển khai phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư năm 2016...

Bên cạnh đó, các chương trình can thiệp giảm tác hại và dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV như: tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị thuốc kháng vi rút cho người nhiễm HIV, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cũng được đẩy mạnh. Chương trình đã cấp phát hàng trăm ngàn bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao tại cộng đồng...

Cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh khám cho bệnh nhân điều trị Methadone.
Cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh khám cho bệnh nhân điều trị Methadone.

- P.V: Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 là “Hướng tới mục tiêu 90 – 90 – 90 để kết thúc dịch HIV/AIDS”. Bác sỹ có thể nói rõ hơn về mục tiêu này?

- Bác sỹ Nguyễn Anh Đông: Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 ở cấp độ toàn cầu, nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Việt Nam đã cam kết hướng ứng mục tiêu này từ năm 2014 và đây là mục tiêu quan trọng, do vậy năm 2016, Việt Nam tiếp tục tập trung vào chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”.

- P.V: Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã đạt được những kết quả gì, thưa bác sỹ?

- Bs Nguyễn Anh Đông: Sau một thời gian triển khai, chương trình đã mang lại kết quả khả quan khi có những bệnh nhân sau khi làm kết quả xét nghiệm đã không còn dương tính với heroin, phần lớn bệnh nhân đã giảm tần suất sử dụng ma túy cải thiện về mặt sức khỏe, gần 60% bệnh nhân tăng cân sau 6 tháng điều trị, chất lượng cuộc sống và quan hệ cộng đồng của bệnh nhân cũng được tăng so với trước khi tham gia điều trị. Tính đến tháng 9-2016, lũy tích bệnh nhân đăng ký tham gia điều trị là 442 lượt người. Chương trình điều trị còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ gia đình bệnh nhân và cộng đồng, do đó việc phối hợp với cán bộ y tế tại cơ sở điều trị có nhiều thuận lợi, các gia đình có bệnh nhân điều trị tại cơ sở đều tin tưởng, phấn khởi sau khi con em được điều trị Methadone hàng ngày tại trung tâm.

- P.V: Xin bác sỹ cho biết những khó khăn mà công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh ta đang gặp phải? Và khắc phục những khó khăn trên, trong thời gian tới, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh ta có những định hướng gì, thưa bác sỹ?

- Bác sỹ Nguyễn Anh Đông: Khó khăn nhất vẫn là nhận thức của nhân dân về phòng, chống HIV/AIDS mặc dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng thay đổi hành vi chưa có tính bền vững. Sự phân biệt, kỳ thị đối người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn khá lớn. Điều đó càng khiến những người bị nhiễm căn bệnh này vốn đã bi quan lại càng thêm mặc cảm, thậm chí có trường hợp còn giấu bệnh. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể chưa thực sự quan tâm chỉ đạo và chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Khó khăn nữa là trong năm 2017, những nguồn kinh phí cho công tác này sẽ bị cắt hoàn toàn. Đây là những thách thức không nhỏ đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Tại tỉnh ta, phần lớn những người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS đều có cuộc sống hết sức khó khăn. Trước đây, nguồn thuốc điều trị cho họ phần lớn sử dụng từ viện trợ của các dự án quốc tế và các chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Thế nhưng, thời gian tới, khi kinh phí viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị cắt, người bệnh sẽ phải đối diện với việc thiếu khả năng chi trả cho những xét nghiệm chẩn đoán cơ bản trong điều trị, trong khi đó, tỷ lệ người bệnh có BHYT còn rất thấp. Thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động họ mua BHYT và vận động cho bệnh nhân hiểu rằng khi tham gia BHYT sẽ  được giữ bí mật thông tin cá nhân.

Nguồn kinh phí viện trợ bị cắt giảm cũng ảnh hưởng đến các công tác khác như cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí cho các đối tượng nguy cơ cao như gái mại dâm, nghiện ma túy bị thu hẹp; người nhiễm HIV không đủ chi phí sẽ bỏ điều trị ARV, người nghiện chích ma túy sẽ khó tiếp cận với chương trình điều trị Methadone. Vì vậy, công tác chính thời gian tới của trung tâm vẫn sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động cho bệnh nhân hiểu được hiệu quả của việc điều trị Methadone, đồng thời mở thêm các điểm điều trị tại cơ sở để thuận lợi hơn cho bệnh nhân.

- P.V: Xin cảm ơn bác sỹ!

Diệu Hương (thực hiện)