.

Trạm y tế xã trước lộ trình thực hiện phòng khám bác sĩ gia đình

Thứ Bảy, 08/10/2016, 20:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện khám chữa bệnh ban đầu cho người dân trên địa bàn, nhưng hệ thống các trạm y tế xã hiện nay đều gặp phải khó khăn là thiếu thốn cơ sở vật chất và nhân lực. Đây là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh, niềm tin của người dân và lộ trình thực hiện phòng khám bác sĩ gia đình của các trạm y tế xã.

Cơ sở vật chất, nhân lực thiếu

Hiện nay, theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trạm y tế xã là một trong 19 tiêu chí quan trọng để các địa phương cán đích nông thôn mới. Chính vì vậy, đa số các trạm y tế xã hiện đều được các địa phương quan tâm, xây dựng tương đối khang trang, rộng rãi.

Tuy nhiên, mặc dù cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây mới nhưng bên trong nhiều trạm y tế xã, điều kiện cơ sở vật chất vẫn còn nhiều thiếu thốn. Tại một số trạm, do thiếu các trang thiết bị thiết yếu nên vẫn chưa đáp ứng được việc khám, chữa bệnh thông thường hàng ngày của người dân.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Hồ Thị Nguyệt, Trạm trưởng trạm y tế xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) cho biết: Hiện tại cơ sở vật chất của trạm còn thiếu thốn rất nhiều. Những thiết bị cần thiết phải có như máy siêu âm, máy sinh hóa, máy xét nghiệm đường huyết và xét nghiệm máu thì trạm vẫn chưa được trang bị. Đây là một hạn chế lớn khiến cho việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân của Trạm y tế xã Thanh Thủy không thể đáp ứng được yêu cầu.

Đối với những trạm y tế xã thuộc vùng khó khăn được ưu tiên đầu tư hơn thì cơ sở vật chất lại rơi vào tình trạng có nhưng lại kém chất lượng. Tại xã Hải Ninh, một xã miền biển nghèo, dân số tương đối đông lại cách xa bệnh viện tuyến huyện thì trạm y tế xã đóng vai trò quan trọng trong việc khám, chữa bệnh và sơ cứu ban đầu cho người dân mỗi khi bị bệnh hay tai nạn.

Thế nhưng, chị Nguyễn Thị Nhị, Phó trạm y tế xã cho biết: Dù cơ sở vật chất của trạm được trang bị tương đối đầy đủ bao gồm máy siêu âm, máy xét nghiệm nước tiểu, máy xét nghiệm đường huyết... nhưng chất lượng lại rất kém. Máy siêu âm đen trắng đã qua sử dụng quá lâu nên xuống cấp và chất lượng cũng không chính xác. Vì vậy mà máy siêu âm này hầu như không còn sử dụng được.

 Do hạn chế về cơ sở vật chất và nhân lực nên nhiều trạm y tế xã không thu hút được người dân đến khám, chữa bệnh.
Do hạn chế về cơ sở vật chất và nhân lực nên nhiều trạm y tế xã không thu hút được người dân đến khám, chữa bệnh.

Không chỉ cơ sở vật chất thiếu, không bảo đảm chất lượng mà tình trạng thiếu nhân lực cũng đang xảy ra ở nhiều trạm. Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi trạm y tế xã phải có một bác sĩ làm việc thường xuyên tại trạm hoặc làm việc định kỳ tại trạm từ 3 ngày/ tuần trở lên nhưng nhiều trạm y tế xã hiện nay vẫn chưa có bác sĩ.

Tại Trạm y tế xã Gia Ninh (Quảng Ninh), bà Nguyễn Thị Liễu, Trưởng trạm cho biết: Trạm vẫn chưa được bố trí bác sĩ về công tác nên mọi việc khám, chữa bệnh cho người dân đều được giao cho 1 y sĩ trong trạm quán xuyến. Bên cạnh đó, một số trạm y tế xã hiện vẫn chưa có chức danh trưởng trạm. Điều này gây không ít khó khăn trong công tác quản lý hoạt động của trạm, chưa kể một số trạm y tế xã hiện nay dù đã có đầy đủ các chức danh bác sĩ, y sĩ, dược sĩ... nhưng chất lượng chuyên môn vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của công việc.

Vắng bóng bệnh nhân

Đó là thực trạng chung của hầu hết các trạm y tế xã hiện nay. Không ít trạm chỉ có các nhân viên y tế làm việc còn các phòng khám, phòng lưu bệnh nhân đều rơi vào tình trạng trống không.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này chính là do hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực nên dù ở gần nhưng đa số người dân khi mắc các bệnh thông thường cũng đều không yên tâm lựa chọn trạm y tế xã. Hầu hết người dân đều lên các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh hoặc các phòng khám tư để khám, chữa bệnh.

Ngoài ra, do danh mục thuốc ở các trạm y tế xã hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, nhất là các bệnh mãn tính nên người dân cũng không hào hứng khi đến khám chữa bệnh tại đây. Một người dân ở xã Gia Ninh có thẻ bảo hiểm y tế cho biết: Bà đang mắc bệnh tai biến nhẹ. Tuy nhiên, mỗi lần đến khám ở trạm y tế xã, bà chỉ được cấp cho duy nhất một ít thuốc hoạt huyết dưỡng não, nên bà thường đến Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh khám và lấy thuốc. Bên cạnh đó, cũng chính vì chính sách thông tuyến nên hầu hết người dân dù bệnh nặng hay nhẹ đều lựa chọn các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, nơi có chất lượng và cơ sở vật chất đầy đủ hơn để khám, chữa bệnh.    

Chính vì điều này mà số lượng người dân đến trạm y tế xã ngày càng giảm sút. Theo thống kê của Trạm y tế xã Thanh Thủy, 9 tháng đầu năm 2015, trạm có 907 lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh, nhưng 9 tháng đầu năm 2016 chỉ còn  686 lượt. Tại xã Hải Ninh, 9 tháng đầu năm 2015 có 1.600 lượt nhưng 9 tháng 2016 giảm còn 700 lượt. Theo các trưởng trạm y tế xã, hầu hết người dân khi đến trạm y tế xã đều chỉ khám để lấy các loại thuốc thông dụng về uống. Do số lượng người dân đến khám, chữa bệnh ngày càng giảm nên ở không ít trạm y tế xã, công việc chủ yếu hàng tháng là truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và tiêm chủng.

Khó thực hiện theo lộ trình

Để thực hiện lộ trình phòng khám bác sĩ gia đình, đòi hỏi các trạm y tế xã phải nâng cao năng lực của mình.
Để thực hiện lộ trình phòng khám bác sĩ gia đình, đòi hỏi các trạm y tế xã phải nâng cao năng lực của mình.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, lộ trình từ năm 2016 đến 2020 sẽ tích hợp mô hình phòng khám bác sĩ gia đình vào các trạm y tế xã, phường ở các địa phương trên toàn quốc. Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ra đời sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, liên tục cho người bệnh kể cả người khỏe theo nguyên tắc đặc thù: tham vấn, vận động lối sống lành mạnh, loại bỏ các hành vi có nguy cơ đối với bệnh tật.

Từ năm 2013- 2015, mô hình được triển khai thí điểm ở 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các phòng khám bác sĩ gia đình đã tổ chức khám, chữa bệnh và thực hiện các dịch vụ y tế tại đơn vị hoặc tại nhà theo yêu cầu của người bệnh, đồng thời quản lý, theo dõi sức khỏe cho cả hộ gia đình.

Dù được triển khai thí điểm đã lâu, nhưng nhiều trạm y tế và nhiều người dân còn chưa hiểu rõ về mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, còn cho rằng bác sĩ gia đình là bác sĩ đến nhà thăm khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ mô hình, nhiều trạm y tế xã đều cho rằng khó để thực hiện lộ trình này. Chị Hồ Thị Nguyệt cho biết, với điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn như hiện tại của Trạm y tế xã Thanh Thủy thì khó có thể tích hợp mô hình phòng khám bác sĩ gia đình này. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực chưa có kinh nghiệm và tay nghề cao cũng là hạn chế lớn. Một trưởng trạm cho hay dù chưa được trang bị các loại máy móc hỗ trợ như máy siêu âm, máy xét nghiệm... tuy nhiên nếu được trang bị thì các nhân viên y tế trong trạm cũng không biết sử dụng như thế nào.

Có thể nói, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình là mô hình có nhiều ưu điểm lớn. Mô hình giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp và giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên để phát triển được mô hình khi thực trạng các trạm y tế xã còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như hiện tại thì đòi hỏi các tuyến y tế cơ sở cần phải nâng cao năng lực và vai trò của mình. Nếu tạo được niềm tin và uy tín với người dân thì việc tích hợp mô hình phòng khám bác sĩ gia đình với trạm y tế xã sẽ trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả cao nhất.  

Đoàn Nguyệt