.

Y học cổ truyền: "Không nên chủ quan với bệnh zona"

Thứ Ba, 20/09/2016, 08:52 [GMT+7]

(QBĐT) -  Zona là một bệnh khá phổ biến đặc biệt vào thời tiết giao mùa. Tuy không phải là một bệnh nguy hiểm lớn đến tính mạng song do bệnh thường khởi phát đột ngột, diễn biến cấp tính nên nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, nhất là ở những người cao tuổi.

Điều trị zona bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại được xem là phương pháp tối ưu, nhất là đối với những trường hợp bị biến chứng sau thời gian mắc bệnh. Và để giúp bạn đọc hiểu hơn về căn bệnh này cũng như phương pháp điều trị, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Hoàng Thị Kim Thoa, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

- P.V: Là một trong những bệnh khá phổ biến và bệnh thường diễn biến phức tạp, vậy những biểu hiện dễ nhận biết nhất ở người mắc bệnh là gì, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ Hoàng Thị Kim Thoa: Zona là bệnh do một loại virut gây ra. Loại virut này cũng chính là tác nhân gây bệnh thủy đậu. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi cả nam và nữ. Thời kỳ ủ bệnh từ 7-12 ngày. Trong giai đoạn ủ bệnh, người bệnh thường có sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, kèm theo nhức đầu.

Loại virut này gây tổn thương ở da và thần kinh. Sau thời kỳ ủ bệnh, bệnh nhân có cảm giác rát bỏng và đau nhức ở vùng da nơi sẽ nổi mụn nước. Mỗi vùng da đều có một nhánh thần kinh da chi phối. Do đó, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức tùy theo nhánh thần kinh bị tổn thương, như thần kinh liên sườn, thần kinh số 5, thần kinh tọa... Bệnh zona có thể xảy ra bất cứ nơi nào trên cơ thể.

Các triệu chứng đầu tiên của bệnh zona xuất hiện 1-5 ngày trước khi phát ban. Ban đầu bệnh nhân có thể bị ngứa, ngứa râm ran, đau ở chỗ phát bệnh, sốt, ớn lạnh, đau đầu, khó chịu ở dạ dày. Ở các vị trí phát bệnh thường đỏ sau đó chuyển thành những mảng mụn nước với cảm giác ngứa, nóng rát. Mụn nước xuất hiện trên nền da màu hồng thành từng chùm, kích thước thay đổi có khi đường kính tới 9 - 10cm. Mụn nước lúc đầu trong sau hóa đục, trung tâm mụn bị lõm. Một số trường hợp có thể có xuất huyết, hoại tử, loét. Khi mụn nước xuất hiện thì triệu chứng đau, nóng, sốt giảm dần. Đặc điểm của tổn thương là chỉ mọc một bên cơ thể, không vượt qua đường giữa và giới hạn rất rõ. Rất hiếm khi bệnh xuất hiện ở hai bên. Bên cạnh thương tổn trên da còn nổi hạch to và rất đau ở vùng gần với tổn thương. Vị trí thường gặp của bệnh là trán, mắt, giữa sườn, lưng, bụng, đùi, mông, bên cổ.

Ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nặng như HIV/AIDS, ung thư, lupus ban đỏ được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, tổn tương nặng hơn, lan tỏa hai bên và lâu lành.

Bệnh zona diễn biến kéo dài khoảng 2-3 tuần tùy theo sức đề kháng của người bệnh. Nếu càng trẻ diễn biến bệnh càng nhanh, nhẹ và tự khỏi. Nếu càng nhiều tuổi bệnh càng kéo dài và đau nhức nhiều.

Bệnh zona có thể lây truyền từ người bị nhiễm sang trẻ em hay người lớn mà những người này trước đây không mắc bệnh thuỷ đậu. Thay vì bị zona, những người này lại mắc bệnh thuỷ đậu. Một khi những người này đã mắc bệnh thuỷ đậu thì họ sẽ không bị nhiễm zona từ người khác.

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh các bệnh nhân được sử dụng biện pháp điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc kết hợp với phục hồi chức năng để hồi phục sức khỏe.
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh các bệnh nhân được sử dụng biện pháp điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc kết hợp với phục hồi chức năng để hồi phục sức khỏe.

- P.V: Xin bác sĩ cho biết trong trường hợp nào gọi là biến chứng do bệnh zona?

- Bác sĩ Hoàng Thị Kim Thoa: Tuy không phải là bệnh nguy hiểm song khi mắc zona người bệnh phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt do cơ thể bị suy nhược, nếu không được chăm sóc đúng và điều trị kịp thời, người mắc bệnh có thể bị bội nhiễm da.

Ở  những vùng da bị nổi mụn nước rất dễ tạo thành mụn mủ loét sâu, sưng bóng và rất đau.  Nguy hiểm hơn khi zona tấn công vùng mặt và nếu tổn thương vào dây thần kinh thị giác sẽ gây mù mắt. Zona tấn công vào tai, có thể giảm thính lực. Phụ nữ mang thai mắc bệnh zona có thể gây hại cho thai nhi.

Một trong những biến chứng phổ biến của bệnh là tình trạng đau dây thần kinh sau bệnh zona, nhất là ở người cao tuổi (từ 45-50 tuổi trở lên). Các cơn đau đôi khi kéo dài cả năm sau khi vết thương trên da đã lành. Những đau đớn này do thần kinh bị tổn thương, được gọi là đau dây thần kinh sau zona. Có người cảm thấy ngứa khủng khiếp ở khu vực từng bị phát ban.

Trong trường hợp nặng, đau hoặc ngứa có thể gây ra mất ngủ, giảm cân hoặc trầm cảm. Người mắc chứng đau sau zona thường rất khó can thiệp bằng thuốc giảm đau thông thường. Trong những trường hợp này phải áp dụng điều trị hoặc phong bế bằng thuốc tê quanh các sẹo hoặc dùng thuốc tê xoa tại chỗ để làm dịu cơn đau. Bệnh thường để lại trên da sẹo lõm và mất sắc tố da, làm cho da trở nên loang lổ đặc biệt là trường hợp bội nhiễm vi khuẩn gây loét nhiều, để lại sẹo lớn, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.

- P.V: Được biết, bên cạnh điều trị zona bằng y học hiện đại, y học cổ truyền cũng có nhiều lợi thế trong chữa trị, đặc biệt là điều trị sau zona. Theo bác sĩ điều trị zona bằng y học cổ truyền có những ưu điểm gì?

- Bác sĩ Hoàng Thị Kim Thoa: Trong nhiều trường hợp người bệnh cần được kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền để điều trị dứt điểm bệnh zona. Thông thường người bệnh sẽ được bác sĩ cho sử dụng thuốc kháng virus nhằm làm giảm sự tấn công của chúng và có thể dùng thêm thuốc giảm đau, kháng sinh đường uống hay tiêm và thuốc bôi tại chỗ để đề phòng bội nhiễm.

Theo y học cổ truyền, bệnh zona nằm trong phạm trù bệnh ngoại khoa, trong các y văn cổ có nhiều tên gọi khác như: triền yêu hỏa đơn, hỏa đái sang, xà đơn, xà xuyên sang, tri thù sang... Những tên này được đặt căn cứ vào vị trí, hình thái và đặc điểm của bệnh.

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, đa số bệnh nhân được chẩn đoán zona thần kinh đều đến bệnh viện ở giai đoạn muộn mà biến chứng thường gặp là đau thần kinh do di chứng zona nhất là ở người cao tuổi nên vấn đề điều trị cũng gặp những khó khăn nhất định. Đối với những trường hợp này, bệnh viện đã thực hiện kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền để làm tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân và giảm được các tác dụng không mong muốn. Người bệnh được châm cứu và tùy theo thể bệnh khác nhau để sử dụng các bài thuốc cho phù hợp và hiệu quả.

Vì thế, hầu hết các bệnh nhân mắc zona đến bệnh viện sớm đều được điều trị thành công, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ biến chứng sau zona. Người bệnh được hướng dẫn chế độ ăn uống luyện tập sau thời gian điều trị để sớm phục hồi chức năng và trở lại sức khỏe ban đầu.

Để phòng bệnh cũng như phát hiện, điều trị bệnh zona có hiệu quả, người bệnh cần nâng cao sức khỏe bằng chế độ ăn uống phù hợp, luyện tập thể thao thường xuyên và giữ gìn vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Trong khi đang bị bệnh, người bệnh vẫn cần tắm rửa bình thường, giữ vùng da bị tổn thương sạch sẽ, khô ráo, mặc quần áo rộng để tránh cọ phải vết thương khiến vết thương bị vỡ và lây lan và phải tránh tiếp xúc da - da với những người chưa từng bị thủy đậu, đang bệnh hoặc những người bị suy giảm miễn dịch.

Người bệnh không được gãi vì có thể làm gia tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn thứ phát và có thể để lại sẹo. Để giúp các mụn nước nhanh khô, hãy đặt một khăn ướt lên chỗ phát ban và tuyệt đối không được đắp đỗ xanh, gạo nếp hoặc các lá thuốc nam, ngậm hay phun một loại chất lỏng nào đó lên vùng tổn thương da.

Khi phát hiện các triệu chứng của bệnh, người bệnh nên tham gia điều trị kịp thời vì điều này có thể làm cho quá trình phát triển của bệnh ngắn hơn và nhẹ hơn. Không những thế còn giảm một nửa nguy cơ mắc chứng đau thần kinh sau zona.

Điều trị zona tốt nhất là trong vòng 48 giờ tính từ khi có tổn thương da. Điều trị càng muộn, nguy cơ biến chứng càng nhiều, trường hợp điều trị muộn hoặc điều trị sớm mà không đúng thuốc, không đủ liều thì coi như chưa được điều trị. Vì thế người bệnh không nên chủ quan mà cần chủ động đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời, nhằm phòng tránh được các biến chứng của bệnh.

- P.V: Xin cảm ơn bác sĩ

Hà Anh (thực hiện)