.

Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy trẻ khuyết tật còn thiếu thốn

Thứ Sáu, 22/01/2016, 16:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 21-1-2016, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án “Phát hiện sớm, can thiệp sớm giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật” tỉnh tổ chức buổi làm việc với đoàn Caritas Thụy Sỹ tại Việt Nam để lập kế hoạch hoạt động năm 2016. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo dự án; ông Gerhard Rudolf Meili, cán bộ phụ trách Chương trình của Caritas Thụy Sỹ tại Việt Nam.

Các thành viên tham dự cuộc họp.
Các thành viên tham dự buổi làm việc 

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, toàn tỉnh có 4,5 vạn người khuyết tật (có 2 vạn NKT là nạn nhân bom mìn). Trong số đó, có 220.629 trẻ em dưới 16 tuổi, 3.213 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 2.054 trẻ em có khuyết tật nặng. Những trẻ khuyết tật (TKT) phần lớn sống trong các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chưa có điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng...

Năm 2014-2015, công tác chăm sóc và giáo dục TKT nói chung, trong đó có phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập đã đạt được những kết quả bước đầu. Năm học 2014-2015, có 135 TKT từ 3-6 tuổi được đi học mầm non, đạt 58% và có 1.139 học sinh khuyết tật từ 6-14 tuổi được đến trường, đạt tỷ lệ 77,8%. Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ cho NKT luôn được quan tâm. Nhờ đó, nhiều TKT nghèo được phẫu thuật chỉnh hình, trợ giúp phục hồi chức năng, được cung cấp dụng cụ chỉnh hình miễn phí; TKT vận động được cấp xe lăn, xe lắc, chân tay giả miễn phí; hàng ngàn suất học bổng đã được tặng các cháu khuyết tật nghèo vươn lên học giỏi.

Mặc dù công tác chăm sóc giáo dục TKT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục đó là: Một số cán bộ, giáo viên, nhân dân và gia đình có TKT chưa nhận thức đầy đủ về giáo dục TKT nói chung và giáo dục hòa nhập nói riêng; các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy trẻ khuyết tật còn thiếu thốn; phần lớn các trường mầm non, tiểu học hòa nhập chưa có đồ chơi, đồ dùng dạy học và trang thiết bị tối thiểu cần thiết để dạy TKT, do vậy ảnh hưởng đến việc thực hiện giáo dục hòa nhập cho các em... Hiện tại, Quảng Bình chưa có bệnh viện chuyên khoa phục hồi chức năng, công tác phục hồi chức năng được lồng ghép trong khoa y học cổ truyền của bệnh viện đa khoa huyện...

Mục tiêu cụ thể đến năm 2016, TKT tại 9 xã/phường trong vùng dự án được tiếp cận các dịch vụ phát hiện sớm và can thiệp sớm; phát triển các nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện có chất lượng công tác phát hiện, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập TKT; các thành viên cộng đồng ở các xã thí điểm của dự án hiểu được vai trò của họ trong giáo dục và hỗ trợ hòa nhập cho TKT trong các trường học tại địa bàn; cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý và hỗ trợ, giám sát công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập được xây dựng và triển khai có hiệu quả.

Phạm Hà