.
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS 1-12

"Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam"

Thứ Sáu, 27/11/2015, 10:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 10-11-2015 là ngày bắt đầu khởi động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 với chủ đề: “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam”.

Tại hội nghị AIDS toàn cầu được tổ chức vào tháng 7-2014 ở Australia, Liên hợp quốc đã đưa ra mục tiêu 90-90-90, có nghĩa là đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác; là những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung và để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Năm 2014, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm đã cam kết và hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 mà Liên hợp quốc đề ra. Mỗi mục tiêu là một dấu mốc hết sức quan trọng để khẳng định những kết quả của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam.

Nếu 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình, như vậy công tác giám sát và xét nghiệm đã được làm tốt. Chúng ta có thể tiếp cận, quản lý, tư vấn cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị cho phần lớn người nhiễm HIV. Nếu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục thì không những chúng ta đã làm tốt công tác điều trị sớm chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định tức là tải lượng vi rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng đánh giá chất lượng điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị tốt của bệnh nhân.

Như vậy, nếu chúng ta đạt được 3 mục tiêu 90 - 90 - 90 thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 như Liên hợp quốc đề ra.

Học sinh sinh viên hưởng ứng tích cực các hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS.
Học sinh sinh viên hưởng ứng tích cực các hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS.

Tại Việt Nam, theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn khá xa so với các mục tiêu 90-90-90 mà Liên hợp quốc đề ra.  Hiện nay mới có khoảng 78% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, và mới chỉ có khoảng 39% số người nhiễm được điều trị ARV. Còn mục tiêu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định, do hiện nay Việt Nam chưa tổ chức xét nghiệm được rộng rãi tải lượng vi-rút một cách thường quy nên chưa có số liệu chính xác.

Tại Quảng Bình, tình hình dịch HIV/AIDS hiện nay được quản lý là 260 người; số tử vong 91 người, số người còn sống là 69. Chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2015 phát hiện mới 18 trường hợp (số liệu này chưa tính số bị nhiễm trong các trại giam trên địa bàn Quảng Bình).

Công tác xét nghiệm sàng lọc HIV vẫn còn nhiều khó khăn, tỉ lệ đối tượng có nguy cơ cao được xét nghiệm phát hiện còn thấp, mỗi năm trung bình xét nghiệm khoảng 14.300 mẫu; tập trung trong đối tượng phụ nữ mang thai (trên 8.000 mẫu). Với mục tiêu thứ 2, Quảng Bình có đã điều trị cho 98 người nhiễm HIV, trong đó có 8 trẻ em, đạt 57,9 %. Quảng Bình chưa triển khai được xét nghiệm tải lượng vi-rút vì chưa được trang bị phương tiện. Tuy vậy, được sự hỗ trợ của Quỹ toàn cầu, trong năm 2015 phòng khám ngoại trú của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã lấy 13 mẫu máu của 13 bệnh nhân nhờ Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm, kết quả 13/13 có tải lượng vi rút dưới ngưỡng, như vậy kết quả điều trị tại Quảng Bình bảo đảm chất lượng.

Để đạt được các mục tiêu 90-90-90, đòi hỏi cần sự cam kết và tham gia nỗ lực, mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, cá ngành và mỗi người dân trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS; đòi hỏi công tác phòng, chống HIV/AIDS cần phải có những thay đổi phù hợp với tình hình mới. Các hoạt động cần tập trung trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức trong mỗi người dân về trách nhiệm phòng, chống dịch HIV/AIDS. Đối với những người chưa xét nghiệm về HIV thì cần tự nguyện xét nghiệm HIV để xác định tình hình sức khỏe của mình, không để nhiễm HIV bằng cách không dùng bơm kim tiêm chung, sử dụng dịch vụ y tế an toàn trong truyền máu, trong phẫu thuật, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục không an toàn. Xã hội không kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS; nhiễm HIV/AIDS đã có thuốc điều trị ổn định, nếu tuân thủ điều trị tốt thì người nhiễm HIV có cuộc sống tốt với tuổi thọ như người bình thường.

Đối với người đã bị nhiễm HIV thì cần tuân thủ theo hướng dẫn, tư vấn của y, bác sỹ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cần để đến phòng khám và điều trị HIV/AIDS tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Quảng Bình để được điều trị ngay khi xét nghiệm khẳng định. Việc điều trị sớm ngay khi phát hiện và tuân thủ điều trị nghiêm túc sẽ giúp cho người bệnh có lượng vi rút HIV/AIDS trong máu thấp và ổn định bảo đảm sức khỏe bình thường, không bị nhiễm trung cơ hội và tuổi thọ kéo dài như người bình thường, có thể xây dựng gia đình và có con không bị nhiễm HIV nếu tuân thủ theo hướng dẫn của y tế. Để bảo đảm việc điều trị không bị giám đoạn khi các nguồn tài trợ cắt giảm thì việc mua BHYT là đặc biệt quan trọng đối với người bị nhiễm HIV vì họ cần điều trị liên tục suốt đời.

Đối với những người bán dâm, người sử dụng ma túy thì cần có ý thức bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng bằng cách sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, không dùng bơm kim tiêm chung, bẩn; nên điều trị thay thế bằng thuốc Methadone để tránh lây nhiễm HIV.

Đối với phụ nữ đang còn sinh đẻ nên có ý thức đi xét nghiệm HIV trước, trong khi mang thai để phòng lây truyền từ mẹ sang con nhằm bảo đảm thế hệ tương lai không bị nhiễm HIV ngay khi mới chào đời.  

Để thực hiện tốt các giải pháp trên thì vấn đề bảo đảm tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là yếu tố quyết định vì hiện nay trên 80% nguồn kinh phí dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đều từ các nguồn viện trợ và đến năm 2017 tất cả các nguồn viện trợ sẽ cắt không còn. Như vậy sau năm 2017 nếu các cấp chính quyền không ưu tiên bảo đảm nguồn kinh phí thì khó thực hiện được mục tiêu 90-90-90 tại Việt Nam nói chung và ở Quảng Bình nói riêng.

Bs Ngô Đình Thống
(Giám đốc TT PC HIV/AIDS)