.

Huy động sức mạnh cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS

Thứ Ba, 10/02/2015, 14:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh ta được đẩy mạnh trên tất cả các mặt. Những dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS như: Dự án thông tin- giáo dục- truyền thông thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV, hỗ trợ điều trị HIV/AIDS, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, giám sát HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV... từng bước được đẩy mạnh và đang phát huy hiệu quả thiết thực.

Trong công tác truyền thông thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV, ngành Y tế mà vai trò hạt nhân là Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đã chú trọng đến các hoạt động truyền thông trực tiếp nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt là nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao như người chích ma tuý, người mua, bán dâm. Thông qua nhiều hình thức như nói chuyện chuyên đề, tư vấn sức khoẻ, tập huấn kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho các doanh nghiệp, khu dân cư, cung cấp tài liệu truyền thông... đã chuyển tải đến người dân những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, đặc biệt là phổ biến sâu rộng các nội dung Luật phòng chống HIV/AIDS. Hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện ở đơn vị ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhiều người, nhất là các đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Việc giám sát, hỗ trợ các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại 8/8 huyện, thành phố, thị xã và hệ thống quản lý HIV/AIDS từ tuyến tỉnh đến cơ sở được thực hiện nghiêm túc. Toàn tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các chương trình can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV tập trung cho các nội dung chính là giáo dục đồng đẳng, cấp phát bơm kim tiêm sạch và phát bao cao su miễn phí cho các đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Tập huấn nâng cao năng lực hoạt động công tác phòng chống HIV/AIDS cho tuyến cơ sở là một trong những nội dung được chú trọng của ngành Y tế.
Tập huấn nâng cao năng lực hoạt động công tác phòng chống HIV/AIDS cho tuyến cơ sở là một trong những nội dung được chú trọng của ngành Y tế.

Để thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, hoạt động tiếp cận cộng đồng được đẩy mạnh thông qua đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng, cộng tác viên của chương trình và các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng được xây dựng ở địa phương trong tỉnh. Nhiệm vụ của những thành viên thuộc các nhóm trên là bám địa bàn, tiếp cận với người nghiện chích ma túy, người bán dâm để tuyên truyền vận động, giúp họ có kiến thức phòng chống HIV và thực hiện nhiệm vụ cung cấp bơm kim tiêm sạch, thu gom xử lý bơm kim tiêm đã qua sử dụng, phân phát, hướng dẫn sử dụng bao cao su, đồng thời giới thiệu các đối tượng có hành vi nguy cơ cao tới các dịch vụ hỗ trợ khác như: tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng virut (ARV), khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục khi cần thiết. Một trong những điểm nhấn của việc thực hiện chương trình giám sát HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV là tỉnh đã triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone từ tháng 8-2014. Cơ sở điều trị này đang thu hút ngày càng nhiều đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn tham gia và đang mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Đa số người bệnh (người nghiện ma túy) tham gia điều trị đều có sự cải thiện rõ rệt về sức khỏe và tinh thần, giảm tần suất và ngừng hẳn việc sử dụng ma túy. Kết quả này mở ra hướng đi mới trong công tác phòng, chống ma túy và HIV/AIDS, góp phần quan trọng vào việc ổn định xã hội.

Công tác hỗ trợ, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được quan tâm thực hiện bằng các hoạt động cụ thể như quản lý, chăm sóc, tư vấn sức khỏe cho người nhiễm HIV có địa chỉ, lập hồ sơ điều trị ARV, theo dõi sức khỏe, tư vấn hỗ trợ tuân thủ điều trị cho bệnh nhân AIDS. Ngành luôn đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tăng cường hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện và bảo đảm đủ thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân AIDS. Ngoài ra, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS còn thực hiện tốt việc điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV cho các trường hợp bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho những phụ nữ mang thai nhiễm HIV...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn hạn chế, người dân ở các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp cận đầy đủ các chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Khó khăn nữa là tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS trong cộng đồng còn khá phổ biến. Hệ lụy của vấn đề trên là không ít đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV và người bệnh ngại đến các cơ sở y tế để được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị nhằm bảo vệ sức khỏe. Thiếu nguồn nhân lực làm công tác phòng chống HIV/AIDS, nhất là ở tuyến cơ sở và nguồn tài chính hạn chế cũng là những khó khăn cơ bản, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu hạn chế tốc độ lây truyền HIV/AIDS, khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,2% trong năm 2015, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, triển khai đồng bộ các chương trình dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, mở rộng thêm các cơ sở điều trị Methadone và tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS ở tất cả các tuyến. Mặt khác, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa công tác phòng chống HIV/AIDS, huy động sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội vào công tác này nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

P.V