.

Về chuẩn quốc gia Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố (2008-2015): Đường đi khó!

Thứ Bảy, 05/07/2014, 09:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo Quyết định số 4696/QĐ-BYT ngày 27-11-2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về “chuẩn quốc gia về trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn năm 2008-2015”, chỉ trong vòng 1 năm nữa, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ hoàn thiện bộ chuẩn này. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 3-2014, cả nước mới chỉ có 18/63 trung tâm y tế dự phòng đạt chuẩn đề ra. Còn đối với tỉnh ta, theo lời ông Mai Xuân Sự, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, mốc thời gian này có lẽ sẽ còn phải được điều chỉnh rất nhiều, bởi trong cuộc rà soát mới nhất, Trung tâm mới chỉ đạt 2/10 chuẩn.

 

Nhiều trang thiết bị hiện đại do các dự án cấp phải nằm  “ngay ngắn” trong góc như thế này vì thiếu nơi trưng bày, sử dụng.
Nhiều trang thiết bị hiện đại do các dự án cấp phải nằm “ngay ngắn” trong góc như thế này vì thiếu nơi trưng bày, sử dụng.

Bộ chuẩn quốc gia trung tâm y tế dự phòng bao gồm hai phần, phần 1 là những quy định về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố, phần hai tập trung chi tiết vào 10 chuẩn, trong đó, hai chuẩn cơ bản nhất là cơ sở hạ tầng và tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực. Một trung tâm y tế dự phòng tỉnh đạt chuẩn quốc gia bắt buộc phải đạt trên 80% các chuẩn quy định tại phần 1 và 2 của bản chuẩn quốc gia này.

Qua khảo sát của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến hết tháng 4-2014, Trung tâm đã đạt hai chuẩn (về trang thiết bị và hoạt động dinh dưỡng cộng đồng), 8 chuẩn còn lại đều chủ yếu hoàn thành ở mức trung bình. Tổng tỷ lệ đạt của cả 10 chuẩn mới ở mức 66,1%, nếu so với tỷ lệ này ở cuộc rà soát, đánh giá của năm 2010 (61,3%) thì trong vòng 4 năm qua, lộ trình đạt chuẩn của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vẫn gần như “dậm chân tại chỗ”.

Ông Mai Xuân Sự, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chia sẻ, hai chuẩn nan giải nhất chính là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Theo bộ chuẩn quốc gia, một trung tâm y tế dự phòng phải đạt diện tích không dưới 3.000m2 và phải đủ để bố trí các hạng mục chức năng, như: khu chính (khối hành chính-quản trị, khối các khoa chuyên môn, khối tư vấn-khám sức khỏe...), khu phụ trợ (kho tàng, chăn nuôi súc vật thí nghiệm, hệ thống xử lý rác thải...). Diện tích cây xanh phải đảm bảo từ 30%-35%. Bên cạnh đó, các hạng mục công trình phải phù hợp với những trang thiết bị chuyên dụng theo danh mục chuẩn trang thiết bị y tế cho hệ thống y tế dự phòng tuyến tỉnh.

Đặc biệt lưu ý, phòng xét nghiệm vi sinh vật phải được bố trí riêng biệt, khép kín, đảm bảo yêu cầu an toàn sinh học cấp II trở lên; phòng xét nghiệm lý- hoá, sinh hóa, độc chất phải bố trí phòng xử lý mẫu riêng. Khu vực xét nghiệm phải cách ly với khu văn phòng. Tuy nhiên trên thực tế, trụ sở của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lại chỉ gói gọn trong hơn 700m2, không gian chật hẹp là lý do khiến mặc dù trung tâm nỗ lực có đủ các khu, phòng chức năng, nhưng diện tích rất chật chội, không đáp ứng được nhiều quy định khắt khe và nhất là hệ thống cây xanh lại càng thiếu.

Ông Dương Viết Quảng, Phó Trưởng Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết thêm, phòng xét nghiệm lý-hóa, phòng xét nghiệm vi sinh nằm ngay sát vách với khu văn phòng. Trong một diện tích nhỏ hẹp của phòng xét nghiệm lý-hóa, nhiều công việc được thực hiện song song, như: hành chính, xét nghiệm, cân đo mẫu... Thậm chí, do nhà kho thiếu diện tích, phòng cũng được trưng dụng để chứa các hóa chất sử dụng cho quá trình xét nghiệm.

Ông Quảng bày tỏ lo lắng khi nhiều trang thiết bị hiện đại, thiết thực và đắt tiền được các dự án tài trợ không có chỗ để sử dụng, nên đành cất vào tủ hoặc để ngoài hành lang. Một khi diện tích đã thiếu thì nhiều quy chuẩn khác về giải pháp kỹ thuật, như: kích thước công trình, chiếu sáng, thông gió... lại càng trở nên khó khăn hơn. Chính vì vậy, đối với chuẩn cơ sở hạ tầng, trung tâm tự đánh giá mới chỉ đạt 61%. Trên thực tế, theo ông Mai Xuân Sự, tỉnh ta đã cấp đất xây dựng trụ sở mới cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đề án đã được phê duyệt nhưng hiện nay vẫn chưa có nguồn kinh phí để triển khai.

Bên cạnh nỗi lo về cơ sở hạ tầng chưa có lời giải, vấn đề thu hút nguồn nhân lực cũng trở nên rất nóng trong bối cảnh “khan hiếm chung” của y tế tỉnh nhà. Trong vòng 4-5 năm trở lại đây, mặc dù trung tâm đã tích cực tuyển dụng đội ngũ bác sĩ giỏi về làm việc, nhưng vẫn chưa thu hút được một bác sĩ nào.

Nguyên nhân chính là do chế độ đãi ngộ đối với ngành y tế dự phòng chưa thực sự thu hút, hấp dẫn đối với nhân tài. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, điều kiện làm việc cũng còn rất nhiều hạn chế. Hiện tại, đội ngũ nhân lực của trung tâm đang thiếu, mất cân đối, trong khi cơ cấu và trình độ vẫn chưa đạt chuẩn. Riêng với Khoa xét nghiệm cũng cần ít nhất từ 1-2 cán bộ có trình độ đại học trở lên để đáp ứng nhu cầu công việc, trong khi khoa cũng chưa có một bác sĩ nào. Chuẩn về nguồn nhân lực của trung tâm mới đạt mức tỷ lệ 73% trong năm 2014, và thậm chí còn thấp hơn so với mức rà soát năm 2010 (74,7%).

Nhà kho chật chội, nhiều loại hóa chất được cất giữ  ngay tại phòng thí nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Nhà kho chật chội, nhiều loại hóa chất được cất giữ ngay tại phòng thí nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Để tăng cường nguồn nhân lực cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tỉnh ta rất cần sớm triển khai chính sách thu hút bác sĩ đối với ngành y tế dự phòng. Đồng thời, các chế độ ưu đãi cũng cần được quan tâm để nâng cao hơn nữa mức sống của đội ngũ nhân lực y tế dự phòng và tập trung chú trọng ngay đối với những sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường.

Các chuẩn còn lại chưa hoàn thiện trong thời gian qua chủ yếu là bởi những nguyên nhân khách quan, bất chấp sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế dự phòng. Chẳng hạn, các hoạt động về sức khỏe môi trường, sức khỏe trường học và về sức khỏe nghề nghiệp, phòng chống tai nạn thương tích vẫn chưa có được sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể liên quan để mang lại hiệu quả cao nhất.

Điều này đòi hỏi ngành Y tế cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền về tăng cường sự liên kết giữa các bên trong quá trình thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau. Sự phối kết hợp này không chỉ triển khai “sơ bộ”, mà cần có các cam kết, biên bản ghi nhớ... để quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên tham gia. Song song, việc thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời những hoạt động này cũng đóng một vai trò quan trọng.

Có một điều chắc chắn rằng tỉnh ta sẽ rất khó để có thể đạt chuẩn quốc gia về trung tâm y tế dự phòng theo đúng kế hoạch vào năm 2015 giữa những công việc bộn bề vẫn chưa hoàn thiện. Sở Y tế cần bám sát hơn nữa lộ trình triển khai chuẩn quốc gia về trung tâm y tế dự phòng, kịp thời trình UBND tỉnh, Bộ Y tế những vướng mắc để kịp thời có hướng tháo gỡ, đặc biệt trong khâu kiện toàn nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động của y tế dự phòng chính là một trong những giải pháp hiệu quả để vừa tăng cường chất lượng hoạt động chuyên môn, vừa tạo nhiều cơ hội để đầu tư cơ sở hạ tầng. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cần có sự tích cực, chủ động hơn trong quá trình thực hiện lộ trình chuẩn quốc gia, nhất là đối với những chuẩn sắp về đích. Tuy nhiên, trước mắt, việc chờ đợi nguồn vốn để xây dựng trụ sở của trung tâm vẫn là yếu tố then chốt nhất.

Mai Nhân