.

Hiệu quả từ những trạm xá quân-dân y kết hợp

Thứ Tư, 25/06/2014, 10:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở các xã biên giới phía tây tỉnh ta có đất đai rộng lớn nhưng dân cư rất thưa, địa hình cách trở nên công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Để góp phần giải quyết vấn đề trên, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cho thành lập các trạm xá quân-dân y kết hợp (QDYKH). Từ khi thành lập, các trạm đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phòng chống các loại dịch bệnh và hủ tục lạc hậu...

Hiện tỉnh ta có tất cả 4 trạm xá QDYKH gồm: trạm Ra Mai ở xã Trọng Hóa, trạm Bãi Dinh ở xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa); trạm Làng Ho ở xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy); trạm 61 ở bản 61 xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch). Chủ trương thành lập các trạm xá QDYKH cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng bắt đầu từ năm 2001 sau khi Chính phủ đề ra Chương trình 12 về hoạt động trên lĩnh vực này. Cũng từ đó, các trạm xá QDYKH ở tỉnh ta lần lượt được thành lập.

Từ khi thành lập, các trạm xá QDYKH đã phát huy hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và một số bệnh nhân từ nước Lào. Mỗi trạm xá được bố trí 6 đến 8 giường bệnh, có các thiết bị y tế cơ bản nhằm chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho nhân dân. Mỗi trạm được bố trí 1 bác sỹ hoặc y tá quân y. Riêng trạm Làng Ho được huyện Lệ Thủy tăng cường thêm một cán bộ y tế về làm việc tại trạm.

Tất cả 4 trạm QDYKH đều khám và chữa bệnh miễn phí cho đồng bào; tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống các loại dịch bệnh, tuyên truyền cho quần chúng nhân dân thực hiện có hiệu quả các biện pháp tránh thai, xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu... Để nâng cao hiệu quả hoạt động, các trạm đã huy động thuốc chữa bệnh từ nhiều nguồn khác nhau; trồng vườn thuốc nam và hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc để điều trị bệnh. Hàng năm, trạm QDYKH còn phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và nhiều tổ chức từ thiện khám và cấp thuốc chữa bệnh miễn phí cho đồng bào...

Ông Hồ Sum, một người dân ở bản Ra Mai, xã Trọng Hóa trải lòng: “Hơn 4 năm trước, tôi bị ngộ độc thức ăn mà cứ tưởng là ma rừng làm phát bệnh. Vậy là phải nhờ thầy mo đến cúng, thổi. Nhưng thầy mo càng cúng thì lại càng đau. Lúc đó, tôi bị vắt kiệt sức vì đau bụng, may cán bộ biên phòng phát hiện kịp thời rồi đưa ra trạm xá điều trị mới qua khỏi”.

Cán bộ quân dân y Trạm xá Làng Ho đang khám bệnh cho nhân dân.
Cán bộ quân dân y Trạm xá Làng Ho đang khám bệnh cho nhân dân.

Khi đó, ông Sum còn bị hạ đường huyết, nếu không phát hiện kịp thì có thể chết vì kiệt sức. Khám xong cho ông Sum, cán bộ y tế cho ông uống thuốc và truyền dịch, hai ngày sau thì ông khỏe mạnh bình thường trở về nhà. Trung tá Lê Văn Toàn, bác sỹ phụ trách trạm cho hay: “Trạm được thành lập từ năm 2008, trung bình mỗi tháng tiếp nhận và điều trị khoảng 70 bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân chuyển từ Lào về. Giờ đây, mỗi khi đau ốm là bà con đến trạm khám, điều trị chứ không cúng như ngày xưa nữa”.

Dù mới được thành lập vào tháng 7 năm 2013 nhưng Trạm QDYKH bản 61 thuộc Đồn biên phòng Cà Ròong đã tiếp nhận và điều trị gần 700 bệnh nhân thuộc 10 bản ở xã Thượng Trạch huyện Bố Trạch. Người đến khám và điều trị tại trạm chủ yếu mắc bệnh sốt rét, đường ruột và tai nạn. Khi đến đây, tất cả các bệnh nhân đều được khám và điều trị miễn phí hoàn toàn. Trong số 4 trạm QDYKH thì trạm Làng Ho là nơi tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân nhất. Trung bình mỗi tháng trạm tiếp nhận, điều trị khoảng 140 bệnh nhân.

Từ khi thành lập đến nay, trạm trở thành chỗ dựa tin cậy cho dân bản mỗi khi đau ốm. Ông Hồ Văn Cách, Trưởng bản Làng Ho tâm sự: “Trước đây, dân bản miềng đau ốm đều đổ tội cho con ma rừng nên bà con phải cúng bái nó nhưng chẳng thấy bệnh đỡ, lại tốn kém. Từ khi có trạm xá, chúng tôi đã được bộ đội biên phòng tuyên truyền vận động nên mỗi khi đau ốm dân bản không cúng ma nữa mà đến trạm để khám và điều trị. Nhờ đó mà sức khỏe của đồng bào ngày càng được chăm sóc tốt hơn”.

Đại úy Cao Thanh Luận, bác sỹ chuyên khoa phụ trách trạm cho biết: “Trạm QDYKH Làng Ho đang chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ba bản là Làng Ho, Cát Mít, Ho Rum, cán bộ làm việc và người qua lại trên địa bàn. Trung bình mỗi tháng có khoảng 140 bệnh nhân đến khám và điều trị. Nhiều khi, chúng tôi phải đến tận nhà dân để trị bệnh hay đỡ đẻ cho đồng bào”.

Chị Hồ Thị Đình, một phụ nữ ở bản Làng Ho kể: “Cách đây không lâu, tôi vừa trên rẫy về thì trở dạ đau quằn quại. May mà có bộ đội Luận đến đỡ đẻ kịp thời. Nhưng thú thực lúc đó tôi cũng thấy rất ngượng, nhưng bộ đội Luận động viên và làm rất tốt nên tôi để cho anh đỡ đẻ”. Giờ đây, hình ảnh người thầy thuốc mang quân hàm xanh đã quá quen thuộc với đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Kim Thủy. Bởi họ không những chăm sóc sức khỏe cho người dân mà còn vận động bà con xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, tuyên truyền cho bà con biết cách tránh thai hiệu quả, ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường, phòng chống các loại dịch bệnh và sử dụng các loại cây thuốc nam...

Tính từ 2013, các trạm DQYKH đã tổ chức tuyên truyền 7 đợt phòng chống sốt rét cho 1.420 lượt người, vận động nhân dân nằm màn đạt trên 95%, các đối tượng đi rừng đều có thuốc phòng sốt rét mang theo. Đồng thời phối hợp với các đơn vị phun tẩm hóa chất phòng chống sốt rét trên 10 đợt, tẩm màn chống muỗi khoảng 1.000 cái màn, điều trị sốt rét cho 26 trường hợp; khám và điều trị tại các cơ sở quân dân y kết hợp được hàng nghìn ca bệnh...

Trung tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng ban Hậu cần Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phỏng tỉnh cho biêt: “Từ khi có các trạm QDYKH, sức khỏe bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được chăm sóc tốt hơn. Số lượng thai phụ, trẻ sơ sinh và người dân mắc các bệnh thông thường bị tử vong giảm đáng kể. Môi trường nơi tập trung dân cư ngày càng sạch sẽ, nhiều hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ dần. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp trên chỉ đạo cán bộ QDY về các bản làng vùng sâu, vùng xa hơn nữa để khám và cấp thuốc chữa bệnh cho bà con tại nhà; tiếp tục mở thêm và tăng cường lực lượng cán bộ quân y cho các trạm...”.

Xuân Vương