.

Sán 'làm tổ' trên não do nhậu nem thính, cua nướng

Thứ Năm, 24/07/2014, 16:52 [GMT+7]
Thói quen dùng ăn các món như tiết canh, nem thính, nem chạo, cua nướng....đã khiến nhiều người vô tình đưa ký sinh trùng vào cơ thể mình. Không hiếm những trường hợp đã bị liệt người, tử vong khi là "môn đệ" trung thành của những món nhậu khoái khẩu này.
 
Sán "xây nhà" trên não
 
Tháng 7-2014, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM điều trị cho bệnh nhi L.H.Đ (9 tuổi, TP.HCM) bị viêm màng não do ký sinh trùng trong ốc sên (ốc ma) tấn công. Bệnh nhi này vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, nôn ói, đau đầu dữ dội...
 
Trước đó, Đ. bắt ốc sên bò gần nhà nướng ăn và xuất hiện các triệu chứng trên. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi này nhiễm ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis - một loại ký sinh trùng sống trong ốc sên.
 
Trước đó, nữ bệnh nhân T.T.N (47 tuổi, tỉnh An Giang) cũng tử vong sau 10 ngày điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM . Bà N mắc bệnh đau dạ dày và được người quen chỉ cách ăn ốc sên để trị bệnh.
 
Sau mấy ngày ăn ốc sên, bệnh nhân này bị đau đầu dữ dội, từ từ rơi vào hôn mê và mất cả tri giác. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà bị viêm màng não do nhiễm ký sinh trùng từ ốc sên. 
 
 Người đàn ông này bị nhiễm liên cầu khuẩn do ăn tiết canh (Ảnh: VTC News)
Người đàn ông này bị nhiễm liên cầu khuẩn do ăn tiết canh (Ảnh: VTC News)
Một món khoái khẩu khác chứa nhiều hiểm họa cho người dùng là tiết canh. Đó là trường hợp của ông Trần Văn T., một doanh nhân người Hà Nội. Đầu tháng 7-2014, trong lần đi công tác đến Ninh Bình ông đã rẽ vào quán thịt dê thưởng thức tiết canh dê và thịt dê tái chanh.
 
Nhưng chỉ 2 ngày sau, ông T. lên cơn sốt, đau đầu, buồn nôn và hôn mê nên được nhập BV Bệnh nhiệt đới TƯ cấp cứu. Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết ông T., bị viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn, tình hình rất nguy kịch. Liên cầu khuẩn lợn mà ông T. mắc phải được xác định do chính bát tiết canh dê mà ông đã ăn hai ngày trước đó.
 
Có thể, tại quán bán thịt dê này, thực khách ăn tiết canh dê lớn, mà mỗi con dê chỉ có một lượng tiết nhất định nên tiết lợn được lấy pha lẫn tiết canh dê hoặc có thể là tiết canh dê nhưng pha vào dụng cụ trước đó dùng đựng tiết canh của con lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn nên khiến ông T. ăn tiết canh dê lại bị liên cầu khuẩn lợn.
 
Khoái món nem thính, bệnh nhân P.T.H. cũng phải nhập viện với triệu chứng co giật, đau đầu, buồn nôn. Sau khi cho chụp phim, các bác sĩ phát hiện rất nhiều nang sán ở trên não người bệnh. Được biết, bệnh nhân ở vùng Bắc Ninh, có thói quen ăn nem thính làm từ thịt nạc sống. 
 
Những nốt tròn trong có nhân là nang sán lợn làm tổ dày đặc trong não bệnh nhân (Ảnh: Zing.vn)
Những nốt tròn trong có nhân là nang sán lợn làm tổ dày đặc trong não bệnh nhân (Ảnh: Zing.vn)
Tương tự, ông Nguyễn Hồng C. (59 tuổi) ở Tiên Lãng, Hải Phòng cũng bị đau đầu, buồn nôn, người gầy sút cân. Sau khi đi khám, bác sĩ phát hiện ông bị nhiễm ấu trùng sán lợn. Ấu trùng đã làm tổ trong não đè vào dây thần kinh thăng bằng khiến ông hay chóng mặt, đau đầu.
 
Ông C. cho biết, ông có thói quen thích ăn tiết canh và nem chạo nên bác sĩ nói đây có thể là nguyên nhân khiến ông bị nhiễm sán lợn.
 
Một bệnh nhân khác là ông Lê Thanh H. (70 tuổi, Phú Yên) cũng bị liệt mặt bên phải và liệt nửa người bên phải do hay ăn thịt lợn nướng, thích lợn hun khói, thịt bò tái. Những món ăn này đã ông H. bị u não vì ấu trùng sán dây.
 
Liệt nửa người, cấm khẩu vì món cua nướng
 
Gỏi cá, tôm hùm, cua nướng ...chưa nấu chín là món nhậu ưng ý của nhiều người vì lý do mát, bổ. Tuy nhiên, khó ai ngờ rằng trong miếng gỏi cá trắng phau lại chứa đến 95% ấu trùng sán và tỉ lệ sán lá nhỏ còn sống. 
 
Khi ăn các món này người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm ấu trùng. Ấu trùng sán vào dạ dày, ruột, xuyên qua ống tiêu hóa vào ổ bụng rồi xuyên qua cơ hoành vào màng phổi, phế quản phổi để làm tổ ở đó. Chúng tạo nên những ổ áp xe gây ho ra máu hoặc tràn dịch màng phổi.
 
Ca đầu tiên của bệnh nhiễm sán là phổi được ghi nhận là bé Mạc An H. (8 tuổi, Lai Châu) vào năm 1993.
 
Bệnh nhân thỉnh thoảng bị sốt và ho từng đợt có máu, được điều trị viêm phế quản và lao phổi nhiều lần nhưng không đỡ. Sau đó, em bỗng bị liệt nửa người bên phải và cấm khẩu.
 
Bệnh nhân được chẩn đoán xác định là mắc bệnh sán lá phổ do thói quen thường ăn cua nướng nhiều lần. 
 
Gỏi cá, tôm hùm, cua nướng ...chưa nấu chín có thể chứa ấu trùng sán (Ảnh minh họa)
Gỏi cá, tôm hùm, cua nướng ...chưa nấu chín có thể chứa ấu trùng sán (Ảnh minh họa)
Bệnh nhân Trần Thị S (25 tuổi, quốc tịch Lào) năm 2007 đã phải vào Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế vì ho ra máu màu đỏ thẫm.
 
Lúc đầu bệnh nhân được chẩn đoán là lao phổi nhưng qua theo dõi kết quả điều trị, đã phát hiện được người bệnh bị nhiễm sán lá phổi, một bệnh hiếm gặp tại các tỉnh miền Trung của Việt Nam. Theo đó, bệnh nhân này đã bị nhiễm bệnh do thói quen ăn mắm cua, mắm cáy, uống nước ở khe suối.
 
Tháng 7-2008 Bệnh viện tỉnh Sơn La cũng đã phẫu thuật thành công lấy ra từ cơ thể bệnh nhân Bùi Văn Quyết (Sơn La) một lượng lớn sán lá phổi ký sinh trong cơ thể. Trước đó, bệnh nhân này được một cơ sở y tế khác chẩn đoán nhầm là bệnh lao.
 
Trước khi nhập viện, bệnh nhân Quyết có biểu hiện đau tức ngực, nặng ngực, nhiều đờm. Đôi khi khạc đờm có lẫn máu. Sau khi điều trị lao theo phác đồ điều trị của cơ sở y tế ban đầu không thấy đỡ, ông Quyết được đưa đến bệnh viện tỉnh. 
 
Sau khi chụp X quang phổi, xét nghiệm máu và đờm dãi, các bác sĩ ở đây đã kết luận bệnh nhân bị sán lá phổi. 
 
Bệnh nhân này cho biết, trước đó thường cùng bạn lội suối bắt cua, cá lên bờ để nướng ăn. Để món ăn thêm hấp dẫn, ông thường rủ bạn hái thêm lá sung ở trên núi quấn vào thịt cua, cá để ăn ghém và nghiệm ra thịt cua, cá sẽ ngọt hơn nếu chỉ nướng hơi tái. 
 
Đây là nguyên nhân ông Quyết và nhiều người khác đã tự rước ký sinh trùng vào người.
 
Theo L.Lam (Vietnamnet)