.

Nước Mỹ chưa thoát khỏi "bóng ma" sắc tộc

Thứ Hai, 01/12/2014, 13:46 [GMT+7]

Các nhà hoạt động Mỹ ngày 29-11 đã bắt đầu cuộc tuần hành kéo dài 7 ngày nhằm phản đối phán quyết của bồi thẩm đoàn hạt Xanh Lu-ít miễn truy tố đối với viên cảnh sát đã bắn chết thanh niên da màu Mai-cơn Brao (Michael Brown), đồng thời yêu cầu cải cách toàn diện hệ thống cảnh sát...

Cuộc tuần hành nói trên kéo dài hơn 193km do Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu

Biểu tình tại Lốt An-giơ-lét phản đối phán quyết của bồi thẩm đoàn hạt Xanh Lu-ít.
Biểu tình tại Lốt An-giơ-lét phản đối phán quyết của bồi thẩm đoàn hạt Xanh Lu-ít.

(NAACP) phát động khởi hành từ thị trấn Phơ-gu-xơn, nơi xảy ra vụ việc, đến thủ phủ Gie-phơ-xơn Xi-ti của bang Mít-xu-ri. Tham gia cuộc tuần hành ban đầu là hơn 150 người, trong đó có cả trẻ em, đến từ nhiều bang với hy vọng sẽ kéo theo hàng nghìn người cùng xuống đường yêu cầu sa thải người đứng đầu lực lượng cảnh sát ở Phơ-gu-xơn, cải cách hệ thống cảnh sát trên toàn quốc và chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc.

Diễn biến này cho thấy, vụ việc liên quan tới cái chết của người thanh niên da màu Mai-cơn Brao sẽ chưa thể dừng lại và có nguy cơ diễn biến phức tạp hơn nếu không được xử lý khéo léo. Cùng ngày 29-11 có tin tức cho biết, viên cảnh sát Đa-ren Uyn-xơn bắn chết Mai-cơn Brao đã xin nghỉ việc. Trong đơn gửi lên sở cảnh sát được tờ nhật báo St. Louis Post-Dispatch công bố, viên cảnh sát này cho biết lý do xin nghỉ việc là do lo ngại về sự an toàn cho các cảnh sát khác, đồng thời bày tỏ hy vọng quyết định này của mình sẽ giúp giảm nhẹ sự tổn thương của cộng đồng.

Phán quyết nói trên của bồi thẩm đoàn hạt Xanh Lu-ít đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình, bạo loạn chưa từng có ở Mỹ trong nhiều năm gần đây, nhất là tại Phơ-gu-xơn và một số thành phố lớn khiến hàng trăm người bị bắt giữ. Thậm chí, biểu tình phản đối cũng đã vượt bờ Đại Tây Dương lan sang thủ đô Luân Đôn của Anh, nơi hàng nghìn người dân “xứ sở sương mù” đã xuống đường bày tỏ phẫn nộ trước vụ việc. Tại Đức, một số lượng nhỏ người biểu tình cũng tập trung gần sứ quán Mỹ tại Béc-lin hôm 29-11 bày tỏ tinh thần đoàn kết với Phơ-gu-xơn và ủng hộ Mai-cơn Brao.

Nhiều cuộc tranh luận về nạn phân biệt chủng tộc cũng đã nổ ra trên khắp nước Mỹ kể từ sau cái chết của Mai-cơn Brao. Đáng chú ý, phán quyết nói trên cũng gây ra một cuộc tranh luận trên toàn quốc về mối quan hệ giữa cộng đồng người da màu và việc thực thi luật pháp tại nước Mỹ. Theo kết quả điều tra của Trung tâm nghiên cứu Pew hồi tháng 8 vừa qua, 65% số người da màu được hỏi nghĩ rằng, cảnh sát ở Phơ-gu-xơn đã phản ứng quá đáng trong khi chỉ có 33% số người da trắng nghĩ như thế. Trong khi 80% số người da màu được hỏi nhận định vấn đề cốt lõi của vụ việc là phân biệt sắc tộc thì chỉ có 37% số người da trắng nghĩ như vậy. Và cuối cùng, chỉ có 18% số người da đen được hỏi tin vào luật pháp trong khi con số này ở người da trắng là 52%.

Giáo sư Prét-tơn Síp (Preston Shipp) thuộc Đại học Lipscomb của Mỹ trong bài viết trên Báo Bưu điện Huffington (Mỹ) đã cho thấy rõ tình trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Ông khẳng định, người Mỹ gốc Phi đã phải trải qua nhiều thế hệ bất công. Trong tiến trình tư pháp ở Mỹ, họ dễ bị bắt hơn người da trắng khi cả hai cùng phạm một tội giống nhau; và một khi họ bị bắt thì dễ bị kết tội hơn và đến khi bị kết tội thì nhanh chóng bị phạt tù hơn.

Giáo sư P.Síp cũng cho rằng, chính phủ Mỹ đã thất bại trong nỗ lực theo đuổi lý tưởng mọi người dân đều được đối xử công bằng. Trong một xã hội không đồng nhất như ở Mỹ, vấn đề thành kiến sắc tộc đang được xử lý không giống nhau ở từng địa phương khác nhau. Trường hợp ở Phơ-gu-xơn là một ví dụ điển hình. Trong khi phần lớn dân số ở Phơ-gu-xơn là người da đen có mức sống nghèo thì 56/57 cảnh sát tại đây lại là người da trắng. Trong khi đó, ở các bang miền Nam như Lu-xi-a-na hay Mít-xi-xi-pi lại áp dụng các biện pháp phù hợp để xử lý vấn đề sắc tộc như thiết lập lực lượng cảnh sát đa sắc tộc.

Vụ việc cũng cho thấy, sự kiện nước Mỹ có Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử là ông B.Ô-ba-ma cũng chưa góp phần thay đổi nhiều vấn đề sắc tộc. Mặc dù không còn diễn ra cảnh bạo lực sắc tộc như ở Lốt An-giơ-lét vào thập niên 1990, nhưng rõ ràng “bóng ma” sắc tộc vẫn là nỗi ám ảnh của nước Mỹ.

Theo Mai Nguyễn (QĐND)