.
Ông Giô-cô Uy-đô-đô nhậm chức Tổng thống In-đô-nê-xi-a:

Tương lai không chỉ có màu hồng

Thứ Ba, 21/10/2014, 10:15 [GMT+7]

Ngày 20-10, Tổng thống đắc cử In-đô-nê-xi-a Giô-cô Uy-đô-đô (Joko Widodo) chính thức nhậm chức sau chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 7 với 54% phiếu ủng hộ. Giữ trọng trách là người chèo lái quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á kể từ ngày 20-10, điều này đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Tổng thống thứ 7 của In-đô-nê-xi-a.

 

Ông G.Uy-đô-đô trước ngày nhậm chức Tổng thống In-đô-nê-xi-a. Ảnh: asiaone.com.
Ông G.Uy-đô-đô trước ngày nhậm chức Tổng thống In-đô-nê-xi-a. Ảnh: asiaone.com.

Theo Báo Bưu điện Gia-các-ta, dự kiến sẽ có khoảng 10 nguyên thủ các nước dự lễ nhậm chức Tổng thống của ông G.Uy-đô-đô, trong đó những người xác nhận chắc chắn sẽ đến là Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Tô-ni A-bót (Tony Abbott), Thủ tướng Ma-lai-xi-a Na-gíp Ra-dắc (Najib Razak), Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long. Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri (John Kerry) cũng sẽ có mặt tại buổi lễ trọng đại này. Ngoài ra, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết sẽ gửi đặc phái viên cao cấp đến dự lễ nhậm chức của ông G.Uy-đô-đô.

Báo chí In-đô-nê-xi-a cho biết thêm, lễ nhậm chức tổng thống sẽ diễn ra tại Trụ sở Hạ viện. Sau đó, tân Tổng thống G.Uy-đô-đô và tân Phó tổng thống Gu-xúp Ca-la (Jusuf Kalla) sẽ đến Phủ tổng thống để nhận bàn giao và chia tay người tiền nhiệm Xu-xi-lô Bam-bang Y-út-đô-y-ô-nô (Susilo Bambang Yudhoyono).

Giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây hơn hai tháng nhờ Cương lĩnh tranh cử 9 điểm, trong đó bao gồm những định hướng cho việc xóa đói giảm nghèo, tái phân chia các nguồn lực kinh tế... ông G.Uy-đô-đô được người dân xứ sở “vạn đảo” kỳ vọng là người sẽ tạo ra được sự đồng thuận chung về ý chí chính trị đối với các đảng phái đối lập, cải thiện nền kinh tế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội…

Tuy nhiên, con đường phía trước của ông Uy-đô-đô không trải thảm hoa hồng. Cựu thị trưởng Gia-các-ta sẽ đối mặt nhiều thách thức trên hai mặt trận kinh tế và chính trị khi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong vòng 5 năm tới.

Vấn đề gai góc nhất mà ông G.Uy-đô-đô phải đối mặt trước tiên là áp lực cắt giảm các khoản trợ cấp năng lượng lên đến hơn 30 tỷ USD trong năm nay và dự kiến tiêu tốn 23 tỷ USD vào năm tới. Cố vấn của ông G.Uy-đô-đô cho biết, tân Tổng thống có thể tăng giá nhiên liệu trung bình lên 50% sớm nhất là ngày 1-11 tới nhằm tiết kiệm ngân sách gần 13 tỷ USD trong năm tài khóa mới. Giá nhiên liệu tại In-đô-nê-xi-a hiện nay là một trong những giá rẻ nhất trong khu vực, với giá xăng là 6.500 ru-pi/lít (khoảng 11.220 đồng/lít) và giá dầu đi-ê-den là 5.500 ru-pi/lít (khoảng 9.500 đồng/lít). Tuy nhiên, việc tăng giá nhiên liệu là một vấn đề nhạy cảm mà thường là nguyên nhân gây ra cuộc biểu tình, góp phần vào sự sụp đổ của chế độ chuyên chế và sau đó là sự thất bại của Tổng thống Xu-các-nô năm 1998.

Ngoài ra, một trong những thách thức không nhỏ đối với chính quyền của ông G.Uy-đô-đô là hạ tầng cơ sở (đường sá, bến cảng) cũng như các phương tiện chuyên chở (đường hàng không, đường thủy) còn yếu kém, tệ nạn hành chính, quan liêu, tham nhũng còn hoành hành ở nhiều địa phương trên cả nước. Do đó, trên cương vị Tổng thống, ông G.Uy-đô-đô cần phải có nhiều kỹ năng chính trị và quyết tâm mạnh mẽ thì mới có thể vượt qua được những khó khăn mà In-đô-nê-xi-a đang gặp phải. Ngoài ra, ông G.Uy-đô-đô phải thật khéo léo để có thể làm hài hòa lợi ích, sự đồng thuận giữa các chính đảng để tạo ra một Quốc hội hoạt động hiệu quả hơn.

Về chính sách đối ngoại, tân Tổng thống ít nhất sẽ phải duy trì được vai trò của In-đô-nê-xi-a trong khu vực và củng cố các mối quan hệ với các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như đối mặt với những căng thẳng ở  Biển Đông.

Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, song người dân vẫn kỳ vọng tân Tổng thống G.Uy-đô-đô sẽ mang lại làn gió mới tới quốc gia “vạn đảo” với 250 triệu dân này.

Theo Linh Oanh (QĐND)