.

Thế giới không sắc màu - Kỳ 2: Chiếc lá vẫn xanh

Thứ Hai, 16/09/2013, 07:42 [GMT+7]

(QBĐT) - “Đã là con chim, chiếc lá/ Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh”, người đàn ông khiếm thị trạc tuổi ngũ tuần cao giọng ngâm nga câu thơ mà anh từng nghe đâu đó. Đôi mắt trầm đục, tưởng chừng như vô hồn nhưng thả vào hư không bao nỗi niềm đau đáu.

>> Kỳ 1: Chuyện nhà mệ Xuân

Mò mẫm trong thế giới không sắc màu, những người khiếm thị bắt chuyện và làm quen với nhau bằng âm thanh, bằng thứ ngôn ngữ sẻ chia của tâm hồn. Và giữa mênh mông đêm tối, họ đã tự đứng lên, đi trong thế giới đặc biệt ấy bằng niềm tin, nghị lực.  Dẫu lắt lay giữa cuộc đời lắm phong ba, bão táp, nhưng những “chiếc lá” ấy vẫn xanh, màu xanh của sự sống và hy vọng tràn đầy. 

15 năm và 270 triệu

Anh tên là Hoàng Văn Lơi (tổ dân phố 8, Bắc Lý, Đồng Hới). Người trong xóm thường gọi anh bằng cái tên là “Lơi rèo bò”, bởi đơn giản, cuộc đời người đàn ông khiếm thị ấy sống và đi lên cũng chính bằng nghề chăn nuôi bò. Sinh ra, mắt đã mờ. Người đàn ông ấy nhìn tất cả mọi thứ trong cuộc đời chỉ một màu đục đục, trăng trắng. Phải vất vả lắm, anh mới lấy được vợ, một người phụ nữ bình thường. Cứ nghĩ cuộc đời vậy là may mắn khi đến cuối đời sẽ có người chăm chút, lo toan.

Vậy mà đời bạc quá, người phụ nữ ấy sinh hạ cho anh được một cậu con trai đầu lòng nhưng số phận nó cũng như cha, như bác ruột nó. Cả cuộc đời rồi cũng sẽ gắn chặt với màn đêm tối mịt mờ, chẳng biết ngày hay đêm. Niềm đau khổ ấy chưa nguôi trong lòng người đàn ông bất hạnh thì vợ bỏ đi, để lại cho người chồng khiếm thị một đứa con mù lòa vừa tròn 7 tháng tuổi.

Suốt 13 năm trời, anh vừa làm cha, vừa làm mẹ, dò dẫm đơn độc giữa cuộc đời để nuôi nấng đứa con thơ bất hạnh. Hai cha con mù lòa cứ bám víu vào nhau mà sống và hy vọng. Người bình thường, cảnh “gà trống nuôi con” khổ một thì với người khiếm thị như anh, một mình nuôi con càng khổ trăm bề. Vậy mà càng khổ thì càng quyết tâm bám trụ với đời. Mượn họ hàng được một ít vốn, anh mua gà về nuôi, rồi đào ao, thả cá. Trong căn nhà ọp ẹp, bốn bề gió lộng, hai cha con cứ thế sống bên nhau, bao vất vả đều nếm trải. Anh nói mà như thể tự mình đang chạm khắc vào nỗi đau : “Nghĩ lại cái thời nớ mà ớn lạnh, vì khổ quái. Vợ bỏ đi, vừa khổ tâm, vừa cực xác rứa mà cũng vượt qua được hết nên chừ tui chẳng sợ chi nữa”.

Dù khiếm thị, anh Hoàng Văn Lơi vẫn cần mẫn với công việc chăn nuôi.
Dù khiếm thị, anh Hoàng Văn Lơi vẫn cần mẫn với công việc chăn nuôi.

Tích cóp được ít đồng, cộng với số vốn vay từ Hội Người mù, anh đầu tư mở rộng chăn nuôi gà, rồi mua thêm bò về chăn. Có đoạn, gia đình nuôi đến hơn 100 con gà, 15 con bò. Những đồng tiền lãi ít ỏi từ việc chăn nuôi ấy cứ thế tăng dần lên. Anh chân tình chia sẻ: “15 năm, tiết kiệm từng cắc bạc lẻ, rứa mà cũng tích góp được 270 triệu để xây được cấy nhà như ri”.  Nhìn căn nhà đổ mái bằng vừa xây xong, nhưng vẫn chưa có cửa ải chắc chắn, chúng tôi thắc mắc, anh tủm tỉm cười: “Xây đến đây thì hết tiền nên phải dừng lại, nhưng mà chẳng lo, gà đó, bò đó, rồi người đây, lại chăn nuôi, lại tiết kiệm tiếp”.

Trong căn nhà mới xây mà suốt đời anh mơ ước, người đàn ông khiếm thị ấy vẫn nuôi hy vọng và vươn lên bằng chính nghị lực phi thường của một con người đã trải quá nhiều bất hạnh. Và cuộc đời đã không phụ lòng người. 13 năm trước, anh đi bước nữa với một người phụ nữ quê Lý Trạch. May mắn thay, hai đứa con chung của họ đã thoát ra khỏi tấn bi kịch của gia đình mình. Chúng là những đứa trẻ bình thường sở hữu đôi mắt sáng, hàng lông mi đen, dài và cong vút. Những đôi mắt ấy lấp lánh hy vọng chung của hai thế hệ cha, anh mình.

“Đừng để tâm hồn mù theo đôi mắt”

May mắn hơn rất nhiều người khiếm thị khác, sinh ra, anh Thới Công Nghiễm (47 tuổi, Tây Trạch, Bố Trạch) vẫn được nhìn thấy ánh sáng. Đến năm lên 10 tuổi, đôi mắt anh bỗng nhiên mờ dần vì chứng bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc. Mỗi ngày trôi đi, cảm nhận rõ đôi mắt mình đang ngày càng kém dần, một cảm giác hoang mang, lo lắng xâm chiếm lấy anh. Những ngày tháng bất lực giành lấy từng tia ánh sáng quý giá ấy kéo dài dai dẳng đến 30 năm.

Năm 2005, đôi mắt anh mù hoàn toàn. Người đàn ông ấy rơi vào khoảng không bóng tối dày đặc, không

Thông qua các chương trình vay vốn, hỗ trợ làm ăn của Trung ương, tỉnh hội người mù, nhiều cá nhân khiếm thị đã biết vươn lên chiến thắng nghịch cảnh để làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương như: Anh Nguyễn Văn Mỵ (Quảng Xuân, Quảng Trạch) mua máy bộ đàm làm vai trò của “người thông tin làng chài” được Chủ tịch nước gửi thư khen; anh Võ Văn Bế (Quảng Xuân) tích cực chịu khó trồng rau màu và 2 ha cây keo lai phủ xanh đồi cát; anh Nguyễn Văn Liên (Quảng Trạch), chị Trần Thị Phương, chị Trần Thị Kim Chung (Quảng Ninh), anh Phan Văn Sự, Trương Văn Lâm (Lệ Thủy) vay vốn kết hợp cùng gia đình trồng rừng, mở rộng trang trại chăn nuôi... Họ là những tấm gương sáng về nghị lực và ý chí vươn lên chiến thắng mù lòa.

biết ngày hay đêm. Cuộc sống xung quanh chẳng còn màu sắc, hình khối. Anh kể, giọng kể trầm buồn như thể đang chạm tay vào nỗi đau xưa cũ: “Sinh ra vẫn được nhìn thấy ánh sáng, có thể coi là may mắn hơn nhiều người khác, nhưng cũng có khi đó lại làm cuộc sống mình thêm bi kịch. Đã từng nhìn thấy cuộc sống mình tươi đẹp như rứa, rồi bỗng nhiên không thấy chi nữa, cấy cảm giác nớ đau đớn vô cùng”.

Trong khoảng 30 năm ấy, đã không ít lần anh rơi vào trạng thái chán nản, trách than số phận. Nhiều lần, trong làn ánh sáng mờ mờ, anh thấy mẹ nhìn anh rồi khóc. Rồi không biết bao lần khác, những giọt nước mắt của mẹ vẫn lặng thầm rơi trong đêm. Những giọt nước mắt mặn mòi tủi phận ấy đã ám ảnh anh suốt một thời gian dài. Năm 1993, trải qua bao sóng gió, anh quyết định lập gia đình với chị Dương Thị Tiện, một người con gái sáng mắt cùng quê. Chính tình thương của mẹ và tình yêu trong sáng của vợ đã vực anh dậy, vững vàng bước đi khi bóng tối đã bủa vây lấy mình.

Người đàn ông ấy bắt đầu làm quen với bóng tối. Anh hoà nhập nhanh với cuộc sống mới rồi cùng vợ tăng gia sản xuất. Ngoài mô hình V-A-C khá thành công, gia đình anh đang sở hữu hơn 1,5 ha cao su sắp sửa cho thu hoạch. Người đàn ông khiếm thị ấy tự hào khoe: “mỗi năm thu nhập bình quân của gia đình cũng xấp xỉ 70 triệu đồng”. Kinh tế ổn định, đứa con trai chăm ngoan và một người vợ hết mực yêu thương mình, đối với một người đàn ông khiếm thị như anh, đó có thể coi là một niềm hạnh phúc tròn đầy.

Để được như ngày hôm nay, người đàn ông ấy vẫn luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan mà như anh nói, đó là liều thuốc quý giúp anh vượt qua những khó khăn của nghịch cảnh mù lòa. Ngoài vai trò của Chủ tịch Hội Người mù huyện Bố Trạch, anh Thới Công Nghiễm còn tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương, rồi các cuộc thi “Tiếng hát từ trái tim” do Tỉnh hội người mù tổ chức. Dù chẳng nhìn thấy sân khấu, không biết khán giả của mình như thế nào, anh vẫn hát. Những lời hát ấy cất lên từ một trái tim lành lặn và đầy khát khao vươn lên.

Anh bảo: “đời người, mù đôi mắt đã khổ nhưng đáng sợ nhất là mù tâm hồn. Tham gia hội, được đến thăm nhiều gia đình hội viên, tui vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều anh em khác. Dù răng tui vẫn có sức khỏe, có gia đình. Rứa nên không việc chi phải để cho mình bi quan, để tâm hồn mù theo đôi mắt”.

Diệu Hương


Kỳ 3: Tình đẹp như cổ tích