.

Rộ tình trạng khai thác gỗ Hương giáng

Thứ Sáu, 03/03/2017, 07:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Vốn chưa được xếp nằm trong danh mục nhóm gỗ nào, tuy nhiên từ khoảng tháng 10 năm 2016 đến nay, trên địa bàn các xã vùng đệm của Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng đã xảy ra tình trạng người dân tập trung vào rừng khai thác gốc, rễ cây Hương giáng, gây mất trật tự an ninh, thiệt hại tài nguyên rừng, nguy cơ đe dọa đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng.

Do nhiều lời đồn thổi về ý nghĩa phong thủy của loại gỗ Hương giáng, đã khiến nhiều người dân bất chấp nguy hiểm, xâm nhập khu vực Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và vùng đệm, để cố tình khai thác. Chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, lực lượng Hạt Kiểm lâm Vườn đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 15 vụ vi phạm, tang vật thu giữ gồm gần 1 tấn gỗ Hương giáng các loại. Trong đó, có 3 vụ khai thác trong lâm phận Vườn quốc gia, và 12 vụ vận chuyển trên địa bàn vùng đệm.

Ông Đinh Huy Trí, Phó Giám đốc  Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết: Thực tế, loại gỗ này chưa nằm trong danh mục nhóm gỗ nào cả, cái tên cũng do người ta gọi với nhau chứ chưa có tên cụ thể được công nhận. Tuy nhiên nhiều người vẫn vào rừng khai thác, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ rừng.

Gỗ Hương giáng được lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thu giữ.
Gỗ Hương giáng được lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thu giữ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do nhận thức còn nhiều hạn chế, hám lợi nên thời gian qua, nhiều người dân vẫn tiếp tục vào Vườn quốc gia khai thác gỗ Hương giáng bán kiếm lời. Trong khi đó, lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia hiện còn mỏng, không đủ để trải đều nên khó có thể ngăn chặn được vấn nạn khai thác gỗ như hiện nay. Bên cạnh đó, do còn nhiều khó khăn trong việc cấp kinh phí cho các hộ dân tham gia công tác bảo vệ rừng, nên sự phối hợp giữa lực lượng chức năng và người dân còn hạn chế.

Một thực tế hiện nay, việc bày bán gỗ Hương giáng diễn ra khá phổ biến tại các hộ dân, hộ kinh doanh đồ gỗ trên địa bàn. Giá một gốc Hương giáng giao động từ vài triệu tới cả chục triệu đồng, vì vậy nhiều đối tượng hám lợi đã lén lút khai thác dẫn đến cây Hương giáng tại các khu vực giáp ranh và lâm phận Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có nguy cơ bị khai thác cạn kiệt, ngoại trừ trong vùng lõi của vườn.

Ông Đoàn Thanh Bình, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết: Thời gian qua, sau khi rộ lên nạn khai thác gỗ Hương giáng, chúng tôi đã tiến hành lập chốt lưu động tại các nút đường chính đi vào rừng. Tuy nhiên, người dân chủ yếu có hành vi xâm nhập để khai thác vào lúc nhập nhoạng tối, khai thác bằng các dụng cụ thô sơ nên việc kiểm tra, bắt giữ và xử lý rất khó khăn.

Trước thực trạng trên, để bảo vệ tốt tài nguyên rừng Vườn quốc gia, bên cạnh việc tăng cường tuần tra kiểm soát của lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị chức năng cần triển khai nhanh việc xác định giá trị, chủng loại của loại gỗ này để từ đó có sự quản lý, xử lý chặt chẽ hơn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm giúp người dân hiểu rõ giá trị thực tế của loại gỗ này để ngăn chặn tình trạng khai thác rầm rộ như hiện nay.

Đức Thọ