.

Công tác quản lý bảo vệ rừng chuyển biến tích cực

Thứ Hai, 16/01/2017, 08:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong năm 2016, tình hình vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh ta nhìn chung được hạn chế, số vụ vi phạm bị phát hiện và xử lý giảm 19% so với năm trước. Đặc biệt đã tạo sự chuyển biến về nhận thức trong các địa phương và người dân về trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng.

Kết quả nổi bật của công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) ở trên địa bàn là thực hiện có hiệu quả các giải pháp ngăn chặn khai thác gỗ trái phép, ổn định tình hình tại khu vực giáp biên giới Việt- Lào và giáp ranh giới 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị... Lực lượng Kiểm lâm đã tăng cường công tác giám sát có hiệu quả các hoạt động của các cơ sở cưa xẻ gỗ, các cơ sở nuôi, chế biến, vận chuyển động vật hoang dã.

Kiểm tra phương án phòng chống cháy rừng.
Kiểm tra phương án phòng chống cháy rừng.

Trong năm, Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng ban hành 2 kế hoạch kiểm tra rừng, truy quét lâm tặc; chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tham mưu cho Ban chỉ đạo các vấn đề cấp bách huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch, phương án thành lập đoàn liên ngành tổ chức trên 90 đợt kiểm tra rừng, truy quét lâm tặc tại các địa bàn trọng điểm, (trong đó, đoàn liên ngành cấp tỉnh 3 đợt, cấp huyện 30 đợt, các hạt phối hợp chủ rừng trên 60 đợt). Qua kiểm tra, các lực lượng liên ngành đã phát hiện lập biên bản xử lý 150 vụ vi phạm, tịch thu trên 180m3 gỗ các loại.

Đặc biệt, Chi cục chỉ đạo các trạm duy trì thường trực 24/24 giờ trong ngày tại các chốt kiểm tra, kiểm soát lâm sản ở một số điểm xung yếu như Tân Ấp, Khe Nét, Khe Sến, Khe Đen, Lồ Ô, khu vực km 33... Đồng thời, Chi cục đã triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ trong công tác PCCCR nên tình hình cháy rừng cơ bản được kiểm soát. Năm 2016 trên địa bàn Quảng Bình xảy ra 5 vụ cháy rừng trồng, thiệt hại 7,98ha (chủ yếu cháy dưới tán, thiệt hại từ 5 – 50%). So với năm 2015, số vụ cháy rừng giảm 16 vụ (giảm 76%) và diện tích cháy rừng giảm 46,78ha (giảm 85%).

Công tác quản lý chế biến, kinh doanh lâm sản và gây nuôi động vật hoang dã đã được tăng cường. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 340 cơ sở cưa xẻ nằm trong quy hoạch mạng lưới cơ sở cưa xẻ gỗ; trong đó gồm: 275 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề cưa xẻ gỗ và 65 cơ sở đang làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Chi cục đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm trực thuộc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ, nhằm phát hiện sai phạm, xử lý kịp thời vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 81 trại nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật rừng đã được cấp giấy chứng nhận. Trong đó, có 68 trại nuôi động vật rừng thông thường, 13 trại nuôi động vật hoang dã quý, hiếm. Chi cục phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra công tác quản lý động vật rừng đối với các đơn vị cơ sở, các trại nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật rừng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng tiếp tục được tăng cường. Chính quyền các cấp, các tổ chức, đơn vị chủ rừng đã quan tâm thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về QLBVR, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật. Các cơ quan chức năng đã hướng dẫn các thôn, bản có rừng xây dựng quy ước, nhân dân tham gia ký cam kết bảo vệ rừng. Đến nay, đã có trên 800 thôn, bản xây dựng quy ước bảo vệ rừng.

Nhờ vậy, nhận thức pháp luật của nhân dân từng bước được nâng cao, ý thức chấp hành pháp luật có bước chuyển biến đáng kể. Chi cục và các đơn vị trực thuộc đã phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức 122 cuộc tuyên truyền trực tiếp các chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư thôn, bản và các trường học trên địa bàn tỉnh. Kiểm lâm địa bàn tại một số địa phương đã tham mưu chính quyền cấp xã lồng ghép công tác tuyên truyền QLBVR vào các cuộc họp ở xã và thôn, bản; thường xuyên nhắc nhở người dân có ý thức bảo vệ rừng và PCCCR trong mùa khô trên hệ thống loa phóng thanh cơ sở.

Nhờ vậy mà trong năm 2016, số vụ phá rừng, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép giảm nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 1.138 vụ vi phạm quy định của nhà nước về quản lý bảo vệ và phát triển rừng, giảm 270 vụ (giảm 19%) so với năm 2015. Các vụ vi phạm chủ yếu là lấn chiếm đất lâm nghiệp với 287 vụ, 257 vụ vi phạm mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép, 31 vụ phá rừng, 18 vụ vi phạm quy định chung về bảo vệ rừng và các loại vi phạm khác... Lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 1.500m3 gỗ trái phép, 2 ô tô, 62 xe gắn máy, 7 cưa xăng xách tay... Số tiền xử lý vi phạm và bán đấu giá lâm sản tịch thu nộp ngân sách nhà nước hơn 10 tỷ đồng.

Do phối hợp tốt trong bảo vệ rừng nên thời gian qua, tình hình khai thác rừng trái phép, mua, bán, vận chuyển lâm sản, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật giảm so với các năm trước, các điểm nóng khai thác gỗ trái phép đã được hạn chế. Tuy nhiên, một số nơi thuộc địa bàn giáp ranh các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh và một số vùng còn giàu tài nguyên trong tỉnh tình hình xâm hại rừng phức tạp vẫn còn xảy ra.

Trong năm, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu chính quyền các cấp tổ chức 1 đoàn liên ngành cấp tỉnh, 8 đoàn liên ngành cấp huyện triển khai nhiều đợt truy quét ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép tại các khu vực còn giàu tài nguyên thuộc lâm phận của các Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu, Long Đại, Tuyên Hóa, Minh Hóa và các chi nhánh lâm trường Trường Sơn, Minh Hóa, Bồng Lai... Mặt khác, thường xuyên kiểm tra rừng cộng đồng để ngăn chặn khai thác gỗ trái phép và đẩy đuổi các đối tượng vi phạm ra khỏi rừng.

 Lực lượng liên ngành truy quét lâm tặc khu vực giáp ranh Quảng Bình-Quảng Trị.
Lực lượng liên ngành truy quét lâm tặc khu vực giáp ranh Quảng Bình-Quảng Trị.

Mặc dù các địa phương trong tỉnh đã tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, tuy nhiên tình trạng xâm hại rừng còn diễn biến phức tạp, nhất là các địa bàn giáp ranh, khu vực đầu nguồn các con sông, suối lớn...Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật xảy ra trên địa bàn huyện Minh Hóa, Bố Trạch và một số địa phương. Nguyên nhân chính là do cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chủ quan, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác sử dụng rừng, trồng rừng ngoài thực địa để phát hiện kịp thời, tổ chức ngăn chặn và xử lý ngay khi vụ việc mới phát sinh.

Nhận định về tình hình quản lý bảo vệ rừng sắp tới, ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu này, tình trạng khai thác rừng trái phép, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt, giết mổ động vật rừng trái pháp luật sẽ diễn biến phức tạp. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch truy quét, kiểm tra, kiểm soát lâm sản.

Theo đó, Chi cục đã chỉ đạo 10 đơn vị (bao gồm các Hạt Kiểm lâm, các Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng), tăng cường phối hợp với các lực lượng liên quan để chủ động nắm tình hình nhằm tổ chức truy quét tại các “điểm nóng” trên địa bàn.

Các đơn vị sẽ thực hiện tuần tra, kiểm soát lâm sản ở các khu vực rừng giáp ranh (Quảng Trị, Hà Tĩnh) thường xảy ra hiện tượng khai thác gỗ, các tuyến đường bộ (đường 12A, 10, 16, xuyên Á...), đường thủy (Rào Nan, sông Gianh, Long Đại) mà lâm tặc thường lợi dụng để mua bán, vận chuyển gỗ lậu về xuôi tiêu thụ. Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm sẽ tiến hành kiểm tra lâm sản tại các cơ sở cưa xẻ gỗ ở các địa phương.

Tr.T