.

Dùng thẻ đỏ rừng phòng hộ "chạy vốn" (?!)

Thứ Năm, 14/11/2013, 14:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là sự việc xảy ra ở Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa và Ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa, khi hai đơn vị này dùng hàng chục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thẻ đỏ) để “chạy vốn” bảo vệ và trồng rừng. Đến khi cơ quan chức năng phá vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở tỉnh Thái Bình thì sự việc động trời này mới “lộ sáng”...

Từ tháng 6-2011, qua sự giới thiệu của một vị nguyên là cán bộ lãnh đạo huyện Minh Hóa, ông Đinh Văn Đối, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa đã tiếp cận với bà Lê Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH trồng rừng Hưng Thịnh (có địa chỉ ở thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa), để được tư vấn, hướng dẫn làm hồ sơ tham gia dự án bảo vệ và trồng rừng.

Ông Đinh Văn Đối cho biết, để có hồ sơ tham gia dự án, chúng tôi phải chuẩn bị 23 bộ hồ sơ bao gồm thủ tục pháp lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa (bản photo copy có công chứng); 33 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (là bản gốc). Đến ngày 18-6-2011, ông Đinh Văn Đối đã ra Hà Nội để gặp bà Lê Thị Hương và một người đàn ông-tên là Phạm Khắc Vỹ-được giới thiệu là người của Ban quản lý dự án đến để tiếp nhận hồ sơ của Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa.

Theo đó, ông Phạm Khắc Vỹ đã yêu cầu ông Đinh Văn Đối giao toàn bộ giấy tờ, hồ sơ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gồm 33 thẻ đỏ) để Ban quản lý dự án đối chiếu, kiểm tra, và hứa sau khi kiểm tra xong sẽ trả cho đơn vị. Đến ngày 20-6-2011, ông Phạm Khắc Vỹ đến gặp ông Đinh Văn Đối và trao một quyết định về việc tiếp nhận hồ sơ xin tham gia dự án của Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa.

Rừng phòng hộ có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội. (Ảnh chụp một góc rừng phòng hộ Minh Hóa).
Rừng phòng hộ có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội. (Ảnh chụp một góc rừng phòng hộ Minh Hóa).

Tại buổi làm việc này, ông Đối có xin lại 33 thẻ đỏ nhưng ông Vỹ nói là chưa đối chiếu xong, phải chờ thêm một thời gian nữa. Lúc này, bà Hương nói với ông Đinh Văn Đối là thời gian thẩm định còn lâu nên khuyên về cơ quan chờ giải quyết. Ngày 26-11-2011, ông Đinh Văn Đối lại được bà Lê Thị Hương yêu cầu ra Hà Nội để hoàn thiện hồ sơ dự án. Sau khi ra Hà Nội, ông Đinh Văn Đối được bà Lê Thị Hương giới thiệu gặp ông Nguyễn Viết Quý, Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển lâm nghiệp Quý Nhân (có địa chỉ tại TP Vinh, Nghệ An).

Khi gặp ông Nguyễn Viết Qúy, ông Đinh Văn Đối tiếp tục ký các hồ sơ, thủ tục xin vốn của dự án (theo yêu cầu của ông Quý), ngoài ra còn ký thêm 3 văn bản với Công ty CP đầu tư phát triển lâm nghiệp Quý Nhân, bao gồm: giấy ủy quyền về việc khai thác và tiếp nhận nguồn vốn; hợp đồng giao việc và cam kết thỏa thuận; cam kết tự nguyện trích thưởng không hủy ngang. Khi ký xong các hồ sơ trên, ông Đinh Văn Đối có đề nghị được trả lại thẻ đỏ, nhưng ông Qúy nói rằng, sau khi giải ngân đợt đầu sẽ trả lại hồ sơ gốc cho đơn vị.

Nhận thấy việc tiếp nhận, giải ngân dự án kéo dài nên ông Đinh Văn Đối đã nhiều lần điện thoại cho ông Nguyễn Viết Qúy để yêu cầu trả lại hồ sơ, thẻ đỏ cho Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa nhưng ông Quý đều trì hoãn với nhiều lý do khác nhau. Đến ngày 29-8-2013, ông Đinh Văn Đối mới tá hỏa khi biết 33 thẻ đỏ của Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa với diện tích 19.052.219ha lại xuất hiện tại nơi ở của Vũ Thị Mùa (tức Minh), là bị can cùng với Nông Xuân Hùng liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại tỉnh Thái Bình?

Theo hợp đồng giữa Ban quản lý phòng hộ Minh Hóa với Công ty CP đầu tư phát triển lâm nghiệp Quý Nhân, thì nguồn vốn mà Công ty này xin về cho Ban quản lý dự kiến từ 20-30 triệu đồng/ha. Đồng thời khi Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa ký nhận nguồn vốn nói trên phải cam kết tự nguyện trích lại cho Công ty CP đầu tư phát triển lâm nghiệp Qúy Nhân một khoản chi phí là 5 triệu đồng/ha.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Đối cũng không biết chính xác vốn đầu tư trồng và chăm sóc bảo vệ rừng này có nguồn gốc từ đâu, và cũng không kiểm chứng tư cách pháp nhân của các cá nhân và đơn vị liên quan trong vụ việc này. Điều đáng nói, là trong khi việc “chạy vốn” tuy chưa có kết quả nhưng ngày 18-6-2011, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH trồng rừng Hưng Thịnh đã có tờ trình gửi UBND huyện Minh Hóa đề nghị hỗ trợ nguồn kinh phí sau khi Công ty này xin được nguồn vốn về cho Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa (?!).

Tương tự như sự việc xảy ra ở Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa, tại huyện Tuyên Hóa, ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa cũng đã nghe theo những lời đường mật để mang 32 thẻ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất) với tổng diện tích 26.703ha giao cho bà Trần Thị Trường (trú ở phường Nam Lý, TP. Đồng Hới) để xin vốn. Tuy nhiên, điều đáng nghi vấn là 32 thẻ đỏ của Ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa cũng nằm trong tay của hai kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là Nông Xuân Hùng và Vũ Thị Mùa.

Trong báo cáo gửi UBND huyện Tuyên Hóa, ông Nguyễn Hoài Nam đã nói rõ người nhận hồ sơ của đơn vị là bà Trần Thị Trường và một người đàn ông tên Thùy. Và qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2011, hai người này đã từng liên quan đến việc “chạy vốn” cho Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Với hành trình lòng vòng của những thẻ đỏ nói trên-dù đối tượng liên quan khác nhau-nhưng qua đó chúng ta có thể nhận thấy sự khuất tất và không minh bạch trong việc “chạy vốn” của những cá nhân và đơn vị liên quan. Mặc dù theo hợp đồng giữa Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa và Công ty CP đầu tư phát triển lâm nghiệp Quý Nhân thì thời gian khai thác nguồn vốn là 60 ngày nhưng vốn thì chẳng thấy đâu còn thẻ đỏ lại được cơ quan chức năng “giữ hộ”.

Đặc biệt, qua hai sự việc này, chúng ta thấy được công tác quản lý tài sản Nhà nước quá bất cập và buông lỏng dẫn đến sự “tự tung tự tác” của hai vị giám đốc như đã nói ở trên. Qua vụ việc xảy ra ở hai Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa và Tuyên Hóa, đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ những đối tượng liên quan để có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Trần Minh Văn