Gian nan công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại

Cập nhật lúc 09:08, Thứ Năm, 10/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Năm 2011, cùng với những khó khăn do biến động không ngừng của kinh tế thế giới và trong nước, tình hình lũ lụt, dịch bệnh đã tác động trực tiếp đến các hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh. Ngoài giá cả thị trường luôn biến động, tình hình buôn bán và vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm và hàng kém chất lượng đi qua địa phận tỉnh ta diễn ra tương đối nhiều và ngày càng diễn biến phức tạp.

Hàng hóa vi phạm được vận chuyển tập trung chủ yếu vào những nhóm hàng có thương hiệu nổi tiếng, giá trị lớn, thuế suất nhập khẩu cao, lợi nhuận chênh lệch lớn như: gỗ, động vật hoang dã, thuốc lá ngoại, rượu ngoại, điện thoại di động, mỹ phẩm... Các đối tượng vận chuyển những loại hàng hóa này thường sử dụng các mánh khóe, thủ đoạn tinh vi để đối phó với hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Thời gian qua cũng đã xuất hiện một số người dân xuất, nhập biên giới trái phép để khai thác, vận chuyển lâm sản. Đặc biệt, lực lượng biên phòng và hải quan đã phát hiện và bắt giữ một số cá nhân có liên quan đến tội phạm ma túy, mang vũ khí, súng đạn và chất gây nghiện qua biên giới. Hiện nay, khu vực cửa khẩu quốc tế Cha Lo, đường 12 ở phía nước bạn Lào được xác định là tuyến, địa bàn phúc tạp của các hoạt động mua bán ma túy và chất gây nghiện.

Ông Phan Tiến Ngà, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường về tình hình buôn lậu và gian lận thương mại trên thị trường tỉnh ta cho biết: Qua kiểm tra, kiểm soát cho thấy hàng hóa nhập lậu, hàng cấm trên địa bàn tỉnh ta không nhiều và không buôn bán công khai nhưng cũng khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Các loại hàng hóa này được cất giấu trong nhà ở, trong các quầy hàng, cửa hàng, khi người tiêu dùng có nhu cầu mua mới đưa ra bán nên rất khó khăn cho công tác kiểm tra bắt giữ. Nhóm mặt hàng nhập lậu chủ yếu là rượu và thuốc lá.

Đối với hoạt động sản xuất, buôn bán và tàng trữ hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Các sản phẩm này thường được sản xuất từ nước ngoài và các tỉnh, thành phố lớn trong nước rồi được vận chuyển về thị trường nông thôn tiêu thụ, nhất là vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Hiện trên địa bàn tỉnh ta đã có một số doanh nghiệp nhỏ vì tham lợi nhuận cũng đã tiếp tay tiêu thụ hàng giả.

Kiểm tra các thủ tục liên quan đến hàng hóa tại cảng Hòn La (Quảng Đông, Quảng Trạch). Ảnh: Hiền Chi
Kiểm tra các thủ tục liên quan đến hàng hóa tại cảng Hòn La (Quảng Đông, Quảng Trạch). Ảnh: Hiền Chi

Đặc điểm bao bì của hàng giả không có sự khác biệt nhiều so với hàng thật nên người tiêu dùng rất khó để phân biệt. Nhóm mặt hàng làm giả nhiều là mỹ phẩm, thiết bị văn phòng, linh kiện máy tính, thuốc lá, nước mắm và thực phẩm công nghệ. Điều đáng nói nữa là trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất sử dụng phẩm màu và chất bảo quản độc hại được cấm sử dụng trong sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm.

Trước tình hình buôn lậu và gian lận thương mại có những diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh đã triển khai kế hoạch, thành lập các đoàn công tác liên ngành và chỉ đạo các ban, ngành liên quan triển khai công tác chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức và đưa tin thất thiệt nhằm bảo đảm ổn định trật tự thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Riêng trong 10 tháng đầu năm 2011, các lực lượng chức năng tỉnh ta đã kiểm tra được 5.260 vụ việc, trong đó xử lý 1.938 vụ với tổng số tiền phạt hành chính và tiền bán hàng tịch thu trên 14,5 tỷ đồng. Trong đó lực lượng công an phát hiện 83 vụ, hàng hoá thu giữ gồm: 270 m3 gỗ các loại, 15,8 tấn nhựa đường, 34 kg động vật hoang dã, 2.290 gói thuốc lá các loại, 29,5 kg pháo,... với trị giá ước tính 2 tỷ đồng; Chi cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra 2.483 trường hợp và xử lý 434 vụ, hàng hoá thu giữ gồm: 209 súng nhựa các loại, 1.101 gói thuốc lá, 4.800 quả trứng gia cầm, 108 gói bột ngọt các loại, 115 hộp mỹ phẩm; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng trực tiếp xử lý 17 vụ, thu giữ trên 20 kg cần sa, 7,9 g hêroin, 4 m3 gỗ trắc; Cục Hải quan xử lý 49 vụ; Chi cục Kiểm lâm xử lý 1.060 vụ, tang vật tịch thu gồm: 2.091 m3 gỗ các loại, 1.852 kg động vật hoang dã, 2.052 kg gỗ huê, 11.475 kg gỗ hương, 34 chiếc xe máy, 2 chiếc thuyền máy, 3 máy cưa xách tay; thanh tra Sở Y tế kiểm tra 1.568 trường hợp và phát hiện 297 cơ sở có dấu hiệu vi phạm, trong đó nhắc nhở chấn chỉnh 249 cơ sở, cảnh báo 21 cơ sở, phạt tiền 27 cơ sở và đình chỉ hành nghề 6 cơ sở.

Theo các ngành chức năng thì khó khăn nhất trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại hiện nay là liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ không thể không có sự tham gia của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này và xem đây là nhiệm vụ của các ngành chức năng nên chưa chủ động để bảo vệ và khẳng định quyền lợi, sản phẩm và uy tín của mình trên thị trường.

Công tác chống buôn lậu tuy đã  triệt phá được một số đường dây nhưng ít phát hiện được đối tượng cầm đầu. Nhiều phương thức, thủ đoạn gian lận thương mại, kinh doanh trái phép đã được phát hiện, xử lý và cảnh báo nhưng không ít vụ việc tương tự vẫn diễn ra. Nguyên nhân chính là do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các lực lượng kiểm tra còn nhiều hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát và kiểm nghiệm các loại hàng hoá từ nước ngoài vào Việt Nam chưa được chặt chẽ như các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng và các loại hoá chất bảo quản thực phẩm. 

                                                                                                               Hiền Chi



,
.
.
.