Bất thường qua những cuộc đấu thầu, đấu giá

Cập nhật lúc 08:50, Thứ Sáu, 29/04/2011 (GMT+7)

  Nhìn bên ngoài những cuộc đấu giá, đấu thầu được tổ chức rất bài bản đúng theo quy định của Nhà nước, nhưng phía sau đó là các “liên minh” với sự thỏa thuận trước để điều chỉnh giá, gìm giá có lợi cho một số đối tượng liên quan. Những “liên minh” này đã gần như vô hiệu hóa công tác quản lý tài sản của Nhà nước, đặc biệt có đối tượng sẵn sàng “tay dao tay búa” để tranh giành quyền lợi. Đáng lo ngại là hiện tượng biến thái này đang xuất hiện hầu hết ở các cuộc đấu thầu, đấu giá nhưng hình như các cơ quan chức năng đành “bó tay”...
        Một chiếc xe ô tô qua ba phiên đấu giá
     

 
Đó là chiếc xe ô tô hiệu Toyota Camry 4 chỗ ngồi đã qua sử dụng mang biển kiểm soát 73B- 0267 của Viện KSND tỉnh vừa được Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh tổ chức bán đấu giá vào ngày 9- 11- 2010. Chiếc xe này được định giá khởi điểm là 130 triệu đồng, và cuộc đấu giá tài sản được thực hiện bằng hình thức đấu giá bỏ phiếu. Tham gia cuộc đấu giá có 43 người, kết quả bà Hoàng Thị B.V ở phường Nam Lý (Đồng Hới) đã mua được tài sản với giá… 135 triệu đồng?. Trước đó, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh đã tổ chức 2 lần để bán chiếc xe ô tô trên nhưng đầu bất thành.
  Ông Từ Minh Liên, Giám đốc Trung tâm cho biết: Thực hiện hợp đồng bán đấu giá tài sản giữa Viện KSND tỉnh và đơn vị, chúng tôi đã tổ chức đấu giá xe lần 1 vào tháng 12- 2009. Thời điểm này có 29 người tham gia đấu giá, nhưng lại bất thành vì người trả giá cao nhất (400 triệu đồng) sau đó đã từ chối không mua. Lần thứ 2 được tổ chức vào tháng 10- 2010 với 53 người tham gia, trong quá trình đấu giá có một khách hàng trả cao nhất là 233 triệu đồng, nhưng lại không nộp tiền để nhận xe. Trở lại với cuộc đấu giá lần 3, ngoài bà Hoàng Thị B.V, có thêm một người ở thành phố Đồng Hới trả giá 132 triệu đồng, còn lại 41 người đều đấu… trúng giá sàn (?!).
     Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ chiếc xe ô tô trên có đông người tham gia đấu giá là do xe còn khá tốt, giá thị trường vào khoảng 285 triệu đồng. Nhưng điều bất thường là ở chỗ tuy người tham gia đông nhưng giá bán lại không cao, không lẽ hơn 40 người đến với cuộc đấu giá đều mang tâm thế “vui là chính” chứ không nhằm mục đích mua tài sản.
   Trao đổi với chúng tôi, một “chuyên gia” trong lĩnh vực này (xin được giấu tên) cho hay: Ngoài những người nộp hồ sơ để tham gia đấu giá xuất phát từ nhu cầu có thực, nhằm mua được tài sản phù hợp với khả năng tài chính.
    Mấy năm gần đây lại có hiện tượng, một số đối tượng liên kết với nhau để làm “quân xanh” trong các cuộc đấu giá nhằm nhận tiền “lót tay” của khổ chủ. Những người này thường không có nghề nghiệp (nhiều trường hợp có tiền án, tiền sự ) hoặc vay mượn vốn để thành lập công ty TNHH và khi nghe thông tin tổ chức đấu giá tài sản thanh lý, đất đai, đấu thầu xây dựng công trình cơ bản là họ tìm tới để tham gia.

     Trường hợp người muốn mua tài sản biết điều chi tiền “thuốc nước” thì dễ dàng mang tài sản đấu giá được ra về, nếu không các đối tượng manh động sẵn sàng dùng bạo lực để đòi “quyền lợi”. Gặp hoàn cảnh này, người mua được tài sản đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt để yên thân. Đặc biệt, trong hoạt động đấu thầu xây dựng công trình hiện nay có một số doanh nghiệp đã bỏ tiền ra để “nuôi quân” nhằm khi hữu sự các đối tượng này sẵn sàng xử các doanh nghiệp làm ăn chân chính bằng luật rừng.
       Khi chủ đầu tư “thông đồng” với chủ thầu?
      

 
Năm 2009, xã H. N (Quảng Ninh) thông báo mời thầu xây dựng công trình Trường THCS với tổng mức đầu tư trên 2 tỷ đồng, nhằm tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học trên địa bàn. Sau khi chủ đầu tư bán hồ sơ mời thầu đã có 11 công ty mua hồ sơ nhưng chỉ có 5 công ty nộp hồ sơ dự thầu đúng quy định để tham gia đấu thầu.
      Mặc dù theo đánh giá của tổ chấm thầu Công ty TNHH XDTH T.Q (gọi tắt là Công ty T.Q)  không đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính và nhân sự. Nhưng để nhận được công trình này, Công ty TNHH XDTH T.Q đã chấp nhận chi mạnh tay cho các đơn vị tham gia  trong cuộc đấu thầu do chủ đầu tư tổ chức để “một mình một chợ” cho dễ bề thao túng.
    Tuy vậy có một công ty (tạm gọi là Công ty T.H) không chịu nhận tiền để rút lui mà vẫn quyết tâm tham gia đấu thầu. Nhận thấy tình thế bất lợi, giám đốc Công ty Q.T liền tung “đòn độc” là viết đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng tố cáo hồ sơ dự thầu của Công ty T.H bị tổ chấm thầu làm lộ ra ngoài có các nội dung không đúng thực tế về doanh thu, nhân sự và không có chứng chỉ công nhân kỹ thuật để thi công gói thầu… Do vậy, chủ đầu tư đã có công văn gửi UBND tỉnh về việc hủy kết quả đấu thầu của công trình này.
     Tiếp đó, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt hủy kết quả đấu thầu công trình, đồng thời cho phép chủ đầu tư tiến hành đấu thầu lại theo đúng quy định để lựa chọn nhà thầu có năng lực để tiến hành thi công công trình.
    Sau khi đã đạt được mục đích loại Công ty T.H, Công ty T.Q liên mượn pháp nhân của một công ty khác để tham gia đấu thầu theo kiểu “một mình một ngựa” vì không có đối thủ cạnh tranh.
    Và đương nhiên Công ty T.Q không thể không rút ruột công trình để thu lại khoản “đầu tư” trước đó. Hậu quả là công trình sẽ không đảm bảo chất lượng, đồng nghĩa với việc tài sản Nhà nước bị thất thoát bởi những “liên minh” trong bóng tối.
    Điều đáng nói là trong đơn Công ty T.Q cho rằng, tổ chấm thầu làm lộ hồ sơ nhưng theo những người hành nghề xây dựng có kinh nghiệm thì theo quy định hồ sơ dự thầu sau khi chấm đều được niêm phong theo chế độ bảo mật. Và nếu không có chủ đầu tư ưu ái cho “gà nhà” thì tổ chấm thầu không thể nhớ hết gần 150 trang tài liệu của hồ sơ để gạ bài cho Công ty T.Q.
    Trước đó vào năm 2007, Báo Quảng Bình đã có loạt bài phản ánh về một số công trình nhà lớp học ở các xã Trung Hóa, Hóa Thanh, Hóa Hợp, Thượng Hóa, Tân Hóa, Yên Hóa, Quy Hóa và thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa), đã được khởi công xây dựng nhằm thay thế dần những trường học tranh tre nứa lá ở địa bàn miền núi rẻo cao này. Tuy nhiên, sau những lễ khởi công rầm rộ, các công trình đang xây dựng dở dang thì chủ thầu gồm các Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Q.Đ; Công ty TNHH đầu tư và xây dựng P.L bỗng nhiên biến mất khiến chủ đầu tư lao đao. Để giải quyết tình trạng này Nhà nước buộc phải bổ sung nguồn vốn nhằm hoàn thiện công trình.
     Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tuy các chủ đầu tư không đủ năng lực thi công nhưng vẫn dễ dàng được “chỉ định thầu” là do đã chi rất nhiều tiền cho chủ đầu tư và chủ quản đầu tư, đặc biệt các công ty này còn có “bảo bối” là thư tay của một vị lãnh đạo huyện.
   Sự việc xảy ra đến nay đã hơn 3 năm nhưng không có ai bị xử lý theo quy định, chỉ có thầy và trò của các địa phương trên chịu thiệt thòi khi dạy và học trong những ngôi trường dột nát.
       Cùng với sự phát triển trên lĩnh vực kinh tế, hoạt động đấu thầu, đấu giá đã trở thành nhu cầu tất yếu trong đời sống của người dân. Đồng thời thông qua hoạt động này, Nhà nước sẽ thu được một khoản ngân sách và tiết kiệm được chi phí đầu tư. Tuy nhiên, hoạt động đấu giá tài sản thanh lý, đất đai và đầu thầu xây dựng công trình đã bị một nhóm đối tượng chi phối để thu lợi bất chính. Điều đáng nói là có những cán bộ trong trong các cơ quan quản lý Nhà nước đã thực hiện phương châm “chân trong chân ngoài” để dễ bề thao túng hoạt động.

                                                                                                                               M. V

      

 

 

 

 

 

 

 

 

     

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

,
.
.
.