.

Nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp

Thứ Tư, 18/10/2017, 14:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhấn mạnh: "Giống cây trồng lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển rừng bền vững. Chức năng phòng hộ, giá trị kinh tế của rừng cũng được quyết định phần nhiều bởi nguồn giống tốt hay xấu".

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong những năm gần đây, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Việc sản xuất giống tràn lan, thiếu kiểm soát đã dần được khắc phục; giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ từng bước được hạn chế. Một số loại giống mới có năng suất và chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất.

Cán bộ Phòng Sử dụng, phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) kiểm tra nguồn cung cấp hom giống tại Trại giống ở Bố Trạch.
Cán bộ Phòng Sử dụng, phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) kiểm tra nguồn cung cấp hom giống tại Trại giống ở Bố Trạch.

Tuy nhiên, việc sử dụng giống tốt có nguồn gốc hợp pháp đang còn ở mức thấp. Công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Nhìn chung, việc quản lý mới chỉ áp dụng đối với giống sử dụng cho các chương trình, dự án trồng rừng bằng nguồn vốn ngân sách hoặc được hỗ trợ từ ngân sách, giống sử dụng cho trồng rừng bằng nguồn vốn tự có vẫn chưa được kiểm soát.

Vì vậy, để tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, cuối năm 2016, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng phương án quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phương án áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây và các đơn vị, cá nhân trồng rừng bằng các giống cây trong danh mục giống cây trồng lâm nghiệp chính.

Theo đó, các nguồn giống cây trồng lâm nghiệp chính trước khi đưa vào sản xuất, kinh doanh phải được cấp chứng chỉ công nhận theo các loại hình nguồn giống được quy định. Chủ nguồn giống có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và tác nghiệp kỹ thuật vào nguồn giống theo các quy trình, quy phạm kỹ thuật đã được ban hành.

Khi xuất bán hoặc lưu thông cây giống, chủ vườn ươm có trách nhiệm lập phiếu xuất kho và hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính, đồng thời photo kèm các giấy xác nhận, lý lịch nguồn giống để kiểm tra, kiểm soát theo đúng quy định pháp luật.

Các cơ sở kinh doanh giống cây lâm nghiệp chính khi mua giống ở các cơ sở sản xuất giống cũng phải yêu cầu chủ vườn ươm cung cấp đầy đủ các tài liệu nêu trên để kiểm tra, chứng minh là nguồn giống hợp pháp. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng lâm nghiệp kém chất lượng, giống ngoài danh mục được phép sản xuất kinh doanh, giống không rõ nguồn gốc xuất xứ và giống chưa được công nhận.

Phương án quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp cũng phân định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị. Trong đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh là cơ quan tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; được giao nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống, nguồn gốc giống của lô cây con cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hạt Kiểm lâm chủ trì phối hợp Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hoặc Phòng Kinh tế huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp chính trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố. UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp kiểm tra, giám sát chất lượng cây giống phục vụ trồng rừng nếu thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi giải quyết công việc hoặc vi phạm quy định về giám sát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý (hoặc đề nghị cấp trên ra quyết định xử lý) theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Theo ông Phạm Hồng Thái, từ khi xây dựng và triển khai thực hiện phương án quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp đến nay, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp đã dần đi vào nền nếp; nhận thức của người dân trong việc thực hiện các thủ tục về giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định của pháp luật đã được nâng cao. Số lượng các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện đăng ký giám sát theo chuỗi hành trình giống cây trồng lâm nghiệp tăng lên.

Tất cả các huyện trên toàn tỉnh đều đã thành lập tổ kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp chính, có sự tham gia của nhiều lực lượng, trong đó thành phần chính là lực lượng kiểm lâm. Một số địa phương trong tỉnh thực hiện tốt, bước đầu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, như: TP. Đồng Hới, Quảng Trạch và Minh Hóa.

Trao đổi về vấn đề này, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quảng Trạch Nguyễn Văn Lâm cho biết, hiện tại, trên địa bàn huyện có 44 cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp, tập trung ở các xã Quảng Liên, Quảng Trường và Ban quản lý rừng phòng hộ Quảng Trạch.

Hàng năm, tổng năng lực sản xuất giống ở các đơn vị đạt khoảng 18.000.000 cây giống các loại, chủ yếu là keo, bạch đàn, lim xanh. Việc sản xuất giống cây lâm nghiệp đã trở thành một ngành nghề truyền thống của địa phương. Các hộ gia đình, cá nhân tham gia sản xuất đều có ý thức học hỏi kinh nghiệm, tiến bộ kỹ thuật áp dụng cho sản xuất giống cây lâm nghiệp; mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất.

Tổ hợp tác ươm cây giống lâm nghiệp Quảng Trường (Quảng Trạch) đã được cấp chứng nhận nguồn giống bảo đảm cây con giâm hom có chất lượng tốt.
Tổ hợp tác ươm cây giống lâm nghiệp Quảng Trường (Quảng Trạch) đã được cấp chứng nhận nguồn giống bảo đảm cây con giâm hom có chất lượng tốt.

Từ đó, giải quyết được nguồn lao động lúc nông nhàn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Hạt cũng đã chỉ đạo kiểm tra, giám sát các nguồn giống đưa vào gieo ươm tại các cơ sở trên địa bàn. Hầu hết các cơ sở mua hạt giống để sản xuất đều có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng.

Vừa qua, Hạt đã phối hợp với Phòng Sử dụng, phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) kiểm tra, thẩm định các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn. Kết quả, Tổ hợp tác ươm cây giống lâm nghiệp Quảng Trường đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp chứng nhận nguồn giống bảo đảm cây con giâm hom có chất lượng tốt.

"Trước tình hình rừng hiện nay cần được phục hồi với diện tích lớn và yêu cầu cao về tính bền vững thì việc lựa chọn cây giống là rất quan trọng. Vì vậy, các địa phương, đơn vị, các cá nhân, hộ gia đình đang triển khai các biện pháp khôi phục (trồng dặm hoặc trồng mới) trong vụ thu-đông năm 2017 hay vụ xuân năm 2018 cần cân nhắc nguồn giống phù hợp.

Đặc biệt tránh tình trạng sử dụng nguồn giống kém chất lượng, giống không có nguồn gốc nhằm bảo đảm yêu cầu nâng cao giá trị của rừng", Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Hồng Thái nhấn mạnh thêm.

Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp chính, cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng trên địa bàn tỉnh bao gồm các loài: bạch đàn camal, bạch đàn lai, bạch đàn urô, bạch đàn pellita, bần chua, bồ đề, bời lời đỏ, dầu rái, đước, dổi xanh, hồi, huỷnh, keo tai tượng, keo lá tràm, keo lai, keo lưỡi liềm, keo chịu hạn, lát hoa, lim xanh, mắc ca, mỡ, phi lao, quế, sa mộc, sao đen, sơn tra, sồi phảng, thông nhựa, thông mã vĩ, thông ba lá, thông caribê, tràm lá dài, tràm cừ, trám trắng, trám đen, tếch, trôm, vẹt, vối thuốc, xoan chịu hạn.

Hương Trà