.

Xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững - Bài 2: Khẳng định hiệu quả từ chuỗi giá trị

Thứ Hai, 16/10/2017, 21:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Là trình tự liên tiếp của quá trình vận động từ khâu cung cấp các yếu tố đầu vào để sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm cho đến tiêu dùng, chuỗi giá trị đã và đang khẳng định tính hiệu quả trong lĩnh vực nông sản. Tham gia chuỗi giá trị, nhiều sản phẩm đã trở thành thương hiệu mạnh, góp phần gắn kết người nông dân, không để họ phải lẻ loi trong “cuộc chiến” khắc nghiệt của thương trường, đồng thời tăng giá trị sản phẩm, mang lại lợi ích cho cả nhà cung cấp và người tiêu dùng.

>> Bài 1: Được mùa mất giá-điệp khúc buồn

Sản phẩm “Mật ong Tuyên Hoá” đã trở thành thương hiệu mạnh được thị trường tin dùng.
Sản phẩm “Mật ong Tuyên Hoá” đã trở thành thương hiệu mạnh được thị trường tin dùng.

Những thương hiệu tiềm năng

Có thể khẳng định, dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình(SRDP) là “bà đỡ” mát tay cho việc xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng nông sản trên địa bàn tỉnh ta.

Tính đến tháng 10-2017, dự án đã hỗ trợ các xã trong vùng mục tiêu xây dựng thành công 8 chuỗi giá trị nông sản, gồm: bò, gà, lúa, lạc, mật ong, mây tre đan, keo, ngô. Hiện nay, dự án đang tiếp tục mở rộng hỗ trợ thêm 3 chuỗi giá trị nữa là sim, dê, nấm.

Chị Phạm Diệu Hà, phòng Phát triển chuỗi giá trị Dự án SRDP cho biết, để xây dựng một chuỗi giá trị, bước đầu tiên là tiến hành tìm hiểu nhu cầu doanh nghiệp, tiếp đó sẽ khảo sát nhu cầu của người dân, đánh giá khả năng của địa phương và các yếu tố liên quan đến việc cho ra đời sản phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Dự án sẽ hỗ trợ việc kết nối doanh nghiệp với các tổ hợp tác trong việc cung cấp cây, con, giống, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu mua, bao tiêu sản phẩm. Khi các công đoạn này đã vận hành ổn định, doanh nghiệp và các tổ hợp tác sẽ trực tiếp làm việc với nhau. 

Những chuỗi giá trị được Dự án SRDP hỗ trợ được xem là thành công nhất đến thời điểm này là chuỗi giá trị ngô và bò. Đối với cây ngô, thay vì trồng để lấy hạt như trước đây, căn cứ nhu cầu thị trường trong giai đoạn hiện nay, cây ngô được trồng lấy thân làm thức ăn cho bò.

Nếu trồng lấy hạt một năm chỉ có hai vụ, thì trồng lấy thân có thể đạt 4 vụ trong 1 năm. Với sự kết nối của dự án, nhiều xã trong vùng mục tiêu dự án, như: Hiền Ninh (Quảng Ninh), Quảng Châu (Quảng Trạch), Thanh Hoá (Tuyên Hoá) đang phát triển mạnh chuỗi giá trị ngô, cung cấp cho các doanh nghiệp chăn nuôi bò trên địa bàn.

Về chuỗi giá trị bò, thay vì trước đây nuôi bò sinh sản, dự án xây dựng chuỗi theo hướng bò vỗ béo với chu trình ngắn. Sau khi được tập huấn kỹ thuật, nông dân nhận bò của doanh nghiệp về chăm sóc, 3 tháng sau doanh nghiệp thu mua lại sản phẩm của bà con.

Đặc biệt, một trong những chuỗi giá trị mới hình thành và bước đầu đã cho kết quả khả quan là chuỗi giá trị sim. Với nhu cầu thu mua sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất rượu sim ở Phú Quốc, dự án đã xây dựng chuỗi giá trị sim tại các địa phương tiềm năng, như: Quảng Hợp (Quảng Trạch), Văn Thuỷ, Thái Thuỷ (Lệ Thuỷ). Từ vai trò kết nối của dự án, doanh nghiệp đã hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, thu hái sim đúng quy trình và cách bảo quản hiệu quả.

Theo đánh giá của doanh nghiệp, Quảng Bình là địa phương tiềm năng trong việc cung cấp sản phẩm bởi thời tiết phù hợp để phát triển loài cây này, quả sim Quảng Bình có chất lượng cao đồng thời có khả năng ổn định về số lượng sản phẩm cung cấp cho doanh nghiệp.

“Người dân các xã phát triển chuỗi giá trị sim theo hai hướng, thứ nhất là trồng mới trên những diện tích đất phù hợp với cây sim, hướng thứ hai là khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển các diện tích cây sim sẵn có. Đây là hướng đi hứa hẹn sự ổn định lâu dài, đặc biệt cây sim là loài cây ít bị ảnh hưởng bởi bão lũ như một số loài cây khác...”, chị Hà cho biết thêm.

Hướng đi hiệu quả

Cùng với những chuỗi giá trị ngành hàng cấp tỉnh do Dự án SRDP hỗ trợ phát triển, Bố Trạch là một trong những địa phương đã và đang sở hữu nhiều chuỗi giá trị đã khẳng định thương hiệu, như: nấm sạch Tuấn Linh, dầu lạc nguyên chất Phong Nha, rau sạch An Nông, dầu lạc Nguồn Son... Những sản phẩm này bước đầu đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận và không còn nớm nớp nỗi lo đầu ra.

Ông Nguyễn Cẩm Long, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bố Trạch cho biết: bắt nguồn từ nhu cầu của thị trường, những sản phẩm kể trên đã ra đời và được thị trường đón nhận. Tiếp đó, để nâng cao giá trị của sản phẩm cả về chất lượng và hiệu quả kinh tế, các cơ sở sản xuất đã liên kết với người nông dân thông qua các tổ hợp tác để hỗ trợ và giám sát khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch nguyên liệu.

Cái lợi của chuỗi giá trị nông sản không chỉ ở việc thu mua sản phẩm cho người nông dân, mà nó còn kiểm soát được chất lượng đầu vào của sản phẩm, bảo đảm một quy trình sản xuất an toàn, chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Trong chuỗi giá trị này, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và nông dân trong quy hoạch vùng nguyên liệu và cung cấp kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Chị Cao Thị Thuỳ Dương, chủ cơ sở sản xuất dầu lạc nguyên chất Phong Nha, một trong những sản phẩm đã khẳng định chỗ đứng không chỉ ở thị trường trong tỉnh mà cả các thị trường “khó tính” trong toàn quốc, như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ, với sự hỗ trợ của Dự án SRDP và Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Bố Trạch, cơ sở của chị đã tổ chức thành công hội thảo “Liên kết với các tổ hợp tác phát triển chuỗi giá trị lạc” để quy hoạch trồng vùng nguyên liệu lạc an toàn dưới sự giám sát của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch. Nông dân tham gia mô hình liên kết sẽ được cung cấp toàn bộ đầu vào, như; phân bón, giống... Lạc sau khi thu hoạch sẽ được xưởng sản xuất dầu lạc Phong Nha bao tiêu sản phẩm.

Với mô hình liên kết này, bà con hoàn toàn yên tâm về đầu ra của cây lạc, đặc biệt là mùa cao điểm sau khi thu hoach vụ lạc đông-xuân. Đồng thời, đây cũng chính là hướng đi cho việc sản xuất dầu lạc ngày càng đạt gần tới chuẩn mực “sản phẩm sạch”.

Cùng với sản phẩm dầu lạc Phong Nha, các sản phẩm, như: nấm sạch Tuấn Linh, rau sạch An Nông, dầu lạc Nguồn Son... trên địa bàn huyện Bố Trạch cũng đang triển khai quy trình sản xuất, tiêu thụ khép kín, tăng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Tại huyện Tuyên Hoá, một sản phẩm nổi tiếng được thị trường trong tỉnh tin dùng và đã có mặt tại hệ thống siêu thị lớn trong toàn quốc, đó là mật ong Tuyên Hoá. Dự án nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm mật ong để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm nghèo cho đồng bào ở huyện miền núi phía tây Quảng Bình do Trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển hỗ trợ được thực hiện vào năm 2014.

Dự án thành công đã cho ra đời sản phẩm “Mật ong Tuyên Hoá” được người tiêu dùng biết đến và sử dụng rộng rãi. Dự án cũng đã tạo lập được sự cam kết chặt chẽ của người nuôi ong đối với chất lượng sản phẩm thông qua việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản mật ong.

Sản phẩm dầu lạc nguyên chất Phong Nha tại hội chợ nông nghiệp quốc tế 2017 tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.
Sản phẩm dầu lạc nguyên chất Phong Nha tại hội chợ nông nghiệp quốc tế 2017 tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.

Các nhóm nuôi ong được duy trì và phát triển, mang lại thu nhập ổn định cho người nuôi ong khi dự án bao tiêu sản phẩm cho bà con thông qua Công ty TNHH sinh thái miền tây Quảng Bình. Đây chính là hướng đi bền vững không chỉ góp phần bảo đảm đầu ra cho nông sản mà còn xây dựng được những thương hiệu mạnh mang dấu ấn địa phương.

Khắc phục khó khăn, phát triển bền vững

Với những lợi ích thấy rõ của việc xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng nông sản, là một địa phương đang sở hữu nhiều sản phẩm tiềm năng, trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bố Trạch ra chỉ tiêu xây dựng một địa phương một sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu.

Để tạo tiền đề thành công cho kế hoạch dài hơi này, Bố Trạch đang nỗ lực khắc phục những khó khăn trong một số khâu, đó là sự thiếu liên kết, manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất; sự bỡ ngỡ và ngại thay đổi của người nông dân khi tham gia sản xuất nguyên liệu đầu vào theo quy trình an toàn; ruộng đất manh mún nên khó khăn trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu.

Tại Tuyên Hóa, sự thành công của chuỗi giá trị mật ong cũng đang tạo động lực để địa phương tiếp tục phát triển các ngành hàng tiềm năng theo hướng xây dựng chuỗi giá trị. Các chuỗi giá trị bò, sim, nấm... hiện đang phát triển ổn định tại các địa bàn trong tỉnh, hứa hẹn mang lại lợi ích bền vững cho tổng thể các mắt xích tham gia chuỗi, trong đó có người nông dân.

Ở quy mô toàn tỉnh, với những kết quả mà Dự án SRDP đạt được trong việc triển khai xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp đầu vào và sự nhanh nhạy thích ứng của người nông dân, đang là những nền tảng quan trọng để phát triển chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị nông sản thành công sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành hàng, phục vụ lợi ích đông đảo của người nông dân, đây chính là hướng đi bền vững cho nông sản trong giai đoạn mới.

Ngọc Mai