.

Phường Phú Hải: Phục hồi nuôi thủy sản

Thứ Ba, 29/08/2017, 15:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Phường Phú Hải (TP.Đồng Hới) là một vùng đất được thiên nhiên “ưu đãi” để phát triển nghề nuôi thuỷ sản nước lợ. Tuy nhiên, sau sự cố môi trường biển, các hộ nuôi thủy sản nơi đây đã bị ảnh hưởng nặng nề, hoạt động sản xuất phải ngưng trệ gần một năm nay. Đầu năm 2017, sau khi nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường biển, các hộ nuôi đã mạnh dạn cải tạo, vệ sinh lại ao hồ và tiến hành thả nuôi con giống cho vụ sản xuất mới..

Nuôi thủy sản là một trong những nghề truyền thống của phường Phú Hải. Từ chỗ chỉ có vài hộ gia đình nuôi tôm tự nhiên, đến nay, phong trào nuôi thủy sản phát triển khá mạnh so với một số địa phương khác trên địa bàn TP.Đồng Hới.

Vì vậy, mặc dù sự cố môi trường biển làm cho các hộ nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhưng người dân nơi đây vẫn bám nghề và tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất.

Thực tế cho thấy, nghề nuôi trồng thủy sản ở phường Phú Hải triển khai với nhiều hình thức, gồm: nuôi thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến (chủ yếu sử dụng phụ phẩm, phế phẩm trong chăn nuôi là chính) với nhiều đối tượng nuôi phong phú.

Lâu nay, người nuôi thủy sản địa phương có mô hình áp dụng nuôi phổ biến là nuôi tôm, cua xen canh (hai vụ tôm sú và một vụ cua). Cụ thể, nuôi tôm sú từ tháng 3 đến tháng 11; nuôi cua từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Việc nuôi thủy sản xen canh đã và đang đem lại hiệu quả cao cho người dân nơi đây.

Các hộ dân Phú Hải phát triển nghề nuôi thủy sản bên sông Nhật Lệ.
Các hộ dân Phú Hải phát triển nghề nuôi thủy sản bên sông Nhật Lệ.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi tôm, cua của gia đình mình, ông Phan Văn Tý ở tổ dân phố Diêm Hải cho biết, vài năm trở lại đây, sản phẩm cua nuôi đang trở thành một mặt hàng có giá trị dinh dưỡng cao, nên thị trường tiêu thụ đang ngày càng mở rộng.

Vì vậy, mô hình của ông từ 1 ao nhỏ đến nay đã phát triển lên thành 4 ao với với diện tích gần 3.500m2 được nuôi theo hình thức kết hợp, trong đó đối tượng nuôi chủ lực là tôm và cua. Trung bình mỗi năm, sản lượng cua, tôm đạt hơn 2,5 tấn và đưa lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm.

Theo ông Bùi Văn Tình, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Hải, diện tích nuôi thủy sản ở địa phương có xu hướng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, một số người nuôi tại địa phương cũng đã mạnh dạn chuyển hướng sang nuôi cá lồng trên sông và đây được xem là nghề mới của người dân.

Với mức đầu tư không quá cao, khoảng 15-30 triệu đồng cho mỗi lồng cá tùy theo chất liệu. Mỗi lồng thả nuôi từ 300-500 cá giống, chủ yếu là những loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá vược, cá mú, cá nâu, cá đối... Theo giá thị trường hiện nay khoảng 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, sau 6-8 tháng nuôi, người dân có thể thu lãi trên 80 triệu đồng/lồng.

Hiện nay, toàn phường Phú Hải có gần 130 hộ nuôi trồng thủy sản với diện tích 69 ha. Trong đó, diện tích mặn lợ nuôi tôm, cua là 57,4 ha với 101 hộ nuôi; diện tích nuôi nước ngọt là 12 ha với 27 hộ nuôi; có 7 hộ dân triển khai thực hiện mô hình nuôi cá lồng trên sông.

Tuy nhiên, để nghề nuôi thủy sản ở Phú Hải phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, trong thời gian tới, bà con nông dân cần quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi trồng; tổ chức phát triển sản xuất theo mô hình HTX, tổ, nhóm; sản xuất thủy sản theo quy trình an toàn và tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; chú trọng tập huấn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục phát triển một số loài đặc sản có giá trị kinh tế cao và đa dạng đối tượng nuôi, đặc biệt chú trọng nguồn con giống có chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả cũng như giá trị nuôi trồng thủy sản.

N.L