.

Bức tranh mới ở Ngư Hóa

Thứ Bảy, 10/06/2017, 16:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau khi gánh chịu hai đợt lũ cuối năm 2016, nhiều địa bàn ở xã miền núi rẻo cao Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa đã lâm vào cảnh tan hoang, đổ nát. Thế nhưng,  với sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp, các nhà hảo tâm, người dân Ngư Hóa đã nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.

Chúng tôi trở lại xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa vào những ngày cuối tháng 5-2017, đúng vào dịp người dân nơi đây cơ bản thu hoạch xong các loại cây trồng chính ở vụ đông-xuân năm 2016-2017, như: lúa, ngô, lạc. Nhiều nông dân ở xã Ngư Hóa cho biết, lũ lụt đã "cướp" đi khá nhiều tài sản của nhân dân trong xã, nhưng cũng mang về một lượng lớn phù sa màu mỡ để cho cây trồng phát triển tốt tươi. Năm nay lúa, lạc, ngô đều được mùa, năng suất cao hơn hẳn mấy vụ mùa trước.

Chủ tịch UBND xã Ngư Hóa Nguyễn Thanh Phong nhớ lại, với địa hình nằm ở phía thượng nguồn sông Rào Trổ, cuối năm 2016, địa phương phải gánh chịu liên tiếp hai đợt lũ dữ dồn dập. Trong số 170 hộ, khoảng 500 nhân khẩu ở xã, có tới 84 nhà dân bị ngập sâu trong nước lũ từ 2m trở lên, có nơi trên 5 mét. Lũ lụt đã khiến cho 3 nhà dân bị cuốn trôi (có 1 nhà bị trôi hơn 200 mét), 3 nhà sập nặng, khoảng 12 tấn lương thực của người dân bị ướt, hư hỏng, 25 ha rừng trồng kinh tế bị lũ làm sập và đổ xiêu.

Ngoài ra, lũ lụt còn khiến cho nhiều trục đường liên xã, thôn, kênh mương, trường học, trạm y tế... bị hư hỏng nặng; tuyến đường bộ nối từ Mai Hóa vào Ngư Hóa bị chia cắt nhiều đoạn do sạt lở nặng. Rất may, nhờ chủ động triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, xã Ngư Hoá không có thiệt hại nào về người. Tổng thiệt hại do lũ lụt gây ra đối với địa phương ước tính trên 5 tỷ đồng.

Nhờ phát huy được tình làng nghĩa xóm và tinh thần "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách"..., cứ sau mỗi đợt lũ năm 2016 kết thúc, chính quyền và người dân Ngư Hóa lại khẩn trương huy động nhân lực, vật chất để hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn trước mắt, không để một trường hợp nào xảy ra thiếu đói.

Được sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và các nhà hảo tâm, gia đình anh Trần Văn Chính (có nhà bị sập trôi trong đợt lũ 2016) xây lại ngôi nhà mới kiên cố.
Được sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và các nhà hảo tâm, gia đình anh Trần Văn Chính (có nhà bị sập trôi trong đợt lũ 2016) xây lại ngôi nhà mới kiên cố.

Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, nhà hảo tâm, nhân dân Ngư Hóa đã sớm vệ sinh sạch sẽ từ trong nhà ra đến các trục đường liên xã, thôn, nhà văn hoá, trụ sở làm việc; tiến hành công tác tiêu độc khử trùng... và không để xảy ra dịch bệnh ở người, gia súc.

Thực hiện tốt phương châm "Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, phát huy tốt tinh thần "4 tại chỗ" trong phòng chống thiên tai, chính quyền và người dân Ngư Hóa đã huy động được hàng trăm lượt ngày công để hỗ trợ nhau dựng lại nhà cửa, công trình bị hư hỏng do lũ lụt tàn phá. Nhờ đó, sau thời điểm kết thúc lũ lụt không lâu, toàn bộ các cơ quan, đơn vị, trường học ở Ngư Hóa cơ bản trở lại hoạt động bình thường.

Số liệu từ UBND xã Ngư Hoá cập nhật, tính đến đầu năm 2017, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho Ngư Hoá trên 2 tỷ đồng tiền mặt, khoảng 35 tấn gạo, trên 3.200 thùng mì tôm và quà, 3 con bò, gần 8 tấn phân bón... để khắc phục hậu quả của lũ lụt. Đây chính là nguồn lực rất lớn để giúp Ngư Hóa sớm “vực dậy” cuộc sống cho nhân dân bị thiệt hại do lũ.

Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, chính quyền xã Ngư Hóa tích cực chỉ đạo người dân khẩn trương triển khai trồng trọt, chăn nuôi đúng khung lịch thời vụ của địa phương đề ra. Nhờ đó, sau lũ, toàn bộ 54 ha đất sản xuất nông nghiệp ở xã đều được người dân tiến hành gieo trồng các loại cây chủ lực, như: lúa, ngô, lạc, khoai lang, đậu đỗ các loại... và không để đất hoang.

Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, trong năm 2016 và đầu năm 2017, nhân dân Ngư Hóa còn tiến hành trồng thêm khoảng 120 ha rừng kinh tế, nâng tổng số diện tích rừng trồng kinh tế toàn xã lên gần 1.000 ha rừng keo lai, bạch đàn và cao su, dẫn đầu toàn huyện về diện tích rừng trồng (tính đến thời điểm này).

Nếu chia đều toàn bộ số diện tích rừng trồng kinh tế cho các hộ dân ở xã thì mỗi hộ có trên 3 ha rừng trồng kinh tế. Đặc biệt, có nhiều hộ diện tích rừng trồng kinh tế lên tới hơn chục ha, như: anh Lê Viết Cường, thôn 4 (15 ha); anh Thái Văn Thế, thôn 3 (15 ha); Trương Văn Nhỏ, thôn 1 (trên 10 ha)...

Sau các đợt lũ năm 2016, chính quyền xã Ngư Hoá đã chỉ đạo bà con tích cực duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm. Đến nay, tổng đàn trâu, bò toàn xã đạt gần 300 con, đàn lợn khoảng 100 con và trên 3.200 con gia cầm. Ngoài ra, bà con Ngư Hóa còn mạnh dạn trồng thêm 900 gốc hồ tiêu, nâng số lượng hồ tiêu hiện có của xã đạt gần 6.000 gốc.

Chia tay Ngư Hóa, ông Nguyễn Thanh Phong trực tiếp dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng để chứng kiến thành quả sau gần 6 tháng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ngư Hóa trong nỗ lực khắc phục hậu quả của thiên tai gây ra đối với địa phương. Các tuyến đường, nhà dân, công trình bị hư hỏng do lũ lụt năm 2016, đến nay đều được nhân dân Ngư Hóa cơ bản khắc phục xong để đưa vào sử dụng hiệu quả.

Người dân nơi đây hiện đã an tâm với việc sinh hoạt, lao động, sản xuất... Tiếp tục đến thăm 3 hộ dân (gồm: Trần Huy Lập ở thôn 5, Chu Văn Huy và Trần Văn Chính, đều trú tại thôn 4) có nhà bị sập trôi trong các đợt lũ 2016 chúng tôi được biết thêm, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và các nhà hảo tâm, hiện nay 3 hộ nói trên đã cơ bản xây lại nhà mới kiên cố, với trị giá hàng trăm triệu đồng/nhà...

Văn Minh