.

Nỗi lo lợn hơi rớt giá! - Bài 2: Đâu là "cứu cánh" cho người chăn nuôi

Thứ Sáu, 10/03/2017, 09:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Lợn hơi giảm giá mạnh trong thời gian dài đang đẩy nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ta đứng trước tình thế “bỏ thì thương, vương thì... nợ”. Đây không phải là lần đầu tiên lợn hơi rớt giá, nhưng chưa bao giờ người nông dân lại gặp nhiều khó khăn như lúc này. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào "cứu nguy" cho người nông dân?

>> Bài 1: Biết lỗ vẫn phải bán

Khi “cung” vượt “cầu”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lợn hơi giảm giá đột biến như hiện nay, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do “cung vượt quá “cầu”. Thời điểm đầu năm 2016, khi xảy ra sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình, thị trường tiêu thụ thực phẩm ở tỉnh ta có nhiều biến động mạnh. Người tiêu dùng vì lo lắng cho sức khỏe nên “nói không” với hải sản và quay sang tiêu thụ mạnh các loại thịt, đặc biệt là thịt lợn. Giá lợn hơi vì thế cũng được đẩy lên cao, dao động khoảng 50.000-55.000 đồng/kg.

 “Cung” vượt quá “cầu” là nguyên nhân chính khiến thị trường thịt lợn ảm đạm, lợn hơi rớt giá liên tục.
“Cung” vượt quá “cầu” là nguyên nhân chính khiến thị trường thịt lợn ảm đạm, lợn hơi rớt giá liên tục.

Chớp thời cơ, các hộ chăn nuôi mạnh tay đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng nhanh số lượng đàn lợn để cung ứng cho thị trường. “Thời điểm đó, đa số các hộ chăn nuôi lợn đều đầu tư tăng số lượng. Hộ nuôi ít thì mua thêm con giống. Hộ không nuôi cũng bắt tay xây dựng chuồng trại để nuôi mới.

Riêng tại xã tôi, tổng đàn lợn của cả xã tăng lên gần gấp rưỡi, từ 9.000 con (1-4-2016) tăng lên đến 13.200 con (1-10-2016). Chính việc tăng nhanh đàn lợn đã gây nên tình trạng người mua thì ít, kẻ bán thì nhiều. Hiện tại, Vạn Ninh còn khoảng 6.500 con lợn đã quá lứa xuất chuồng, nhưng vẫn chưa thể xuất bán được”, ông Nguyễn Văn Thế, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Ninh cho biết.

Thực tế cho thấy việc ồ ạt tăng đàn đã dẫn đến không ít hệ lụy cho bài toán “cung-cầu” thịt lợn trên thị trường. Số lượng đàn lợn tăng nhanh trong khi đó nhu cầu của người tiêu dùng lại đang có xu hướng giảm đáng kể. Khảo sát quanh một số chợ, điểm bán thịt lợn trên địa bàn tỉnh ta, chúng tôi được biết sức tiêu thụ thịt lợn của người dân thời gian này chỉ bằng khoảng 1/3 so với trước đây.

Tại các sạp bán thịt lợn ở chợ Đồng Hới, nhiều tiểu thương lo lắng vì đã mấy tháng liền, mức tiêu thụ thịt lợn vẫn không mấy khả quan. Chị Mai Thị Phưởng, một tiểu thương lâu năm ở chợ cho biết: “Trước đây, trung bình mỗi ngày tôi mổ bán 15 con lợn với gần 1 tấn thịt. Nhưng hiện tại, số lượng giảm hẳn, mỗi ngày chỉ mổ bán được 7 con với khoảng 4 đến 5 tạ thịt. Ấy vậy, bán mãi cũng không hết”.

Thực tế, sau hơn 11 tháng xảy ra sự cố môi trường biển, người dân tỉnh ta đã bắt đầu quay lại tiêu thụ các loại hải sản nên sức mua thịt lợn giảm. Hơn thế nữa, thông tin về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn tại một số tỉnh thành đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người tiêu dùng. Lo ngại mua phải thịt có chứa các loại chất cấm, không ít bà nội trợ đã “quay lưng” với thịt lợn. Và thịt lợn tiêu thụ chậm, lợn hơi tồn đọng, rớt giá là điều không mấy khó hiểu.

Một nguyên nhân khác khiến giá lợn hơi giảm mạnh thời gian qua là do sự chi phối của thị trường trong nước. Việc tiêu thụ lợn hơi của nhiều tỉnh thành nước ta phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, nên khi Trung Quốc, giảm nhập, lập tức xảy ra tình trạng “khủng hoảng thừa” do lợn tồn, gây ế ẩm. Tỉnh ta mặc dù không xuất lợn đi Trung Quốc nhiều, nhưng vẫn chịu sự chi phối của thị trường chung nên vẫn không thoát khỏi “vòng xoáy sụt giá” này.

Giải pháp nào cho người chăn nuôi?

Giá lợn hơi giảm sâu đẩy người chăn nuôi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, bỏ nghề thì không được mà đeo bám cũng đầy bất ổn, khi mà họ phải liên tục đối mặt với không ít rủi ro, bất trắc. Luôn phải đau đáu với nỗi lo dịch bệnh, giờ đây, người chăn nuôi phải “gánh” thêm nỗi lo lợn hơi rớt giá. Đứng ở góc độ người chăn nuôi, nhiều chủ trang trại cho rằng: để tháo gỡ khó khăn, trước mắt Nhà nước cần có giải pháp về nguồn vốn, như: có chính sách hỗ trợ vốn để tái đàn, chỉ đạo các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ cũ...

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể ngành chăn nuôi nhằm tránh tình trạng dịch bệnh kéo dài như hiện nay. “Tôi nghĩ, trong tình hình này, người chăn nuôi, các chủ trang trại cần liên kết chặt chẽ với nhau, cùng thống nhất một mức giá ổn định để tránh tình trạng bị thương lái ép giá”, chị Đào Thị Hà (Nghĩa Ninh, TP.Đồng Hới) bày tỏ.

Mô hình chăn nuôi lợn kết hợp truyền thống và hữu cơ là giải pháp hiệu quả.
Mô hình chăn nuôi lợn kết hợp truyền thống và hữu cơ là giải pháp hiệu quả.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnhcho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian qua, Chi cục đã phối hợp với chính quyền các địa phương tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm ổn định tình hình, “cứu nguy” cho người nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi tỉnh ta nói chung.

Ngay sau khi nắm được thông tin giá lợn hơi giảm đột biến, Chi cục đã cử các đoàn công tác về các địa phương kiểm tra tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn; tập trung tuyên truyền, vận động các hộ chọn lọc những con giống tốt để chăn nuôi, cố gắng giữ quy mô, mật độ đàn phù hợp với từng gia đình, không vì giá thành hạ mà bỏ trống chuồng hay giá nhích lên lại tăng đàn nhanh...

Theo quan điểm của ngành chức năng, để giải quyết khó khăn cho ngành chăn nuôi trước mắt và lâu dài, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: khuyến cáo người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn theo hình thức tập trung, an toàn sinh học, không chạy theo khối lượng xuất chuồng; đa dạng hóa phương thức chăn nuôi, không quá chú trọng phát triển lợn công nghiệp mà cần chú ý đẩy mạnh mô hình chăn nuôi bán công nghiệp kết hợp với truyền thống và hữu cơ.

Đồng thời, cần áp dụng các quy trình chăn nuôi tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chế biến, bảo quản, dự trữ và sử dụng hợp lý nguồn thức ăn nhằm chủ động phối trộn khẩu phần thức ăn, tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương để giảm giá thành, hạn chế rủi ro; chủ động phát triển sản xuất trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu thị trường; dự báo và nắm bắt kịp thời những biến động của thị trường để điều chỉnh cơ cấu vật nuôi phù hợp; từng bước hướng tới hình thành thương hiệu cho các sản phẩm chăn nuôi để thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm...

Trước mắt, cần hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi tái đàn. Về lâu dài, cần có chiến lược phát triển chăn nuôi cụ thể, giúp người dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ với giá ổn định, tạo điều kiện cho người chăn nuôi không bị ép giá, thua lỗ.

Đ.V