.

Công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường biển: Khi người dân đồng thuận

Thứ Sáu, 24/02/2017, 08:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những ngày này, khi về với những làng chài, gặp từng ngư dân vùng biển đều cảm nhận được niềm vui và sự phấn khởi, bởi sau nhiều tháng chờ đợi, bà con đã nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại để ổn định cuộc sống và tiếp tục mưu sinh bằng nghề biển.

Xã Bảo Ninh (Đồng Hới) là địa phương có 95% người dân sinh sống bằng nghề biển, vì vậy, ngay khi thực hiện việc kê khai, xác định thiệt hại, phê duyệt, chi trả bồi thường, hỗ trợ cho tất cả các đối tượng theo quy định tại Quyết định 1880 QĐ/TTg, xã đã tổ chức nhiều cuộc họp từ thôn, xóm, đối thoại với bà con để thống nhất phương án hỗ trợ. Tất cả người dân nằm trong diện đối tượng được hỗ trợ, đền bù, như: chủ tàu, thuyền viên đánh cá, làm việc liên quan đến nghề cá..., đều được niêm yết danh sách, số tiền được nhận tại UBND xã.

Chính nhờ sự công khai, minh bạch, đúng đối tượng, nên vào đầu tháng 12-2016, nhiều bà con ngư dân ở xã Bảo Ninh phấn khởi khi được cầm trên tay số tiền bồi thường thiệt hại. Anh Trần Đình Thủy, chủ tàu đánh cá được nhận tiền bồi thường cho biết, anh em làm nghề biển đi chung tàu thống nhất để chủ tàu nhận tiền, về chia lại cho các thuyền viên theo quy định được hỗ trợ. Số tiền nhận được lần này, sau khi chia cho các thuyền viên, anh Thủy sẽ trang bị thêm ngư lưới cụ phục vụ cho đánh bắt xa bờ.

Đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển ở phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn.
Đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển ở phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, sự cố môi trường biển đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân, vì vậy, cán bộ thôn, xã cũng vui lây khi bà con được nhận tiền đền bù, hỗ trợ. Nếu làm không tốt công tác kê khai, chi trả sẽ gây mất đoàn kết trong nhân dân. Vì vậy, UBND xã Bảo Ninh thực hiện niêm yết công khai danh sách chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển. Đồng thời, UBND xã cũng thông báo rõ ràng, sau thời gian niêm yết công khai, nếu không nhận được văn bản phản ánh thì xem như không có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến nội dung bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển.

Không riêng xã Bảo Ninh, nhiều phường, xã thuộc các địa phương như: Ba Đồn, Đồng Hới, Lệ Thủy, Quảng Trạch... cũng đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia, từ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhằm tạo điều kiện tối đa để những người bị thiệt hại được bồi thường. Đồng thời, các địa phương đã nhanh chóng thực hiện đồng loạt chi trả trực tiếp tiền bồi thường cho người dân theo tinh thần khẩn trương, tạo điều kiện tối đa để những người bị thiệt hại được bồi thường, nhưng bảo đảm đúng đối tượng theo Quyết định 1880/QĐ-TTg.

Chính nhờ vậy, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 56/62 xã, phường có quyết định phê duyệt đối tượng, kinh phí thiệt hại (các xã chưa phê duyệt gồm: Hiền Ninh, Gia Ninh, Tân Ninh (Quảng Ninh); Quảng Tân (Ba Đồn); Văn Hóa, Tiến  Hóa (Tuyên Hóa)) với tổng số tiền phê duyệt 1.922.545/2.328.701 triệu đồng, đạt 83% so với kê khai ban đầu, trong đó, đã thực hiện chi trả trực tiếp 1.574.150 triệu đồng, đạt 86% so với tổng số tiền Trung ương cấp tạm ứng.

Có thể thấy, mặc dù là địa phương chịu thiệt hại trên phạm vi rộng, nhiều đối tượng với khối lượng và giá trị thiệt hại lớn (bằng 39% tổng thiệt hại của 4 tỉnh cộng lại, gấp 3,1 lần tỉnh Thừa Thiên-Huế, gấp 2,4 lần tỉnh Quảng Trị và gấp 1,2 lần Hà Tĩnh), nhưng tỉnh ta vẫn đứng đầu trong 4 tỉnh về số tiền đã phê duyệt. Rõ ràng, những hành động thiết thực và kịp thời của các cấp, các ngành đã và đang giúp ngư dân từng bước vượt qua khó khăn, ổn định đời sống.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy quá trình thực hiện kê khai, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển tại một số địa phương vẫn có nhiều tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là nhiều đối tượng thiệt hại không có đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh thiệt hại, như: cơ sở nuôi trồng thủy sản khi có thủy sản chết không khai báo với chính quyền địa phương; tàu cá không có giấy tờ, tàu chuyển nhượng, cải hoán không báo cơ quan chức năng; lao động không có hợp đồng..., nên gặp khó khăn trong việc kê khai, phê duyệt đối tượng thiệt hại. Hiện, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hải sản tồn kho với khối lượng 649,7 tấn chưa được Chính phủ cho phép xử lý bồi thường, hỗ trợ.

Một vài cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá chủ yếu tại các cảng cá, bến cá, chợ hải sản thuộc các địa bàn nằm trên các cửa sông, không tiếp giáp biển nên không thuộc đối tượng bồi thường... Đặc biệt, một số đối tượng thiệt hại chưa được các địa phương giải quyết kịp thời dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện đông người. Chưa kể, nhiều trường hợp người dân ở các địa phương không thuộc đối tượng được bồi thường thiệt hại theo quy định nhưng vẫn có dấu hiệu gian lận đòi kê khai, bồi thường thiệt hại, tạo bất ổn về an ninh trật tự...

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, vừa bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác, vừa giữ vững ổn định an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, đưa ra nhiều giải pháp chỉ đạo, trong đó giải pháp xuyên xuốt là tiếp tục tập trung huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia thực hiện Quyết định 1880/QĐ-TTg với quyết tâm cao nhất.

Theo đó, các đối tượng đã được phê duyệt phải khẩn trương chi trả, còn những đối tượng chưa phê duyệt phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch thẩm định, phê duyệt cụ thể đến từng thôn, xóm, xã và tạo điều kiện tối đa để những người bị thiệt hại được bồi thường, hỗ trợ nhưng trên cơ sở phải bảo đảm đúng đối tượng theo quy định và được sự đồng thuận của nhân dân từ thôn, xóm, xã.

Cùng với đó, mặt trận và các tổ chức đoàn thể chú trọng và tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích cho nhân dân chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ để người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện quy định kê khai, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Qua đó, cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị, đề xuất của người dân để có giải pháp xử lý ngay từ cơ sở, tránh tình trạng để nhân dân bức xúc, tụ tập đông người, tạo thành các điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn. Cuối cùng, các sở, ngành thường xuyên bám sát cơ sở, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

N.L