.

Các công trình dân sinh bị bỏ hoang: Lãng phí vì đâu? - Kỳ 2: Xây chợ hoành tráng rồi... "phơi sương"

Thứ Ba, 06/12/2016, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân ngày càng tăng cao, khoảng chục năm trở lại đây, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng khá nhiều công trình chợ tại khu vực thành thị và ngay cả ở những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn... Điều đáng nói, bên cạnh các công trình chợ phát huy tác dụng tốt thì vẫn có không ít chợ xây xong lại "phơi sương" hoặc hoạt động chưa được bao lâu đã phải đóng cửa, gây lãng phí và bức xúc trong quần chúng nhân dân...

>> Kỳ 1: Công trình nước sạch tiền tỷ... "đắp chiếu"

Là một huyện miền núi rẻo cao, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh và các chương trình, dự án... hàng năm đầu tư vào địa bàn đang ở mức "khiêm tốn", thế nhưng, huyện Tuyên Hoá lại có rất nhiều công trình phục vụ dân sinh xây xong rồi bỏ hoang, rất lãng phí...

Chợ Thanh Thạch xây hoành tráng rồi...
Chợ Thanh Thạch xây hoành tráng rồi... "phơi sương".

Đơn cử, vào giai đoạn 2005-2007, từ nguồn vốn Chương trình 134, xã nghèo Hương Hoá, huyện Tuyên Hoá được cấp trên đầu tư một công trình chợ khá hoành tráng với trị giá trên 600 triệu đồng. Điều đáng nói, khi công trình này hoàn tất và đưa vào sử dụng thì không thu hút được người dân và tiểu thương đến đây họp chợ đều đặn nên đành chấp nhận đóng cửa, bỏ hoang cho tới nay.

Chị Nguyễn Thị Thao, Chủ tịch UBND xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: Trước khi xây dựng công trình chợ, chính quyền xã Hương Hoá cũng đã tổ chức lấy ý kiến trong dân, các hộ tiểu thương và được khá nhiều hộ chấp thuận. Vị trí này rất thuận lợi, nhưng có lẽ do công trình chợ này kém "duyên" nên không thu hút được người dân trong xã...!?.

Tại thời điểm này, xã Hương Hoá vẫn đang tồn tại một ngôi chợ tạm, thu hút khá đông người dân đến đây để giao thương. Tuy nhiên, vị trí của chợ tạm này hiện nằm trong khu vực hành lang an toàn của đường sắt và đường bộ. Từ năm 2012 đến nay, ở khu vực chợ tạm đã từng xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông khiến 3 người chết...

Để tránh tình trạng lãng phí xây chợ rồi bỏ hoang nhiều năm ròng, cuối 2015, UBND xã Hương Hoá đã lập tờ trình xin UBND huyện Tuyên Hoá được chuyển đổi công năng công trình này. Địa phương đang dự kiến sẽ cải tạo công trình chợ thành trung tâm văn hóa vui chơi giải trí, làm sân thi đấu bóng chuyền... Ngoài ra, Hương Hoá hiện đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân và thông qua HĐND xã để trình huyện Tuyên Hoá xin được đầu tư một công trình chợ mới ở vị trí thích hợp hơn...?!

Tương tự, năm 2007, chợ Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa được xây dựng trên diện tích 1.000m², với số vốn gần 500 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình 135. Trong điều kiện địa phương vừa mới được chia tách để thành lập mới, kinh tế còn lắm khó khăn..., việc được cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng một công trình chợ là rất cần thiết. Vậy nhưng, khi chợ xây xong thì không có tiểu thương và người dân đến giao thương, buộc phải bỏ hoang từ đó đến nay.

Theo lý giải của chính quyền địa phương này, lúc chợ được xây dựng mới, khu vực này không có người dân sinh sống. Theo quy hoạch trong tương lai, cùng với trụ sở UBND xã, các trường học, chợ Thanh Thạch sẽ nằm ở vị trí vùng trung tâm của xã Thanh Thạch. Do đó, việc xây dựng chợ ở đây sẽ hút nhân dân ở các thôn trong xã về sinh sống, giao thương buôn bán.

Thế nhưng, nhiều lần vận động, kêu gọi, tuyên truyền nhưng không một người dân hay tiểu thương nào đến đây để họp chợ, mặc dù xã không thu một đồng lệ phí nào. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách vị trí công trình chợ bỏ hoang chừng 500 mét, nhiều người dân xã Thanh Thạch vẫn đến điểm chợ tạm tự phát (ở trong vườn nhà dân) để giao thương.

Tìm hiểu thêm để biết vì sao có nghịch lý này, ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Thanh Thạch thừa nhận: "Thực tế lúc quy hoạch xây dựng chợ, chính quyền địa phương không lấy ý kiến người dân về vị trí xây dựng. Sắp tới, để tránh lãng phí công trình, chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra Hội đồng nhân dân xã, nhằm tạo ra sự đồng thuận, thống nhất trong việc xây dựng kế hoạch cụ thể để đưa chợ vào hoạt động".

Cũng tại xã Thanh Thạch, không chỉ có công trình chợ mà còn có nhà sinh hoạt cộng đồng ở thôn 1 cũng đang bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Điều đáng nói là 2 công trình nói trên nằm  ngay vị trí gần đối diện trước trụ sở UBND xã Thanh Thạch. Nhà văn hóa cộng đồng này được xây dựng từ năm 2005, với số vốn 150 triệu đồng từ chương trình 135.

 Chợ Hương Hoá trở thành kho chứa gỗ.
Chợ Hương Hoá trở thành kho chứa gỗ.

Chủ tịch UBND xã Thanh Thạch Nguyễn Văn Nguyên cho biết, vào thời điểm xây dựng thì đây là nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn 1. Nhưng đến năm 2010, thôn 1 được chia tích thành 2 thôn (thôn 1 và thôn 4). Sau chia tách, thôn 4 có nhà sinh hoạt cộng đồng mới. Riêng nhà sinh hoạt cộng đồng này, do nằm trên địa phận thôn 4 nên người dân thôn 1 không chịu đến đây sinh hoạt với lý do vì xa quá. Họ muốn xin chính quyền xã được xây dựng nhà văn hóa cộng đồng mới ở vị trí trung tâm của thôn. "Sắp tới, UBND xã sẽ tiến hành cải tạo, chuyển đổi công năng của nhà sinh hoạt cộng đồng này để bố trí cho một số hội, đoàn thể về đây làm việc", ông Nguyên cho biết thêm.

Hai công trình chợ mà chúng tôi vừa nêu mới chỉ là minh chứng cho thực trạng có khá nhiều công trình chợ được xây dựng hoành tráng rồi bỏ hoang rất lãng phí, như chợ Xuân Trạch (Bố Trạch), chợ Trường Sơn (Quảng Ninh), chợ Lâm Hoá (Tuyên Hoá)...

Đem vấn đề huyện miền núi rẻo cao Tuyên Hoá còn lắm khó khăn, lại có nhiều công trình chợ và một số công trình phục vụ dân sinh xây xong rồi bỏ hoang rất lãng phí, ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá giải thích: Nguyên nhân dẫn tới một số công trình phục vụ dân sinh ở huyện Tuyên Hoá xây xong rồi bỏ hoang, trước hết là do năng lực của một số cán bộ xã còn kém, trách nhiệm chưa cao. Tiếp đến là việc tổ chức lấy ý kiến trong dân chưa thực sự thấu đáo...

Sắp tới, đối với công trình chợ Thanh Thạch, UBND huyện Tuyên Hoá sẽ tiếp tục chỉ đạo địa phương tăng cường vận động nhân dân, tiểu thương vào hoạt động tại đây. Đối với các công trình chợ Lâm Hoá và Hương Hoá, chúng tôi đang xem xét để chấp thuận với phương án chuyển đổi công năng thành kho vật tư nông nghiệp, trung tâm văn hoá, vui chơi giải trí...

Văn Minh-Công Hợp