.

Người cựu chiến binh dám nghĩ, dám làm

Thứ Sáu, 11/11/2016, 09:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là cựu chiến binh Nguyễn Văn Nam ở thôn Đông Dương, xã Cảnh Dương, Quảng Trạch.

Xuất thân trong một gia đình ngư dân, sau thời gian phục vụ quân đội, trở về địa phương, anh lại tiếp tục ra khơi đánh cá. Thời gian đầu, một mình anh phải làm lụng nuôi dưỡng cha mẹ già 80 tuổi, vợ yếu, con thơ, mặc dù đã thức khuya, dậy sớm, chui sóng, luồn gió, vào lộng ra khơi nhưng đời sống gia đình vẫn gặp không ít khó khăn.

Năm 2006, cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương thành lập làng nghề, giải quyết việc làm, xóa đói nghèo cho nhân dân. Không chút chần chừ, vợ chồng anh Nam bàn đăng ký nhận một phần đất 900m2 trên vùng cát trắng cách nhà chừng 2km về phía nam. Có đất rồi nhưng phát triển nghề gì để có thu nhập là vấn đề trọng yếu làm anh trằn trọc, bao đêm suy nghĩ.

Truyền thống của gia đình anh từ xưa tới nay chỉ có nghề câu, lưới, không hề biết một nghề nào khác. Trong khi đó, vật tư, tiền vốn, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cũng không hề có. Nhưng với bản chất "Bộ đội Cụ Hồ", cựu chiến binh Nguyễn Văn Nam quyết không lùi bước.

Tranh thủ những ngày nghỉ đi biển, anh đi tìm hiểu các mô hình làm kinh tế trong vùng, học tập kinh nghiệm của họ. Được đồng đội và bà con giúp sức, anh quyết định vay vốn, tổ chức xây hồ nuôi cá nước ngọt. Với số tiền 300 triệu đồng vay được, anh thuê thợ xây tường rào bảo vệ cùng 2 gian nhà xưởng, đào cát xây 4 hồ nuôi có tổng dung tích 180m3, kéo điện lắp ráp 4 giếng khoan và hệ thống đường ống cấp thoát nước. Năm đầu tiên anh thả 8.000 cá trê phi giống nuôi thử và tận dụng các loại hải sản thải loại, xay nhỏ làm thức ăn cho cá.

Những ngày đi biển, anh giao lại hồ cá cho vợ ở nhà chăm sóc. Vợ anh, chị Trần Thị Tuyết dù bận phụng dưỡng cha mẹ chồng, nuôi dạy con thơ nhưng việc chăm sóc 4 hồ cá chị vẫn đảm đang làm tròn. Không những thế chị còn tranh thủ trồng chuối, na, chanh, nuôi thêm gà để cải thiện đời sống. Cá được nuôi bằng hải sản, hay ăn, chóng lớn, sau 8 tháng đã to bằng bắp tay, bắp chân nặng từ 1,5kg - 2,5kg cuối năm xuất bán, thu lãi được gần 20 triệu đồng. Bà con, đồng đội, bạn bè ai cũng mừng và cho rằng anh đã đi đúng hướng.

Phấn khởi trước thành quả đó, năm sau anh quyết định thả nuôi 2 hồ cá trê phi và 2 hồ cá lóc để tăng thêm thu nhập và từ năm thứ 3 xây thêm 2 hồ nuôi nữa đưa tổng dung tích lên 300m3, thả 3,5 vạn cá giống, đa phần là cá lóc. Cũng từ đó, thu nhập bằng nghề nuôi cá tăng dần lên theo năm tháng, đời sống gia đình được cải thiện, nâng lên rõ rệt, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi năm thu được 60 - 80 triệu đồng.

Đầu năm 2016, cá nuôi đang độ ăn, độ lớn thì sự cố môi trường biển xẩy ra, cá ăn nhầm hải sản nhiễm độc chết gần một nửa, thiệt hại khoảng 70 triệu đồng, vợ chồng anh rất lo lắng nhưng không hề nản chí. Sau sự cố, anh đem tiêu hủy hết thảy thức ăn dự trữ cho cá, súc rửa, khử độc hồ bể, mua thêm cá giống và thức ăn mới, nuôi đủ 4 hồ để cuối năm xuất bán bù lại chi phí.

Chị Tuyết chia sẻ: "Chi phí nuôi 6 hồ cá là rất lớn, riêng tiền mua hải sản làm thức ăn cho cá đã chiếm cả trăm triệu đồng rồi. Tuy nhiên nhờ nuôi bằng hải sản nên giá bán được cao, thịt cá ăn ngon chẳng khác gì cá tự nhiên, thị trường rất ưa chuộng. Năm nào tỷ lệ cá an toàn cao thì thu lãi được từ 70 đến 80 triệu đồng.

Hiện tại ngoài cơ sở nuôi cá có nhà xưởng, tủ đông lạnh, máy xay, máy cắt thức ăn, vợ chồng anh đã xây được ngôi nhà mái bằng bên bờ sông Roòn có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, nghe nhìn và đi lại. Con trai đầu của anh giờ đang là sinh viên Trường đại học Công nghệ Thông tin Khánh Hòa, hai con sau đang học phổ thông trường làng. Cuộc sống gia đình anh tuy chưa phải giàu có nhưng đã thực sự đầy đủ nhờ bàn tay, khối óc của hai vợ chồng. Nguyễn Văn Nam xứng đáng là một cựu chiến binh gương mẫu.

Trần Ngọc Phơn