.

Cá chết nổi trắng lồng, người dân Cồn Sẻ lao đao

Thứ Tư, 19/10/2016, 08:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc (thị xã Ba Đồn), hàng chục hộ dân vẫn đang cố níu giữ những chiếc lồng cá xiêu vẹo, tan hoang và trống không trên khúc sông đoạn chạy qua địa phận thôn. Sau khi mưa lũ kéo về, thành quả lao động cực nhọc của họ bỗng chốc trở thành "công dã tràng" khi hàng chục tấn cá của bà con nay đã chết trắng bờ sông.

>> Trạng trại phía tây Đồng Hới tan hoang sau lũ

Sự cố môi trường biển khiến cuộc sống những người dân quanh năm bám biển ở Cồn Sẻ bỗng chốc trở nên lao đao. Chưa kịp đứng dậy sau khó khăn, cuộc sống của họ càng muôn vàn vất vả khi trận lũ lịch sử đã nhấn chìm mồ hôi, nước mắt của họ trong làn nước bạc.

 Những chiếc lồng cá xiêu vẹo, trống không sau lũ lụt.
Những chiếc lồng cá xiêu vẹo, tan hoang sau lũ lụt.

Với người Cồn Sẻ, nhiều năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng vốn là một lối thoát mưu sinh hữu hiệu, khi hiệu quả kinh tế của nghề này mang lại đã giúp họ vơi bớt đi những nhọc nhằn. Đời sống người Cồn Sẻ khá khẩm hơn cũng nhờ đó. Nhưng chỉ một trận lũ lớn, mọi nỗ lực làm giàu của họ trở về con số 0 tròn trĩnh.

Có mặt tại thôn Cồn Sẻ sau khi mưa lũ đã rút hết, chúng tôi ghi nhận hầu hết các bè nuôi cá lồng của người dân trên sông đã bị nước lũ xô dạt xiêu vẹo, xơ xác và bỏ trống không gần một tuần nay. Thỉnh thoảng, một vài người ra đứng cạnh bờ sông với ánh mắt thất thần, tiếc nuối. Họ bảo, mưa lũ đã cuốn trôi tất cả những dự định, những ước mong đổi đời của họ. Tất cả “tay trắng lại hoàn trắng tay”.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, số lồng bè nuôi cá bị thiệt hại chủ yếu tập trung ở thị xã Ba Đồn, trong đó riêng thôn Cồn Sẻ là 96 bè của 90 hộ dân. Qua trao đổi với một số hộ nuôi cá lồng nơi đây, tất cả các lồng cá của người dân đều có cá chết, trong đó cá chủ yếu là cá vược, một loại cá đắt tiền được người dân nuôi từ 10 tháng nay. Trọng lượng cá mỗi con đã đạt trên 2-3kg và đang chuẩn bị xuất bán.

 Cá chết trắng lồng khi nước lũ đổ về
Cá chết trắng lồng khi nước lũ đổ về.

Tuy nhiên, từ ngày 13 đến 15-10, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to đến rất to. Nước lũ từ thượng nguồn sông Gianh đổ về quá nhanh cùng với nước thủy triều dâng cao mang theo rất nhiều rác thải, các loại ký sinh trùng cộng thêm áp lực nước chảy mạnh, nước đục nhiều dẫn tới hiện tượng cá chết hàng loạt.

Bên bờ sông đìu hiu, xơ xác vì lũ, ông Cao Toan thất thần nhìn những vỏ lồng cá còn sót lại, rớm nước mắt cho biết: “Gia đình tôi đã nuôi cá 3 năm nay để kiếm sống. Nhà tôi thả nuôi 2 lồng cá với khối lượng khoảng 900m3, đợt này đã chết mất hơn 5.000 con. Còn khoảng gần 1 tháng nữa là thu hoạch được vậy mà nay cá chết trắng, thiệt hại hơn 100 triệu đồng, đau xót lắm các cô ơi...”. 

Cùng hoàn cảnh, anh Nguyễn Thanh Hùng, hộ dân có số lượng lồng cá tương đối lớn cho chúng tôi hay, sau ngày 14-10, khi lượng mưa lớn, nguồn nước bạc trên thượng nguồn đổ về, 3 lồng cá bắt đầu chết, sau khoảng nửa ngày thì cá chết nổi trắng lồng.

Người nuôi bán tống, bán tháo chỉ mong vớt vát lại được một ít sau lũ
Người nuôi bán tống, bán tháo chỉ mong vớt vát lại được một ít sau lũ.

“Đây là tài sản quý giá nhất của gia đình tôi vì dự định thu hoạch vào đầu tháng 11 để dành dụm tiền trang trải cho dịp Tết và vụ nuôi tiếp theo. Nhưng giờ chết hết rồi, thiệt hại trên 150 triệu đồng, xót xa lắm! Rồi đây cũng không biết lấy gì để tiếp tục mưu sinh”. 

Cạnh đó, chị Hoàng Thị Minh, đang cố thu vén vỏ lồng trong tuyệt vọng. Gia đình chị chỉ biết trông chờ vào vụ nuôi cá này vì những tháng qua, sự cố môi trường biển đã làm cuộc sống đảo lộn. Cuộc sống phía trước càng thêm mịt mờ khi vụ cá năm nay gần như mất trắng.

Ông Lê Văn Tương, Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc cho biết, theo thống kê sơ bộ của thôn Cồn Sẻ, vụ nuôi này trong tổng số 96 bè nuôi cá trên sông Gianh bị thiệt hại thì chỉ có một số ít bà con đã có thu hoạch nhưng không đáng kể, còn lại hầu hết các hộ đều không kịp trở tay khi lũ về. Tổng thiệt hại ước khoảng khoảng 6,4 tỷ đồng.

 Sau lũ, thương lái đưa xe đông lạnh đến thu mua cá với giá 20-35 nghìn đồng/kg
Sau lũ, thương lái đưa xe đông lạnh đến thu mua cá với giá 20-35 nghìn đồng/kg.

Nhiều hộ nuôi cá lồng ở Cồn Sẻ còn cho biết thêm: sau khi cá chết, ttrong ngày 16 và 17-10, đã có thương lái đưa xe đông lạnh đến thu mua, Nhưng giá thành giảm xuống 3-4 lần. “Bình thường, trên thị trường, 1kg cá vược có giá 80-100 nghìn đồng, thế nhưng vì cá bị sốc nước nên các hộ dân ở đây đã bán chạy với giá 20-35 nghìn đồng/kg (tùy theo kích cỡ cá to, nhỏ). Ít ỏi là vậy, nhưng các hộ nuôi đều bán tống, bán tháo chỉ mong vớt vát lại được một ít đồng chứ cá chết thì lãi không có đã đành, đằng này vốn cũng trôi theo lũ lụt hết cả…”, ông Nguyễn Thanh Hùng-một hộ dân nuôi cá lồng cho biết thêm.

“Bế tắc”-câu nói đầy bất lực của những hộ dân nuôi cá ở Cồn Sẻ cứ làm chúng tôi trăn trở. Chưa kịp gượng dậy sau sự cố môi trường biển, những tổn thất do thiên tai gây ra càng khiến cuộc sống của người dân Cồn Sẻ tới lui trong vòng luẩn quẩn của khó nghèo. “Tiền vay ngân hàng chưa trả hết, lồng bè hư hỏng phải sửa chữa lại, khó khăn sẽ là vô cùng”, ông Cao Toan thở dài thườn thượt.

N.Lưu-D.Hương